Không tiếc tiền bảo tồn dân ca ví, giặm?

Tái hiện “Ví đò đưa” ở Hà Nội. Ảnh: LifeTV
Tái hiện “Ví đò đưa” ở Hà Nội. Ảnh: LifeTV
TP - Đại diện của hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An phát biểu trong họp báo sáng 25/12 tại Bộ VH-TT&DL rằng sẽ bảo tồn dân ca ví, giặm bằng nguồn kinh phí đủ mạnh.

1. Lễ vinh danh, đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đối với dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ diễn ra ngày 31/1/2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, Nghệ An. Bà Đinh Thị Lệ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An hứa, trong chương trình trực tiếp dài 100 phút, phần lễ gói gọn chừng 30 phút. Thời gian còn lại dành cho Về miền ví, giặm.

“Chúng tôi mong muốn chương trình nghệ thuật trả lời câu hỏi vì sao dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận. Thêm nữa, thông qua đó kết nối các miền di sản, chứ không chỉ bó hẹp ví, giặm”, bà Thanh nói.

Mỗi khi thêm di sản được công nhận, sau niềm vui luôn là câu hỏi chúng ta có chạy theo mốt danh hiệu quốc gia, quốc tế? Có nhiều người cho rằng mỗi hồ sơ di sản UNESCO tốn công, tốn của và tốn nước mắt, mà hầu như không địa phương nào công bố số tiền đổ ra cho cuộc chơi này. Tuy vậy, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, hiện nay chúng ta mới chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa chưa được quan tâm xứng tầm, phải bảo tồn để sau này không phải trả giá.

“Sau khi di sản được vinh danh, nhiều người hỏi hai tỉnh được gì? Chúng tôi thấy được quá nhiều, hãy biến thành những cái được thực chất-gắn dân ca ví, giặm vào du lịch”, bà Thanh nói. Điều này chưa hẳn dễ dàng, làm không khéo có thể làm sai lệch di sản, và cũng không phải mục tiêu mà các chuyên gia văn hóa, UNESCO luôn khuyến cáo.

2. Không giống nhiều di sản khác, từ hơn chục năm trước dân ca ví, giặm được để mắt bảo tồn, trao truyền. Đại diện địa phương cho biết, từ năm 1996, ngành văn hóa, Hội Văn nghệ dân gian phối hợp tổ chức chương trình dạy hát dân ca, đưa dân ca vào trường học, phát triển hệ thống các câu lạc bộ đàn, hát dân ca. Các nhà nghiên cứu cũng bỏ công sưu tầm các làn điệu cổ, biên soạn những công trình về hát ví, giặm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nói, không phải chờ đến khi di sản được công nhận, mà từ các thế hệ lãnh đạo trước đã nghĩ tới bảo tồn. Trong đề án của ngành văn hóa năm tới, tỉnh dành phần quan trọng tiếp tục phát huy, nâng kế hoạch bảo tồn lên bước cao hơn.

Ngoài giải pháp về nghiên cứu, kiểm kê, quảng bá và phổ biến, Hà Tĩnh và Nghệ An đều chú trọng đến chính sách đãi ngộ nghệ nhân. Hai tỉnh lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ nhân, tiếp tục đề nghị cho nghệ nhân xứng đáng. Trong số 22 hồ sơ nghệ nhân được tỉnh Nghệ An trình Bộ đợt này, có 11 nghệ nhân của dân ca ví, giặm.

Với 803 nghệ nhân của hai tỉnh, gần 100 CLB dân ca ví, giặm, việc trao truyền không đến nỗi căng thẳng. NSƯT Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An cho biết, ông từng tham gia dạy dân ca ví, giặm trên truyền hình trong 5 năm, thời gian tới sẽ nối lại hoạt động này. “Người xứ Nghệ tự hào về ví, giặm nhưng chưa phải ai cũng hiểu được đâu là ví đâu là giặm. Nhiều người đồng thuận với chúng tôi về hiệu quả của chương trình dạy hát dân ca trên phát thanh, truyền hình”, ông nói. Bố của ca sỹ Hương Tràm cũng thừa nhận, thế hệ chuyển giao nắm giữ di sản chính là lớp trẻ, đang phải đối mặt với xu thế âm nhạc mới. Tỉnh soạn giáo trình phù hợp từng cấp, đưa việc học dân ca ví, giặm vào chương trình ngoại khóa.

Thách thức khác là sự biến đổi không ngừng của không gian diễn xướng. “Ví, giặm gắn liền với không gian đồng ruộng, làng quê, nhưng nay tất cả vận động theo thời cuộc. Bây giờ đòi hỏi tôi xây dựng không gian trình diễn như ngày xưa, tôi xin lạy. Phường cấy hôm nay cấy bằng máy nổ rầm rầm, phường gặt ngồi trên máy gặt đập liên hợp thì làm sao mà hát ví, giặm được. Cho nên không gian trình diễn sẽ vận động theo”, ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh nói.

Không gian trình diễn ví, giặm của người xứ Nghệ bây giờ chính ở ngay thôn xóm của họ. Ông Hạnh nói quan điểm bảo tồn “tuyệt đối trung thành với tiêu chí người dân là chủ thể, hưởng thụ và sáng tạo”. Ông Phạm Tiến Dũng lại cho rằng, sân khấu hóa cũng là giải pháp trong bảo tồn, vì thời gian qua thể nghiệm dân ca ví, giặm trở thành kịch chủng của sân khấu truyền thống. 

“Một mặt bảo tồn làn điệu cổ, một mặt nâng cao đáp ứng nhân vật, xung đột, đề tài sân khấu, để nhiều người biết đến, yêu thích hơn”, ông nói. Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nói rằng, cái quan trọng là động viên, tạo điều kiện cho họ trình diễn chứ không phải can thiệp quá sâu của cơ quan, tổ chức xã hội.

Theo kết quả kiểm kê khi lập hồ sơ di sản, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi ở 26 huyện, thành phố thuộc hai tỉnh. Trong kế hoạch bảo tồn, địa phương hướng đến năm 2015 có gần một nửa số xã có CLB dân ca. Định kỳ tổ chức thi đàn hát dân ca ở cơ sở 2 năm/lần, ở tỉnh 5 năm/lần; xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về thể loại này.

MỚI - NÓNG