Kiến trúc đẹp cho Hà Nội: Những cuộc thi không “đầu ra”

Kiến trúc đẹp cho Hà Nội: Những cuộc thi không “đầu ra”
Cuộc thi lớn với giải thưởng lớn (giải đặc biệt 30 triệu đồng, 2 giải nhất 20 triệu/giải...) lại không hề đưa ra bất kỳ hứa hẹn nào về khả năng triển khai trên thực tế, kể cũng hơi phí phạm.
Kiến trúc đẹp cho Hà Nội: Những cuộc thi không “đầu ra” ảnh 1

Nhốn nháo trước nhà cổ 47 Hàng Bạc     ảnh: H.M

Cuộc thi sáng tạo kiến trúc ứng dụng vật liệu mới do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng và báo Xây dựng vừa tổ chức phát động hôm 28/2 (dưới sự bảo trợ của Bộ VHTT, Bộ Xây dựng và Hội Kiến trúc sư VN). Một trong những mục tiêu là tìm ra những mẫu công trình có tính thẩm mỹ và khả năng ứng dụng cho nhà cổ, nhà truyền thống bằng vật liệu mới.

Cuộc thi lớn với giải thưởng lớn (giải đặc biệt 30 triệu đồng, 2 giải nhất 20 triệu/giải...) lại không hề đưa ra bất kỳ hứa hẹn nào về khả năng triển khai trên thực tế, kể cũng hơi phí phạm. Ông Phạm Thanh Tùng - Q.Tổng biên tập báo Xây dựng cho hay: Việc bảo tồn khu phố cổ, nhà cổ toàn dùng vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, bê-tông...Tôi nghĩ trong thời đại ngày nay có thể ứng dụng vật liệu mới, trừ những công trình lăng tẩm, đền chùa thì dứt khoát là không.

Vật liệu mới cho nhà truyền thống phần nào giúp chủ nhân của nó chủ động và gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại, tuy nhiên nếu không khéo lại làm tụt giá trị của ngôi nhà xuống dưới mức chúng có? Vẫn lời ông Tùng lý giải: Bảo tồn phải dựa trên nguyên trạng, chúng ta không đủ tiền để đập hoàn toàn và xây mới. Cửa bức bàn, tường gạch rất dễ thay thế bằng vật liệu giả gỗ và panel 3D. Thế giới từ lâu đã áp dụng loại panel này do ưu điểm độ chịu lực lớn hơn 10 lần so với bê-tông thường, lại cách âm cách nhiệt tốt.

Thành viên ban tổ chức này cũng khẳng định nhà cổ ở Hà Nội “giỏi lắm thì tuổi thọ 90 năm”, và giá trị lớn nhất của chúng là ở không gian sống và lối sống, đấy là không gian đô thị cổ. Ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh ý nghĩa dân sinh, đồng thời tạo môi trường văn hoá kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại. “Không thể thay mới 100% vật liệu của những ngôi nhà hiện tồn, nếu suy nghĩ như thế và làm bài dự thi theo hướng ấy thì thật sai lầm”.

Những cuộc thi “vờ lờ cờ”

Vui là chính! Tính ra trong mấy năm gần đây có tới 3 cuộc thi kiến trúc lớn tập trung vào địa bàn Hà Nội: Tôn vinh thành phố 2004, Hà Nội 36 phố phường-ý tưởng cho một góc phố đẹp, Cửa ô phía Nam. Nhưng không bài thi nào, công trình nào được khai thác và trở thành hiện thực. Lạ là giải thưởng không hề nhỏ, thậm chí không thua kém mấy cuộc tượng đài Lý Thái Tổ, Sóc Sơn, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, lại được những tổ chức và cơ quan chuyên ngành phát động.

Ông Phạm Thanh Tùng nói: Mọi cuộc thi, chúng tôi đều mong muốn những công trình được giải đi vào cuộc sống, nhưng quyền quyết định không phải là chúng tôi. Muốn thực thi phải có sự quan tâm của chính quyền... Tôi cho đó là bi kịch. Chỉ mong qua cuộc thi, nâng cao trách nhiệm xã hội của kiến trúc sư, và xã hội cũng hiểu nghề kiến trúc hơn.

Hà Nội 36 phố phường-ý tưởng cho một góc phố đẹp là cuộc thi ý nghĩa, gợi lên tinh thần bảo vệ nét đẹp đường phố và lòng yêu Hà Nội. Ban tổ chức (tạp chí Kiến trúc và Cty ASHUI) đã tặng lại toàn bộ những công trình đoạt giải cho Ban quản lý phố cổ HN sau khi kết thúc triển lãm. Tất nhiên BQL cứ để đấy thôi. Nhà tổ chức khẳng định: “Trong số ấy có nhiều công trình có thể triển khai tốt nhằm mang lại những góc phố, đoạn phố, con phố đẹp cho HN”.

 Cửa ô phía Nam-một cuộc tỷ thí giữa các kiến trúc sư diễn ra năm 2003 dạo lên không khí sáng tạo trong giới hội hoạ và kiến trúc, nhất là những KTS đang ngồi ghế giảng đường, nhưng số phận giải nhất cũng chẳng đến đâu ngoài chuyện nhóm tác giả đã... được nhận tiền! Cuộc thi không nhằm tìm kiếm một giải pháp cụ thể nào, chỉ đặt vấn đề tìm hướng giải quyết, đề xuất các hình thái kiến trúc mới cho Khải hoàn môn phía Nam HN đầu thế kỷ 21.

Tất cả mờ mờ nhân ảnh, bởi một lý do đơn giản: địa điểm toạ lạc của cửa ô cũng chưa biết, và nó chưa hề có trong quy hoạch TP Hà Nội đến 2020! Tôn vinh Thành phố 2004 cũng lại là cuộc thi hơi nặng về ý tưởng..., nhiều người không biết thành phố đang làm gì nên đồ án của họ đi trên mây. Một kiến trúc sư thổ lộ: Chúng tôi cũng buồn và tự tiếc cho mình. Giá như có một Mạnh Thường Quân, UBND thành phố chẳng hạn, nâng cao và bổ sung cho đồ án đoạt giải thì có thể Hà Nội sẽ có những con phố đẹp.

Gây dựng bầu không khí hứng khởi sáng tác trong giới kiến trúc, giúp kiến trúc sư thể hiện trách nhiệm cộng đồng, điều ấy đáng làm. Nhưng khởi động những cuộc thi để rồi đồ án xuất sắc đến mấy rồi cũng nằm trên giấy, lại là sự lãng phí chất xám. Và, như nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo - TTK Hội Mỹ thuật HN-từng tâm sự cùng PV Tiền Phong: Trò lobby (vận động hành lang) trong chuyện thi thố mỹ thuật-kiến trúc thì tôi không thể nói là nhiều, nhưng chắc chắn là có...

MỚI - NÓNG