Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc

Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc
Đến với âm nhạc một cách tình cờ nhưng Kiều Hưng nhanh chóng khẳng định được tài hoa của một ca sĩ thực thụ. Nhắc đến Kiều Hưng là người ta nhớ đến những tác phẩm có dấu ấn gần như kinh điển.
Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc ảnh 1
Ca sĩ Kiều Hưng. Ảnh: HV

Buổi biểu diễn văn nghệ do Hội Việt - Mỹ và Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội tổ chức tại khách sạn Opera Hilton vào dịp kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có số khách quá đông. Nhiều người đến chậm phải đứng ngoài sảnh của khách sạn, một số lục tục ra về.

Bỗng qua khe cửa phòng hòa nhạc vang vút lên: “Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa...” (Tình ca - Hoàng Việt). Tiếng hát vừa lạ vừa quen, như đã bị lãng quên, mà vẫn hiện hữu... có sức cuốn hút lạ lùng, khiến những người đứng ngoài đổ xô vào trong phòng.

Người nghệ sĩ vóc dáng nhỏ bé, đã luống tuổi, nhưng giọng hát thì gần như không bị thời gian làm hề hấn gì: Đẹp, mượt mà, da diết. Nghe tiếng hát những người thuộc thế hệ chúng tôi, hoặc muộn hơn một chút trở về trước, đều có thể gọi đúng tên ông: Kiều Hưng. Hai năm nữa ông bước sang tuổi cổ lai hy.

Kiều Hưng hát liền một mạch 3 bài. Ông dễ dàng vượt qua những quãng nhạc khó và liên tục nhận được những tràng pháo tay tán thưởng. Không chỉ khán giả Việt có mặt hôm đó thích tiết mục của ông, những vị khách Mỹ đứng gần tôi cũng vỗ tay rầm rầm khi ông hát xong bài “Oh, Susanna !- S. Foster”

Cách đây lâu lắm rồi, nghe đồn Kiều Hưng đi Nga xuất khẩu lao động (?), rồi trốn sang Đức tị nạn? Đất nước thời mở cửa, hội nhập, thanh niên thích nghe nhạc mới, tên tuổi ông dần bị lãng quên.

Nhưng nghe mãi “tóc nâu môi trầm, thấy em ngoài phố đông”, “em đến bên anh, tình yêu dối lừa” v.v... người ta bỗng chợt nhận ra, những bài hát ngày xưa ca từ mới thật hay, thật sâu sắc, còn nhạc thì thật đẹp. Một trong những người thể hiện xuất sắc nhất dòng nhạc cách mạng, kháng chiến và xây dựng xã hội mới ấy chính là Kiều Hưng.

Trước ngày Kiều Hưng lên đường quay lại nước Đức, tôi đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 7 tiếng với ông trong một quán giải khát. Nghe ông tâm sự về cuộc đời lạ lùng, đầy biến cố của mình tôi chợt nhận ra một điều. Có những người nghệ sĩ mà tài năng và số phận thật mong manh. Một cơn gió mạnh có thể nâng họ bay vút lên, nhưng cũng có thể hất họ xuống vực. Như một chiếc lá. Những chiếc lá như thế rất cần đến sự cảm thông, rộng lượng, tha thứ nhiều hơn là trách cứ, hắt hủi.

Hôm ấy Kiều Hưng đã kể với tôi rất thật, gần như toàn bộ về cuộc đời ông: “Đáng lẽ anh định dành kể câu chuyện này cho Trần Đăng Khoa. Nhưng Khoa dạo này bận quá...”.

Chúng tôi thoả thuận là, những chi tiết riêng tư có thể làm một số người trong cuộc bị tổn thương, tôi sẽ chưa được phép công bố cho đến khi nào ông đồng ý. Và vì vậy, câu chuyện dưới đây mới chỉ là những mảnh ghép của cuộc đời một ca sĩ - từ cậu bé nông thôn thiệt thòi, yếm thế nhưng giàu nghị lực đến người nghệ sĩ tài hoa và lưu lạc.

“Tôi sinh ở làng Thường Xuyên, nằm bên bờ sông Nhuệ, thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Gia đình tôi, ngày xưa gọi là địa chủ nông thôn. Nhà có khoảng 30 mẫu ruộng, 4 con trâu. Bố tôi mất năm tôi mới 2 tuổi. Nhà hiếm con trai nên ông cụ cứ phải... lấy nhiều vợ, mẹ tôi là người thứ 7. Tuy là gia đình địa chủ nhưng thân phận lẽ mọn nên chẳng khác gì người làm...”.

Kiều Hưng sống một tuổi thơ cô độc, ngơ ngác. Người anh gầy nhỏ, nên thường bị bắt nạt. Mẹ anh suốt ngày lao động vất vả, cơm phải ăn cùng với thợ. Nhà chủ ăn cơm trắng, còn thợ chỉ được ăn cơm vàng. “Tuổi các em chắc không biết “cơm vàng” là cái gì đâu. Nó được nấu bằng gạo hẩm, xay từ thóc mót quanh những cây rơm, nên có màu vàng”.

Kiều Hưng lấy khăn tay lau nước mắt. Thương mẹ quá, nhiều hôm anh lén giấu phần xôi sáng, ủ vào chăn, đợi đến tối mẹ đi làm về lấy ra mời mẹ...

Cha mất sớm, mọi quyền bính trong nhà nằm trong tay người anh cả. Người anh rất nghiêm khắc. Những khi Kiều Hưng mắc lỗi, bị người anh phạt, bắt quỳ trên hai chiếc bát úp ngược. Mẹ anh, cho dù rất xót con cũng không dám xin.

“Anh cả mua rất nhiều đĩa hát. Những hôm uống rượu say anh cả gọi tôi lên nhà trên, bắt bóp chân cho anh nằm nghe nhạc”. Không ngờ, từ đây những bài học âm nhạc đầu tiên, tự nhiên, lặng lẽ bám rễ vào tâm hồn đa cảm của cậu bé Kiều Hưng. “Sở dĩ sau này tôi hát tốt nhiều làn điệu dân ca và những bài hát nước ngoài cũng là nhờ được “luyện âm” từ thuở ấy”.

Tôi hỏi: “Năm nay ông 68 tuổi, vẫn giữ nguyên được giọng hát, có bí quyết gì không?”

“Trời cho là chính. Thêm nữa, tôi không bao giờ hút thuốc lá”.

Kiều Hưng thú thật, hồi nhỏ do sức yếu nên học văn hoá rất xoàng. Đến tuổi thiếu niên, gia đình đưa anh ra Hà Nội. Anh từng học nghề may trong nhà mấy ông chú ở phố Hàng Đào. “Suýt nữa tôi trở thành thợ may rồi! Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cách thùa khuyết”.

Thế nhưng hình như tiếng gọi của số phận đã nhắc đến tên anh. Nghe tin nhạc viện tuyển sinh cho khoá thanh nhạc đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, anh đến đăng ký. “Tôi nhớ cùng thi với mình có anh Trung Kiên. Hồi ấy tôi hát đã bắt đầu hay rồi...” - “Hôm ấy ông hát bài gì?”. Kiều Hưng hát luôn: “Bạn ơi đi với tôi lên đỉnh núi khi trời chiều... bài Leninski Gory - Đỉnh núi Lê nin, do một chị đi Nga về dạy lại”.

Hát xong, giám khảo là một ông thầy người Trung Quốc gật gù, khen ngợi. Thế nhưng khi công bố kết quả thì Kiều Hưng lại trượt! “Tôi bao giờ cũng cố gắng nói thật. Sự thật mới hay, giả dối chẳng có nghĩa gì. Lí lịch của mình tôi thành thật khai là con địa chủ, nhưng thuộc thành phần bị áp bức; năm 54 tôi có vào Nam với người chị mấy tháng rồi quay ra Bắc v.v... tóm lại có gì tôi khai tất tật.

Nhưng lúc ấy cũng chưa biết lí do vì sao mình lại trượt! Chỉ thấy buồn. Tôi còn biết ngâm thơ, giọng đọc cũng khá nên sau khi không đỗ vào nhạc viện, tôi xin đi làm thuyết minh phim, nhưng viết hàng trăm lá đơn, chẳng đâu nhận...”.

Để có tiền học thêm văn hoá, Kiều Hưng phải dậy từ 3, 4 giờ sáng, đi bỏ mối báo, tối lại dạy kèm thêm trẻ em trong phố. Khi học sắp xong phổ thông thì Đoàn ca múa nhạc Trung ương tuyển người. May mắn thay, lần này Kiều Hưng được nhận vào làm hợp xướng viên. Nhưng những lúc rỗi anh được giao thêm nhiệm vụ giúp chị Tình - thủ kho, đánh giầy, là quần áo cho các diễn viên khác.

“Bao giờ thì ông được hát đơn ca?”

“Chính thức thì trong phim Vợ chồng A Phủ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khi đó là trưởng đoàn của chúng tôi được mời viết nhạc cho bộ phim này. Anh Vũ Chất là trưởng tốp hát nam được phân công hát. Anh đóng cửa tập: “Ơ... đầu trời có sao chiều, sao sớm, đầu núi kia có ở hai người yêu nhau...”.

Tôi thuộc giai điệu, thỉnh thoảng lẩm nhẩm hát theo. Có người nghe thấy, mách với ông Thương. Ông Thương gọi tôi lên, bảo hát thử. Nghe xong, ông nói, được, Kiều Hưng hát luôn nhé. Hôm phim chiếu ra mắt ở rạp Tháng Tám, lần đầu tiên tôi nghe thu thanh chính tiếng hát của mình, cảm động đến trào nước mắt.

Ông La Thăng, đội trưởng đội ca ngồi cạnh tôi khen: “Thằng nào hát hay quá!”. Tôi thưa: “Em hát đấy ạ!”. Ông Thăng nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi ngồi cắt tóc, lại nghe người thợ cạo nói một câu tương tự: “Thằng đ. nào hát trong phim Vợ chồng A phủ hay quá!”. Được quần chúng khen, trong lòng thấy thích lắm, nhưng tôi không dám khoe nữa. Bài hát này được phát trên đài, thính giả khắp nơi gửi thư về động viên, khuyến khích. Từ đó đoàn mới chính thức công nhận tôi hát được đơn ca”.

Vào những dịp 20/7 hàng năm là Ngày đấu tranh thống nhất và Quốc khánh 2/9, Kiều Hưng thường được biệt phái vào Đoàn ca múa miền Nam, đi biểu diễn ở vùng giới tuyến, Bến Hải, Cửa Tùng.

Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc ảnh 2
Kiều Hưng đăng ký tác phẩm tại trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc (7/2005). Ảnh: H.V

Bên kia bờ sông Bến Hải, địch lắp loa cá sấu của Mỹ. Mỗi khi ta biểu diễn, chúng lại bật lên át hết cả tiếng. Bên mình cũng có một dàn loa Trung Quốc gồm 36 cái, xếp theo hình bông hoa, nhưng không ăn thua so với họ. Những khi không hát được thì ta cho múa ra. Địch lại tổ chức một tốp nữ thanh niên mặc áo dài, xếp hàng, tay dứ quả đấm sang khiêu khích. “Nhưng đồng bào mình ở bên ấy cứ giả vờ giặt chiếu, rửa rau, đứng ngâm chân dưới sông để nghe ca nhạc miền Bắc. Chúng tôi lại hát càng hăng...”.

“Chuyến đi Nam nào ông nhớ nhất?”

“Năm 1966 Bộ Văn hoá tổ chức một đoàn ca múa nhạc gồm các nghệ sĩ hàng đầu đi vào tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Đường 9 Nam Lào. Ca có anh Quốc Hương, múa có chị Phùng Thị Nhạn, các anh Mạnh Hùng, Đinh Thìn... Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc (tác giả các bài hát nổi tiếng Cô lái đò, Tiếng đàn bầu...) làm trưởng đoàn.

Chuyến đi này khá gian khổ. Có hôm gặp máy bay oanh tạc, bom nổ hất cả tôi và chị Phùng Thị Nhạn xuống rệ đường. Có hôm chúng tôi cùng tham gia tiếp đạn cho bộ đội phòng không đánh giặc. Buổi tối thắp đèn dầu hát, khi máy bay nó đến, phải lấy dù chùm lên che bớt ánh sáng để hát tiếp. Xuống tận giao thông hào hát phục vụ thương binh... vừa hát chúng tôi vừa khóc.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp tình cờ nhặt được mẩu báo có in bài thơ “Em bé Bảo Ninh”, anh đem phổ nhạc. Tôi tập, hát luôn: “Em bé Bảo Ninh, bên bờ Nhật Lệ...”. Với bài hát còn nóng hôi hổi đó, tôi hát tại các trận địa phục vụ bộ đội và bà con, ở đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhờ chuyến đi này mà anh chị em nghệ sĩ mới thâu lượm được thêm nhiều điều có ý nghĩa về cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của quân dân ta”.

Trên đường ra Bắc, có một câu chuyện mà Kiều Hưng nhớ mãi. Đến bến phà sông Gianh đang vào giờ cao điểm, nhưng xa nhà đã lâu ngày, anh chị em nghệ sĩ liều, rủ nhau tranh thủ sang sông. Ông Nguyễn Đình Phúc giang tay ngăn lại:  “Các em phải chấp hành nguyên tắc. Các em là vốn quý của đất nước, không được chủ quan. Nhân danh trưởng đoàn và người chỉ huy cao nhất ở đây, tôi ra lệnh cho tất cả ở lại!”.

Trong suốt thời gian đi vào tuyến lửa, ông Nguyễn Đình Phúc là người nhẹ nhàng, tâm lý, thương yêu mọi người nên rất được anh chị em nghệ sĩ kính trọng. Đây cũng là lần đầu tiên ông dùng mệnh lệnh. Thế nhưng lúc ấy trời yên tĩnh, nên mọi người không nghe, cứ ùa lên phà. Ông Phúc giận, quay lại ngồi bên này sông một mình, chờ đến chiều, hết giờ cao điểm mới sang. Thế là những người đã qua được sông rồi vẫn phải ngồi chờ. Chờ mà ân hận và thương người thủ trưởng hết lòng vì các nghệ sĩ mà ông gọi là “vốn quý của đất nước” !

Một thời gian sau, Bộ Văn hoá tổ chức đoàn văn công đi biểu diễn ở 12 nước XHCN. Kiều Hưng nhỏ con, lại còn trẻ, nhưng nhờ có thành tích trong chuyến đi nói trên nên cũng được xếp vào đoàn làm hợp xướng viên. Sát ngày lên đường thì ông Giáp, phó đoàn thông báo tin gấp: Bộ Văn hoá có công văn cử chị Tường Vi và chị Khánh Vân đi học ở Liên Xô. Thế nhưng các chị muốn tham gia biểu diễn hơn, nên từ chối. Nay nếu ai có nguyện vọng du học thì sẽ được đi thế vào suất này.

“Nghe được đi học, tôi mừng quá, nhận ngay. Thế nhưng khi ấy lại có đơn kiện, Kiều Hưng hát hay, có thành tích, nhưng người nhỏ yếu, không biết có đủ sức khoẻ không? Kiều Hưng chỉ hát dân ca, nay lại đi học opera có phí không? v.v... Đúng là con người ta có số vất vả thật. Nhưng vì không còn người đi học, và tôi cũng hứa sẽ tích cực rèn luyện sức khoẻ nên cuối cùng đã được chấp nhận !”.

Kiều Hưng được phân về học ở Nhạc viện Kiev. Có lẽ đây là thời kỳ ông cảm thấy được bình yên nhất. Đất nước Liên Xô ngày ấy với ông, chẳng khác gì trong những cuốn tiểu thuyết ông được đọc và như trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí: “Nhân dân Liên xô vui hát trên đồng hoa...”.

Ông lại được học cùng với nghệ sĩ Trung Kiên. “Hai anh em ở cùng phòng, học cùng thầy. Chúng tôi rất quý mến nhau. Anh Trung Kiên là người có chất giọng đặc biệt, bẩm sinh đã là teno cao, khi hát thường cao hơn nửa tông hoặc một tông so với người bình thường thì mới đạt tới độ trong sáng và hay nhất. Anh cũng là người thông minh, học nhanh, hát romance của Traicôpxki là những bài khó mà anh vẫn đạt kết quả rất tốt”.

Sau này khi Kiều Hưng đã ở CHLB Đức, ca sĩ Trung Kiên khi ấy là thứ trưởng Bộ Văn hoá dẫn một đoàn VN đi biểu diễn ở mấy nước châu Âu, hai ông đã gặp lại nhau. Tuy khoảng cách, địa vị không còn như xưa nhưng theo Kiều Hưng kể lại thì họ vẫn cư xử với nhau khá thân mật.

Thứ trưởng Trung Kiên mời Kiều Hưng ở lại nghỉ cùng phòng để trò chuyện, nhưng Kiều Hưng từ chối vì bận việc. Ông Kiên còn tỏ ý sẵn sàng đứng ra bảo lãnh nếu Kiều Hưng có ý định trở về VN. Thật không may là lúc ấy Kiều Hưng mới nhận lời tham gia một show biểu diễn ở bên Mỹ nên đã để lỡ đi một dịp có thể hồi hương.

Ở Kiev bấy giờ họ có một cộng đồng âm nhạc khá mạnh. Nam có Trọng Khanh, Trung Kiên, Kiều Hưng... nữ có Thanh Trì, Mai Khanh... sau đó có thêm nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nghệ sĩ Trần Thu Hà (Giám đốc nhạc viện Hà Nội bây giờ) sang.

Thường khi thi tốt nghiệp, SV Việt phải hát ghép với một SV Nga. Riêng Kiều Hưng, là người đầu tiên được hát một mình cả một chương trình. Ông đóng hai vai: giáo viên vũ đạo Priker và nhà thơ Lenski trong vở opera nổi tiếng Evghenhi Onhegin. Giọng hát của ông được thu làm tài liệu giảng dạy của nhà trường.

Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc ảnh 3
Kiều Hưng (thứ 2 từ trái sang) tại Festival quốc tế âm nhạc và múa dân gian (Mátxcơva)

Năm 1972, Kiều Hưng tốt nghiệp. Lúc chia tay, bà giáo người Nga cứ ôm lấy ông khóc và nói: Ôi, những học sinh yêu quý cuối cùng của tôi! Hình như bà linh cảm được tuổi già, chiến tranh và cách trở khiến mình không bao giờ còn gặp lại các học trò Việt Nam này nữa. Tất cả đều chảy nước mắt.

Thật ra gần 20 năm sau, năm 1991, Kiều Hưng sang Nga, có về thăm lại trường xưa và tìm gặp cô giáo cũ xin học tiếp. Nhưng bà giáo đã quá già, không thể dạy ông được nữa. Tuy nhiên bà vẫn nhiệt tình viết thư giới thiệu để ông được vào làm thực tập sinh ở trường Đại học Văn hoá Mátxcơva. Tôi để ý thấy, khi nhắc đến cô giáo mình, Kiều Hưng mấy lần lấy khăn tay ra chấm nước mắt. Đây cũng là cử chỉ ông thường làm khi kể về mẹ.

Về nước, Kiều Hưng tiếp tục cống hiến cho ca nhạc cách mạng. Giọng của anh đã đạt tới độ chín. Những bài hát do anh thể hiện như: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Tiếng hát Thành phố mang tên Người, Tiếng đàn bầu, Rặng trâm bầu, Thành phố hoa phượng đỏ, Tình ca, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Trước ngày hội bắn, điệu Giã bạn v.v... đã để lại những dấu ấn gần như kinh điển

Đặc biệt bài Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người Kiều Hưng hát sau nhiều ca sĩ khác nhưng anh đã có những thành công đặc biệt. Khi anh cất lên tiếng hò, được sự trợ giúp của dàn tốp ca nữ và tài phối âm, phối khí của nhạc sĩ Cao Việt Bách, không gian như trải rộng thêm, mênh mang và có độ vang vọng mới.

Bài hát này đã được thu thanh và gửi đi phát trên đài phát thanh của tất cả các nước XHCN. Một bài hát khác là Tình ca, Kiều Hưng cũng hát sau nhiều người, thế nhưng cùng với giọng hát của anh, Tình ca đã được chọn vào tuyển những bài hát hay nhất (mỗi nước chỉ được chọn một bài) của các quốc gia thuộc khối không liên kết.

Quãng năm 1987 - 1988, Bộ Văn hoá có chủ trương “Thanh xuân hoá đội ngũ nghệ sĩ”. “Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ đó là thông tri số 22 của Công đoàn Bộ Văn hoá - Kiều Hưng ngậm ngùi - theo đó, các nghệ sĩ có 50 năm tuổi đời và 30 năm tuổi nghề sẽ phải nghỉ hưu.

Đọc xong công văn, chúng tôi thấy buồn và tiếc vô cùng. Mình đang còn sung sức mà đã phải về ư? Anh thử tưởng tượng cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người về hưu nếu không có nghề phụ thì biết sống bằng gì. Mà chúng tôi lại chỉ biết mỗi một việc là hát”.

Thoạt tiên người ta cũng chưa đụng đến các soloist xịn. Những anh chị em hợp xướng viên thuộc diện phải về trước đấu tranh dữ quá: Tại sao Kiều Hưng, Bích Liên, Đinh Thìn... vẫn được ở lại? Chẳng qua là phân công nhiệm vụ, chứ hợp xướng viên và đơn ca thì có khác gì nhau? Nếu đơn ca không phải về thì chúng tôi cũng không về! v.v...

Thế là cả soloist lẫn hợp xướng viên cùng phải về cả!

Ở tuổi 50, Kiều Hưng lại bắt đầu một hành trình đi xin việc. Hành trình này xem ra còn có vẻ gian truân, vất vả hơn khi ông mới bước vào đời.

Thoạt tiên ông tìm tới Đài phát thanh vì giọng ông thu thanh rất hợp. Ông Phan Phúc, bấy giờ là người phụ trách, nghe Kiều Hưng hát xong, nắm lấy tay ông: “Hát hay quá! Kiều Hưng hát cho đài là hợp nhất. Thế nhưng ở đài có anh Trần Khánh, đến khi gần về hưu rồi mà vẫn chưa được vào biên chế, vì ngày xưa đi kháng chiến, song không biết vì sao có thời gian lại quay về thành... Thêm nữa quy định 50 năm tuổi đời và 30 năm tuổi nghề với cơ quan Đài cũng không có ngoại lệ. Không thuận nó ở chỗ ấy nữa...”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG