Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc (Phần 3)

Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc (Phần 3)
Tôi nói với Kiều Hưng: “Người nghệ sĩ khi xa quê hương, xứ sở thì sẽ chẳng còn làm được gì nhiều cho nghệ thuật...”. Kiều Hưng im lặng khá lâu.
Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc (Phần 3) ảnh 1
Kiều Hưng

“Có một lần, tôi không nhớ chính xác năm nào, nhà tôi đề nghị với Bộ Văn hoá giúp đỡ tôi trở về VN và được chấp nhận. Sau đó ĐSQ Việt Nam tại Đức cho gọi tôi lên, hỏi: “Nghe anh có nguyện vọng hồi hương, bây giờ anh còn muốn trở về không?”.

Tôi mừng quá, đáp có, có, có! Mọi thủ tục khai báo đã hoàn thành. Chỉ còn việc ĐSQ yêu cầu tôi nộp lại quyển hộ chiếu gốc (đã hết hạn) do VN cấp, nay phía Đức đang giữ.

Tôi khấp khởi đến Sở Ngoại kiều Đức. Hồi đó ai mà xin về thì phía Đức họ ký cả mười tay. Nhưng rủi thay cho tôi đúng thời điểm ấy Chính phủ Đức vừa ký với ta hiệp định đưa 40 nghìn người VN tị nạn về nước.

Người ta giải thích, hiệp định này vẫn còn chưa được cơ quan chức năng Liên bang thảo luận và thông qua nên phải chờ, chưa thể trả hộ chiếu cho tôi được. Chờ mãi, thế rồi quá mất hạn, tôi lại bị lỡ một cơ hội vô cùng đáng tiếc đối với cá nhân tôi. Giá như lúc ấy tôi được linh động cấp giấy thông hành hay hộ chiếu mới thì đã có thể trở về rồi”.

“Hỏi ông một câu thẳng thắn nhé: Tị nạn ở Đức, ông làm gì?”.

“Anh hỏi thẳng, thì tôi cũng xin nói thật: Tôi không vào hội hè, đảng phái, không hát những bài hát chính trị, không phát biểu, tuyên bố gì. Ở trại tị nạn được khoảng 4 - 5 tháng, người ta phân tôi về thành phố Landshut, cách Munich khoảng 70 - 80km.

Tôi làm ở nhà máy bánh kẹo Brand, chuyên sản xuất kẹo sôcôla. Thỉnh thoảng có nơi nào mời thì tôi lại đi hát dân ca. Mình không có tiền, đâu thuê thì hát thôi... Sau có người khuyên tôi nên xin về miền Bắc nước Đức, ở đấy nhà rộng, giá cả sinh hoạt rẻ, công việc cũng nhiều. Tôi nghe theo và đến ở Hannover từ đó đến giờ”.

“Có tin đồn anh từng cộng tác với một số tổ chức Tin lành và nhà chùa ở Đức ?”.

“Chính tôi cũng từng nghe đồn mình đã tham gia biểu tình, cầm cờ nguỵ, xé cờ ta v.v... nữa. Những tin đồn này có thể do người ta hiểu lầm mình, hoặc vu cáo mình, tôi xin bác bỏ tất cả. Bản thân tôi rất mong được gặp các cơ quan hữu trách, được điều tra để làm sáng tỏ mọi sự việc... về tôi”.

“Thực hư việc này thế nào?”.

“Năm ấy có một ca sĩ mà tôi không tiện nêu tên... Nhưng thôi, đã thống nhất từ đầu là nói thật thì thật luôn cũng được. Ca sĩ Ái Thanh đang định cư ở Đức, đến Hannover để quy y tại chùa Viên Giác.

Nhân dịp Tết, cô rủ tôi lên chùa hát dân ca cho phật tử nghe. Ngôi chùa này tôi đã biết từ trước, do một Việt kiều xây, khá lớn. Trong chùa treo cờ Phật nhưng cũng treo cả cờ ba sọc.

Tuy là nhà chùa nhưng bên ngoài bán đồ lưu niệm, hàng hoá VN... lại bán cả trứng vịt lộn và thịt nữa! Năm mới, khách thập phương đến, ông sư trụ trì còn mừng tuổi mỗi người 1 đô... Mình sống yên phận, lại luôn nghĩ đến ngày trở về nên không muốn đi. Nhưng Ái Thanh nói, anh Hưng ơi, ngày Tết có tới hàng nghìn người Việt đến đây, chủ yếu là người miền Bắc, mình hát dân ca cho đồng bào mình nghe, có sao. Nghe nói thế, tôi đồng ý.

Hát xong, sư trụ trì mời chúng tôi ăn cơm chay, nhân đó nhờ tôi tự chọn, hát, thâu một đĩa nhạc cho nhà chùa. Chi phí do ông chịu. Vì tôi đi hát nhiều nên cũng tập tọng sáng tác, nay có người thuê, nội dung đĩa nhạc do mình chủ động, nên tôi nhận lời.

Trong đĩa đó, tôi thu âm những bài như Lời của gió, Cô hái hoa tươi, Nhớ quê (của tôi sáng tác)... Vì là người lưu lạc nên tôi thu thêm bài  “Xa quê hương” của Shuman, lời Việt do nhạc sĩ Tô Vũ dịch, đại ý bây giờ mình ở xa quê, khi trở về thì cha mẹ đã khuất núi rồi, không ai còn nhớ ta nữa, nhưng dù thế nào thì ta vẫn yêu quê hương, xứ sở của mình.v.v... lời rất hay và xúc động, như nói hộ lòng mình.

Ngoài ra còn có một bài hát tôi đặt lời theo điệu dân ca “Lên chùa”: Xuân về nở rộ ngàn hoa/Xuân vui mọi nhà, xuân đến khắp nơi/Em có đi hái lộc cùng tôi, lễ Phật cùng tôi/Lên chùa Viên Giác, sáng trưng ánh đèn v.v...

Tóm lại đây là một đĩa hát bách hoá tổng hợp. Tương tự như vậy, khi có một nhà thờ nhờ, tôi cũng đặt lời cho họ trên nền nhạc một bài hát (...) của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: "Từ ngày con tin Chúa đến nay/Sức sống con lớn lên từng ngày/Người đã dạy phải sống bình an, chớ có tham lam gây nên tội v.v... Chuyện chỉ có thế thôi, thẩm tra rất dễ vì những cái đĩa ấy vẫn còn”.

“Tôi cũng từng một lần hát dân ca ở Paris by Night, từng sang Mỹ hát chung với ái Vân nhạc cảnh Thằng Bờm của Phạm Duy”. “Người ta sống ở đâu thì cũng có người yêu, kẻ ghét. Tuổi đời vốn ngắn, tuổi nghệ thuật còn ngắn hơn nữa.

Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc (Phần 3) ảnh 2
Kiều Hưng hát “Tình ca”  - ảnh Nguyễn Đình Toán

Năm nay đã gần 70, cuối đời vẫn còn một chút khả năng, tôi mong được trở về quê hương để thực hiện 3 nguyện vọng:

1. Hát lại và thu âm một số bài dân ca và ca khúc cách mạng mà mình đã từng thể hiện thành công trước kia

2. Có thời gian thanh thản để tập trung vào sáng tác, ra album cá nhân. (Về nước lần này, Kiều Hưng đã đến Trung tâm bản quyền âm nhạc đăng ký hơn một chục ca khúc mới của mình)

3. Nếu được chấp nhận, tôi muốn đi dạy để truyền lại một số kinh nghiệm và sở học của mình cho lớp trẻ”.

“Ông có yêu cầu cụ thể gì cho mình không?”.

“Là người sắp quá “đát” rồi, tôi cũng không dám yêu cầu gì nhiều. Nếu ở nhà thấy nên, thì giang tay đón tôi về và có sự nhìn nhận thoả đáng với những đóng góp của tôi trong quá khứ”.

“Hiện ông cần những thủ tục gì? Vướng mắc ở đâu?”.

“Thật ra đến giờ tôi vẫn không biết mình cần phải làm gì, ở đâu, với ai? Những người tôi gặp, đều nói việc về của Kiều Hưng rất đơn giản. Thế nhưng đến nay việc đơn giản ấy vẫn dậm chân tại chỗ...

Thôi thì thủ tục gì, cũng xin làm giúp nhanh nhanh lên một chút. Đời người ca sĩ hữu hạn, nếu về mà không còn hát được nữa thì việc trở về cũng chẳng còn ý nghĩa”.

Câu chuyện về cuộc đời lưu lạc của Kiều Hưng qua những mảnh ghép có thể tạm kết thúc ở đây. Trong phần đời lưu lạc của mình, không thể nói Kiều Hưng không có lỗi. Có một chút tự do chủ nghĩa. Có một chút buông thả. Có một chút thiếu cân nhắc, nấn ná, cảm tính trong hành xử.

Sự lơ đãng nghệ sĩ đã khiến ông vướng vào những rắc rối do chính ông tạo ra. Vân vân và vân vân... Chỉ có nguyện vọng xem ra không lấy gì cao xa của ông là vẫn còn tiếp tục.

Tôi hỏi ông Tôn Thất Triêm: “Ông chơi với Kiều Hưng đã mấy chục năm. Ông thấy việc này nên thế nào?” - “Tôi rất tâm đắc với ý của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc: “Những nghệ sĩ tài năng là vốn quý của đất nước”. Không dễ mà có đâu.

Đặng Thái Sơn thì phải hàng trăm năm mới có. Kiều Hưng, Tôn Nữ Nguyệt Minh... (tôi chỉ nói những người mình biết) thì phải hàng chục, thậm chí vài chục năm mới lại có.

Kiều Hưng nắm rất vững kỹ thuật thanh nhạc của phương Tây và lại có cả một kho tàng dân ca Việt Nam sẵn trong người. Bỏ phí đi thì quá tiếc”.

Ông Triêm nói tiếp: “Tôi kể anh nghe chuyện này. Cách đây mấy chục năm, hồi ấy đa số còn đi xe đạp. Nghe tin có thương binh mới về nằm ở Viện 103, Kiều Hưng, Mạnh Hùng (PV báo Quân đội Nhân dân) và tôi lóc cóc đạp xe vào Hà Đông.

Cả buổi hôm ấy, tôi đệm đàn, Kiều Hưng đi giữa các giường bệnh hát cho thương binh nghe. Tự nguyện hát xong, rồi lặng lẽ trở về. Có anh thương binh tên Phúc (nghe nói sau này hy sinh) mới tập sáng tác, đưa một tệp bài hát nhờ Kiều Hưng xem hộ.

Tưởng nhờ vu vơ, nhận xã giao vậy thôi, thế mà Kiều Hưng đã vẫn tập, hát và thu thanh cho anh Phúc 3, 4 bài. Ấy là người có tâm. Cứ như tôi nghĩ thì nhờ tâm mà Kiều Hưng giữ được giọng hát lâu thế”.

Điểm mạnh và có lẽ cũng là điểm yếu của Kiều Hưng, đó là ông có thể làm tất cả, miễn mình được hát. Nếu được hát, ông sẵn sàng bỏ ngoài tai những lời dị nghị, đàm tiếu, sự phân biệt chiếu trên, chiếu dưới vốn khá nặng nề trong giới nghệ sĩ.

Kiều Hưng - Tài hoa và lưu lạc (Phần 3) ảnh 3
Gia đình Kiều Hưng và Tôn Thất Triêm gặp lại nhau tại Hà Nội

Những ngày về thăm quê hương, thứ Bảy hàng tuần, ông đều đặn đến hát ở... Legend Beer trên phố Vũ Ngọc Phan.

“Hát quán bia, ông không sợ bị mất giá ư ?” - “Đấy là một quán bia Đức. Tôi đến hát dân ca Đức và dân ca VN. Có hôm hát xong, khách uống bia thích quá xúm lại, công kênh tôi tung lên giời. Vui.

Phục vụ thính giả thì ở đâu chẳng là phục vụ. Hơn nữa, về nước mình cũng ít có cơ hội được hát”. Tôi trộm nghĩ, một ông lão bảy mươi mà khi nói đến chuyện hát vẫn hồn nhiên như ca sĩ mới vào nghề!

Những đêm diễn cùng trẻ khiếm thị ở KS Melia và Hanoi Opera, tiền thù lao, Kiều Hưng đều nhờ ông Triêm chuyển cho các em học sinh trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Việc làm này ông thực hiện một cách lặng lẽ, khi ông trở lại Đức rồi tôi mới nghe kể. Vì vậy không thể nói ông vì danh, lại càng không thể nói vì tiền.

Tôi hỏi Kiều Hưng: “Khi hát song ca, cặp đôi với ai ông thấy hợp nhất?” - “Tôi có may mắn được hát đôi với nhiều ca sĩ giỏi như Thanh Huyền, Thu Hiền, Mai Lan, Thanh Hoa... thời gian sau này là Xuân Thanh. Nhưng ăn ý nhất vẫn là người bạn Thu Hiền của tôi”.

“Bài đơn ca nào ông cho là mình hát thành công nhất?” - “Tham tiền thì có nhiều người tham, tôi không dám tranh. Nhưng riêng hát thì tôi tham lắm. Nếu phải gọi ra một bài đỉnh cao thì tôi chưa biết là bài nào?”.

“Ông có nghĩ rằng mình thiếu khiêm tốn?” - Tôi hỏi đùa. Kiều Hưng cũng cười : “Không. Vì anh hỏi thực, nên tôi cũng nói thực” - “Thôi được, ông có nghe lớp ca sĩ trẻ hát dòng nhạc dân ca hiện nay không? Ông thấy bộ ba Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn thế nào ?”. 

“Nhớ hôm khai mạc SEA Games 22, dù chỉ được xem lại qua băng video nhưng tôi rất thích nghe Trọng Tấn hát bài Việt Nam, quê hương tôi của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Các em bây giờ đã đủ lông, đủ cánh. Kỹ thuật cũng không đến nỗi xoàng. Tôi chỉ muốn nói thêm với các em rằng, học một bài hát, ngoài giai điệu, tình cảm, hồn vía, còn cần phải đặc biệt chú ý phần phát âm tiếng... Việt. Và đừng quên học thêm ở dân ca. Có bột thì mới gột nên hồ được!”.

Có lẽ tôi chỉ là một trong số nhiều người hâm mộ thi thoảng tự hỏi: “Cái ông Kiều Hưng ngày ấy bây giờ ra sao, ở đâu, làm gì mà lại lặn một hơi biệt vô tăm tích như vậy?” Và phải đến gần đây mới được biết về phần đời lưu lạc gian truân, thú vị nhưng cũng thật rắc rối của ông.

Đặt mình vào hoàn cảnh của ông và đất nước cách đây gần 20 năm, chắc chúng ta sẽ phần nào hiểu và thông cảm với những quyết định của ông khi ấy. Trong không khí cởi mở hiện nay, chúng ta đã mở vòng tay với những đứa con lầm lạc thì có lẽ cũng sẽ rộng lượng với những người con lưu lạc.

Tài năng bao giờ cũng hiếm. Tài năng nghệ thuật lại càng mong manh. Chính vì thế mà nó mới quý giá. Tiếc cho một tài năng vẫn còn có lửa, thương cho một số phận tha hương đau đáu ngày về, người viết bài này kể lại cuộc đời của ca sĩ Kiều Hưng là mong những người có trách nhiệm xem xét, tạo điều kiện để ông có thể thoát khỏi nỗi buồn Shuman, trở về nước. Và còn vì cả người hâm mộ sẽ có cơ hội nghe và xem Kiều Hưng diễn, bởi vì giọng hát của ông qua bấy nhiêu năm hầu như vẫn không hề suy suyển.

Tôi nghĩ về một đêm nhạc kinh điển có nhiều thế hệ ca sĩ như Trung Kiên, Kiều Hưng, Thu Hiền, Thanh Hoa,... bên cạnh Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Cẩm Vân, Thái Bảo,... biểu diễn những bài ca lẫy lừng một thuở, có sức lay động hàng triệu con tim của những người thuộc nhiều thế hệ.

Cách đây không lâu, ở bên Đức, xem qua chương trình VTV4, biết tin Bộ Ngoại giao mới trao quyết định hồi hương chính thức cho nhạc sĩ Phạm Duy, Kiều Hưng đã hào hứng “meo” ngay cho tôi: “Anh hy vọng ngày đó với mình cũng sắp đến gần!”.

Và có cả tôi hy vọng.

Kiều Hưng: Tài hoa và lưu lạc (Phần 2)

Kiều Hưng: Tài hoa và lưu lạc (Phần 1)

 8.2005

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.