Kim Dung: “Tôi không muốn là người hữu danh vô thực”

Kim Dung: “Tôi không muốn là người hữu danh vô thực”
TPCN - Mùa thu năm ngoái, ở tuổi 80, nhà văn Hồng Kông chuyên viết truyện chưởng Kim Dung đã tới trường đại học Cambridge danh tiếng bên Anh quốc để học lấy bằng Tiến sỹ.
Kim Dung: “Tôi không muốn là người hữu danh vô thực” ảnh 1
Nhà văn Kim Dung (đầu tiên bên trái)

Khoan hãy nói về chuyện sức khoẻ, chỉ riêng chuyện thủ tục nhập học đã rất phiền phức. Cambridge là một trường đại học lâu đời, muốn bước qua cổng của nó, nhà văn già không có cách nào khác là phải “nhập gia tùy tục”.

Đầu tiên, phía nhà trường yêu cầu Kim Dung xuất trình giấy khai sinh. Trung Quốc trước đây động loạn liên miên, trẻ em sinh ra sống được còn khó, nói chi đến chuyện có giấy chứng sinh, vả lại hồi ông sinh Trung Quốc cũng chưa có chế độ cấp giấy khai sinh.

Kim Dung đã phải bỏ tiền thuê một luật sư ở Hồng Kông làm một văn bản cam kết rằng tôi, Tra Lương Dung xin đảm bảo là đã sinh vào ngày nọ tháng nọ năm nọ ở huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang. Cuối cùng vấn đề giấy khai sinh cũng được giải quyết.

Tiếp đó, Cambridge lại yêu cầu Kim Dung phải đệ trình học bạ và bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học, đại học. ở Trung Quốc hồi xưa, Kim Dung không có thành tích cao đẳng toàn ưu và cũng chẳng có bằng tốt nghiệp đại học.

Vậy là Kim Dung phải mang các bằng Tiến sỹ danh dự, Giáo sư danh dự ra, đồng thời trình bày bằng văn bản rằng khi ông đang học đại học ở Thượng Hải thì xảy ra nội chiến Quốc Cộng, Thượng Hải nổ ra kịch chiến, khoá học phải kết thúc sớm nên chả có bằng cấp gì.

Cambridge lại yêu cầu chuyên ngành muốn học phải phù hợp với yêu cầu về ngôn ngữ. Thế là Kim Dung lại phải nhờ ông Viện trưởng Học viện Saint Antoni thuộc ĐH Oxford và một vị giáo sư của đại học Cambridge đứng ra chứng minh ông có thể đọc thông viết thạo cổ văn Trung Quốc, còn về Anh văn thì ông không thể thi đỗ các bằng TOEFL như giới trẻ bây giờ.

Thế là các giáo sư Cambridge liền chuyển sang yêu cầu Kim Dung đệ trình cho họ một bài báo hay công trình gì đó đã xuất bản bằng Anh văn. Kim Dung liền trình ra một bài luận bàn về vấn đề Hồng Kông trở về với Trung Quốc bằng Anh văn đã được NXB ĐH Oxford ấn hành.

Các giáo sư Cambridge kết luận: Dù bài viết không tốt lắm, văn phạm cũng là thứ Anh ngữ cổ nhưng nếu dùng để học nghiên cứu sinh thì cũng được, vậy là họ đã bỏ phiếu thu nhận ông.

Muốn vào Cambridge còn phải qua một cửa ải vừa đơn giản lại vừa thực tế nữa: Kim Dung phải chứng minh khả năng kinh tế của bản thân. Kim Dung bèn nhờ ông Tổng giám đốc Ngân hàng Anh quốc viết giấy chứng nhận khả năng tài chính của ông.

Ông lại nhờ một chủ ngân hàng Hồng Kông bảo lãnh cam kết trong quá trình học tập tại trường, Kim Dung sẽ không thiếu một cắc tiền học phí nào. Một người có tài sản tính bằng trăm triệu USD như Kim Dung mà trước Cambridge vẫn không thể tự đảm bảo cho mình được.

Ông phải mở một tờ chi phiếu tiền mặt đủ chi tiêu cho một năm ở Cambridge. Và như thế là, để vào được Cambridge, Kim Dung đã mất đứt 3 tháng.

Dư luận trong, ngoài nước bàn luận sôi nổi xung quanh việc Kim Dung vào Cambridge học Tiến sỹ ở tuổi 80. Có người nói Kim Dung đang làm bộ. Kim Dung thì rất thực tế.

Ông nói: “Tôi đã từng là giáo sư ở Đại học Chiết Giang, nhưng tôi nói với học trò của mình: Tôi không đủ tư cách làm thầy của các bạn, nhưng tuổi tôi cao, làm đại sư huynh của các bạn là được rồi”.

Có người hỏi thẳng Kim Dung: ông đã được đại học Cambridge trao bằng Tiến sỹ danh dự, đó cũng là học vị cao nhất của họ rồi, việc gì phải mất tiền phí sức để học lấy cái bằng Tiến sỹ phổ thông nữa?

Kim Dung tiên sinh nói, ông đến Cambridge học là bởi rất tâm đắc lời của Tiên sinh Trần Dần Lạc - một học giả nổi tiếng đã quá cố: “Bất cầu học vị, chỉ cầu học vấn”.

Vì các sử gia cận đại như Trần Dần Lạc, Vương Quốc Duy, Tiền Mục… đều thông kim bác cổ, học đủ các nơi nhưng họ chẳng có học vị Thạc sỹ hay Tiến sỹ.

Ông nói mình đã có quá nhiều danh hiệu vinh dự như “Tiến sỹ danh dự”, “Viện sỹ danh dự”, “Giáo sư danh dự” đủ cả, đó đều là những “hư danh”.

Ông cảm thấy học vấn mình chưa đủ, không xứng với các danh hiệu ấy, quả là “danh bất như thực” nên quyết định đến Cambridge để học.

Kim Dung nói: “Phần lớn mọi người, nhất là thanh thiếu niên và học sinh hễ nói đến Kim Dung là khâm phục tôi học thức uyên bác, cái gì cũng biết, nhưng thực ra tôi “cái gì cũng biết” là giả.

Tôi “chỉ viết cái biết, không biết không viết”, “không thể không biết, không biết thì tra cứu”. Tôi họ Tra, bút danh là Kim Dung. Tôi phải nắm giữ chữ “Tra” đó, học nhiều để hóa giải chữ “Dung”.

Kim Dung còn nói: “Vương Sóc tiên sinh nói tôi là một trong “Tứ đại tục”, tôi cũng chả để bụng. Tôi viết tiểu thuyết thông tục, chữ tục là khó tránh. Nhưng có người  phê phán tôi học vấn kém thì tôi rất coi trọng.

Học vấn kém là sự thực. Cách bổ cứu tốt nhất là phải tìm cách nâng nó lên, không phải cao hơn người khác mà là cao hơn mình hôm qua. Chỉ cần mọi người chăm chỉ thì mỗi ngày sẽ khá lên một ít”.

Cũng có người nhắc Kim Dung, đến Cambridge học là ông tự vén áo cho người xem lưng. Kim Dung tiên sinh đáp ngay: “Tôi đến Cambridge học không phải để kiếm tiền hay thăng chức. Học vấn là thứ để bồi dưỡng nhân cách, tu dưỡng nhân phẩm, kiến thức chỉ là thứ yếu. Sách thì cả thế giới đều có, nhưng Cambridge là trường hàng đầu thế giới”.

Kim Dung tiên sinh đi học Cambridge nay đã “trần ai lạc định” (đã có kết quả). Tư tưởng cầu học “học nhiên hậu tri bất túc, tri bất túc nhiên hậu học” (học mới thấy mình thiếu, thấy mình thiếu rồi thì  phải học) thật có ý nghĩa tích cực trong thời buổi xã hội “trọng học lực không trọng học vấn, cần học lực không cần học vấn”  như hiện nay.

MỚI - NÓNG