Kim Dung : “Văn đàn đắc ý, tình trường thất ý”

Kim Dung : “Văn đàn đắc ý, tình trường thất ý”
TPCN - Ít ai ngờ một người thành tựu huy hoàng trên văn đàn như nhà văn Kim Dung lại từng là người thất bại ê chề trên tình trường.
Kim Dung : “Văn đàn đắc ý, tình trường thất ý” ảnh 1
Vợ chồng Kim Dung - Lâm Lạc Di

Ông từng não nề cảm thán “Dù dòng nước có tình thì nó vẫn luôn chảy về Đông…”Một người lạc quan, yêu đời như Kim Dung mà cũng có những lúc khổ về tình như thế…

Năm 1955 ông bắt đầu đăng bộ tiểu thuyết kiếm hiệp đầu tiên “Thư kiếm ân cừu lục” trên “Tân vãn báo”, cho đến tháng 9/1972 thì việc đăng tải dài kỳ cuốn “Lộc đỉnh ký” kết thúc.

Như thế là trong vòng 20 năm, Kim Dung đã hoàn tất 14 bộ tiểu thuyết được đặt tên theo hai câu thơ: “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc, Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”. Tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung đã tạo nên một kỳ tích trong lịch sử văn học Trung Quốc, ông được gọi là “Văn đàn hiệp thánh”.

Năm 1957, Kim Dung gia nhập Công ty điện ảnh Trường Thành Hồng Kông vừa được thành lập với trung tâm là đại minh tinh Hạ Mộng. Kim Dung là đại tài tử nổi danh khắp đất Hồng Kông sao lại phải khuất thân về làm chân biên kịch tép riu trong một hãng phim mới thành lập như thế? Té ra, “Túy ông chi ý bất tại tửu” – Kim Dung về đây là để được tiếp cận người đẹp Hạ Mộng.

Trong mắt Kim Dung, Hạ Mộng trong sáng, đẹp đẽ, thánh thiện, thuần thiết, thoát tục, khiến người ta “khả vọng bất khả cập”. Giai nhân có cặp mắt đen láy và dung mạo của một tiên nữ đó luôn khắc sâu trong tim Kim Dung, giày vò ông, khiến ông mất ăn mất ngủ.

Đau khổ vì nỗi ngày thường không gặp được Hạ Mộng nên Kim Dung quyết định gia nhập Trường Thành. Ông từng nói đùa: “Khi xưa Đường Ba Hổ yêu một con a hoàn là Thu Hương, để được ở gần người đẹp đã phải tự bán mình làm nô lệ cho nhà nàng. Tôi còn kém xa ông ấy!”.

Sau khi vào Trường Thành, Kim Dung lấy nghệ danh là Lâm Hoan. Để được lòng người đẹp Hạ Mộng, Kim Dung rất chăm chỉ làm việc. Chỉ trong vòng 3 năm ông đã cho ra đời một loạt kịch bản phim như “Tuyệt đại giai nhân”, “Lan Hoa Hoa”, “Đừng rời xa em”, “Tam luyến”, “Cô gái Bồ câu”, “Tiếng đàn giữa đêm khuya”…

Sau đó ông lại học làm đạo diễn. Vừa có tài lại chăm chỉ nên chỉ sau thời gian ngắn ông đã hợp tác với người khác để làm đạo diễn các phim “Cô gái hoài xuân”, “Vương lão ngũ cướp dâu”. Những thành tựu trong sự nghiệp ấy đã được Hạ Mộng ca ngợi.

Hạ Mộng kém Kinh Dung 9 tuổi là nữ diễn viên được ưu ái nhất ở Trường Thành, cùng với Trần Tư Tư và Thạch Huệ tạo thành “Trường Thành tam công chúa”, Hạ Mộng lớn nhất nên là “đại công chúa”.

Hạ Mộng xinh đẹp mà dịu dàng, lại thêm thân hình cao 1m70 nên được gọi là “Kiệt tác của Thượng Đế”, “Tây Thi của Hồng Kông”. Hạ Mộng tên thật là Dương Mông, người Tô Châu, thời thiếu nữ sống ở Thượng Hải, xuất thân trong gia đình trí thức, từ nhỏ đã được giáo dục đầy đủ.

Năm 1947, cô theo gia đình sang Hồng Kông, vào học tiếng Anh ở trường Saint Marino. Năm 17 tuổi cô trở thành diễn viên của hãng Trường Thành, do đẹp người, có học nên nhanh chóng trở thành ngôi sao màn bạc Hạ Mộng hát kinh kịch, đóng phim cổ trang, phim hiện đại đều rất nổi, chính vì vậy Kim Dung mới mê mẩn nàng đến vậy.

Kim Dung : “Văn đàn đắc ý, tình trường thất ý” ảnh 2
 Người đẹp trong mộng Hạ Mộng

Ông từng nói: “Hạ Mộng trong đời thường rất đẹp. Hào quang vẻ đẹp toát ra từ cô ấy khiến tôi chóng mặt.

Hạ Mộng trên màn hình càng đẹp, phong thái của cô ấy khiến tim tôi đập nhanh, hồn tôi đã bị cô ấy bắt mất!”.

Nhưng điều khiến Kim Dung đau khổ là, tình yêu của ông với Hạ Mộng chỉ là “vọng bất khả cập”, ông tuy si tình, yêu khổ yêu sở nhưng không thể thực hiện được nguyện vọng, nguyên nhân căn bản là Hạ Mộng “hoa đã có chủ”. Năm 21 tuổi, Hạ Mộng đã kết hôn với Lâm Bảo Thành, một thương gia rất yêu nghệ thuật, Lâm mê điện ảnh và mê luôn các vai do Hạ Mộng đóng!

Nhưng rồi, Kim Dung cũng hẹn hò được với Hạ Mộng một lần. Ông là người chủ động, còn nàng thì cũng nhận lời. Đó là một buổi tối trong quán cà-phê dưới ánh nến và trong tiếng nhạc. Hai người ngồi đối diện, bốn mắt nhìn nhau, chốc chốc lại đưa ly lên môi.

Bầu không khí nên thơ và lãng mạn đó khiến người ta càng thêm chìm đắm trong chiều sâu tình cảm. Kim Dung không kìm chế được tình cảm trong lòng, bèn mượn men rượu để thổ lộ tình cảm ái mộ nàng bấy nay phải kìm nén. Hạ Mộng nghe vậy rất cảm động.

Mắt đẫm lệ, nàng nói, nàng rất kính trọng nhân phẩm, hâm mộ tài năng của Kim Dung, chỉ tiếc là Thần tình ái đã đưa ông đến chậm một bước nên chỉ biết than “sao không gặp khi em chưa xuất giá”.

Nàng cũng nói, với phẩm cách của mình, nàng không thể phản bội chồng, mong ông hãy tha lỗi. Cuối cùng nàng nói “Đời này kiếp này không thỏa nguyện, thôi để đời sau kiếp sau sẽ có cơ hội”. Từ đó Kim Dung đành khép cửa lòng mình, khổ sở coi Hạ Mộng là người tình trong mộng.

Năm 1959, mang theo nỗi buồn vì “tình trường thất ý”, Kim Dung đã rời bỏ Trường Thành để đi sáng lập “Minh báo” và chuyên tâm cho việc viết tiểu thuyết võ hiệp.

Nỗi lòng “ngó đứt tơ vương” của Kim Dung còn được thể hiện trong các tiểu thuyết võ hiệp của ông. Ông gửi gắm trong đó tình yêu sâu nặng của mình với Hạ Mộng. Những độc giả nhạy cảm đều có thể nhận ra hình bóng của Hạ Mộng qua các nhân vật của ông.

Đó là người đẹp “băng thanh ngọc khiết” Tiểu Long Nữ trong “Thần điêu hiệp lữ”, Hoàng Dung trong “Xạ điêu anh hùng truyện”, Vương Ngữ Yên - Thần tiên tỷ tỷ trong “Thiên Long bát bộ”…Kim Dung đã gửi gắm nỗi lòng của mình với người trong mộng vào trong tác phẩm, làm cho Hạ Mộng sống mãi trong tác phẩm nghệ thuật.

Nhà văn đã quá cố Tam Mao của Đài Loan từng nói: “Điểm đặc biệt nhất trong tác phẩm của Kim Dung là đã viết nên được chữ “tình” không ai nắm bắt được , nó có thể đưa người ta lên thiên đường cũng có thể khiến ta sa xuống địa ngục.

Nếu chưa hiểu về giai thoại tình yêu giữa Kim Dung với Hạ Mộng thì không thể hiểu được sự miêu tả về “tình duyên” trong tiểu thuyết của Kim Dung!”.

Năm 1976, Hạ Mộng từ giã cuộc sống nghệ thuật điện ảnh kéo dài 26 năm. Trong 26 năm ấy, bà đã đóng 42 phim. Hình ảnh đẹp đẽ của bà còn sống mãi trong các thước phim. Bà từ biệt Hồng Kông, từ biệt những người yêu mình để sang Canada sinh sống.

Sự kiện này đã khiến lòng Kim Dung nổi sóng. Việc người yêu bỏ cố hương ra đi đã khiến Kim Dung phá lệ bằng cách mấy số báo liền đưa tin này trên cột đầu của trang nhất với khổ chữ lớn.

Không chỉ có vậy, Kim Dung còn viết một bài xã luận “Giấc mộng xuân của Hạ Mộng” để chúc phúc cho “người phụ nữ chân thiện mỹ” ấy. Việc “Minh báo” đề cập một cách ầm ĩ  đến việc một nữ diễn viên di cư ra nước ngoài như thế quả là điều chưa từng có.

Những người không hiểu nội tình đều cảm thấy kinh ngạc, chỉ có những ai hiểu chuyện mới thấu hiểu được tình yêu và sự ái mộ không bình thường của ông chủ báo Kim Dung đối với người đẹp Hạ Mộng.

Giai nhân đi rồi, Kim Dung yêu khổ yêu sở bao năm mà vẫn không “tu thành chính quả”, nhưng cuối cùng cũng để lại cho ông giấc mộng hoài niệm cả đời.

Ngoài mối tình nên thơ đeo đẳng suốt đời ấy, cuộc sống hôn nhân của Kim Dung cũng chả mấy suôn sẻ. Ông cả thảy kết hôn ba lần. Người vợ đầu tiên là Đỗ Trị Phần, đã rời bỏ ông vì ngoại tình. Người thứ hai là Chu Văn, Kim Dung đã bỏ bà.

Người vợ hiện nay của ông là Lâm Lạc Di (còn gọi là A May). Khi quen biết Kim Dung bà mới 16 tuổi, kém ông hơn 20 tuổi. Hai người quen nhau rất tình cờ: Kim Dung cãi nhau với bà vợ Chu Văn rồi bỏ đi uống rượu.

Tại quán, ông đã gặp cô bé bồi bàn Lâm Lạc Di. Bốn mắt nhìn nhau, họ cảm nhau ngay…Cho đến nay, A May vẫn theo Kim Dung đi mọi nơi, khi thì du ngoạn, khi thì đi giảng dạy, nói chuyện.

MỚI - NÓNG