Kinh doanh bức tử lễ hội

Thi Thổi lửa – Nấu cơm tại hội làng Thị Cấm, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội Ảnh: Công Khanh
Thi Thổi lửa – Nấu cơm tại hội làng Thị Cấm, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội Ảnh: Công Khanh
TP - Lễ hội Việt Nam đang ngày càng mang tính hình thức, tốn kém và phản ánh sự méo mó trong nhận thức của một bộ phận người tham dự. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng trong cuộc trao đổi với Tiền Phong cho rằng, chạy theo mục tiêu kinh doanh là một trong những nguyên nhân bức tử lễ hội.

> Những đòn đánh đẹp nhất hội chọi trâu Hải Lựu
> Phản ánh mặt bằng dân trí của xã hội Việt Nam

Thi Thổi lửa – Nấu cơm tại hội làng Thị Cấm, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội Ảnh: Công Khanh
Thi Thổi lửa – Nấu cơm tại hội làng Thị Cấm, Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.  Ảnh: Công Khanh.

Điều nổi bật ở các lễ hội lớn tại Việt Nam là cảnh chen chúc, mất vệ sinh và có thể cả tệ nạn cướp giật, móc túi. Dân thường đến lễ hội để lễ bái hơn là vui chơi. Vậy thay vì kêu ca về những điều đó, chúng ta có nên chấp nhận nó như những đặc thù riêng của lễ hội Việt Nam và chờ nó từ từ thay đổi theo sự phát triển của trình độ dân trí cũng như nhu cầu vui chơi, thư giãn?

Đây là điều không ai muốn và chỉ mới phát sinh chừng mười năm qua. Để cải thiện nó đòi hỏi những người đi lễ hội, đi cúng bái hoặc là đi thưởng ngoạn văn hóa truyền thống, cần có ý thức với môi trường văn hóa và di tích lịch sử.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Việc đưa kinh doanh vào lễ hội, sự gia tăng của tín ngưỡng mù quáng, sự thất vọng bởi đời sống khó khăn và thiếu việc làm hằng ngày… ,và nhất là suy thoái của đạo đức, văn hóa xã hội hiện nay, ý thức sinh hoạt cộng đồng đang xuống mức thấp nhất.

Cho nên, một lễ hội ở địa phương làm sao có thể giải quyết được tình trạng như vậy. Giữ gìn được an ninh, không xảy ra những tai nạn lớn đã là thách thức đối với địa phương tổ chức lễ hội.

Về lâu dài tình trạng này sẽ phá hủy chính lễ hội đến mức nó không thể tổ chức được nữa, và tất nhiên sẽ hủy hoại dần dần các di tích lịch sử do sức ép của sự xuống cấp môi trường. Ta thử hình dung, nếu ý thức văn hóa xã hội không được cải thiện, thì mười năm nữa chùa Hương sẽ như thế nào.

Hiện nay có hai hướng, “quy hoạch”, nâng cấp lễ hội có sẵn và xây dựng lễ hội mới (như Festival Huế hay Carnaval Hạ Long). Anh thấy hướng nào hiệu quả hơn? Vì sao?

Những lễ hội lớn, các Festival thường phải do cấp tỉnh hoặc cấp nhà nước tổ chức. Cái đó không thể thực hiện ở lễ hội địa phương, nhất là lễ hội của từng làng xã như hiện nay.

Bản thân những lễ hội văn hóa lớn (festival) này kia cũng không ít vấn đề. Người ta thường kêu nó làm mất bản sắc văn hóa dân tộc nhiều hơn là giữ gìn, thiếu hơi thở tự nhiên của các ngọn nguồn văn hóa và quá tốn kém. Ví dụ, các lễ hội văn hóa các dân tộc không hề cứu được tình trạng mất bản sắc và ngôn ngữ của các dân tộc hiện nay.

Một thực tế đang diễn ra hiện nay là người ta tổ chức lễ hội theo kiểu kinh doanh, bỏ vốn để mong thu lãi (thông qua việc thúc đẩy du lịch). Tư duy đó có lợi và có hại cho lễ hội như thế nào thưa ông?

Trước kia, các lễ hội làng xã không bao giờ vấn đề kinh doanh được đặt ra, thậm chí người địa phương còn mong khách lạ đến chơi để giới thiệu truyền thống văn hóa và chiêu đãi khách. Nhưng ngày nay, mục tiêu kinh doanh luôn được đặt ra ở các lễ hội, dù quy mô cỡ làng xã, nếu quá đông người, ví dụ như hội Lim, hội chùa Bút Tháp và tất nhiên là những hội lớn như chùa Hương.

Các địa phương có xu hướng bán khoán, khoán trông xe, khoán thuê đất làm trò chơi, bán hàng… Và những người nhận khoán đương nhiên phải nộp một số tiền không nhỏ, mong thu lãi từ lễ hội. Do vậy mà xuất hiện nhiều trò chơi không truyền thống, không liên quan gì đến văn hóa địa phương, nhiều hàng quán dựng lên ngay cả trong di tích, còn giá trông xe, giá xe đò thì tăng tùy thích.

Đây là vấn đề các địa phương và các ban quản lý di tích phải nhìn nhận lại, cái họ đổi lại (sự suy thoái môi trường, di tích xuống cấp, lòng người tranh đoạt, tệ nạn xã hội…) đắt hơn rất nhiều với số tiền thu được.

Vậy lễ hội có nên mang ra để kinh doanh? Làm thế nào để những lễ hội đặc sắc được nhiều người biết tới mà vẫn không khiến nó bị thương mại hóa hoặc quá tải?

Khả năng tổ chức lễ hội của địa phương luôn có hạn và số khách tham dự luôn bất định, không lường trước. Dịch vụ tăng đến đâu thì nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đến đó và ngược lại. Bây giờ nếu bỏ việc phát ấn đền Trần, thì lễ hội nơi đó quá nhẹ nhàng, tiếc thay sức cám dỗ của cái ấn quá lớn, dù chỉ là ấn một cái vào tờ giấy.

Ở mặt khác, qua những việc thế này, mới thấy người ta quá mê muội, hay là vì sự đảo lộn các giá trị đang làm cho người ta tin rằng có thể thăng quan tiến chức không phải vì trình độ, thành tựu mà vì cướp được một tờ ấn đền Trần. Nhưng việc này còn không buồn cười bằng người ta chen nhau đạp đổ cả cổng trường thực nghiệm nơi Ngô Bảo Châu từng học, để xin học cho con.

Nghiên cứu lễ hội là một hướng đầu tư đúng và có ý nghĩa về lâu dài. Theo ông làm cách nào để việc nghiên cứu lễ hội mang tính thực tiễn cao hơn, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển tích cực của lễ hội kịp thời hơn?

Toàn bộ lễ hội ở nước ta kể cả theo kiểu cũ và biến đổi đều hoàn toàn tự phát, không có một nghiên cứu nào được gọi là quy chuẩn, và nếu có thì cũng không tác động gì được nơi tổ chức. Vì các ý nghĩa hàng đầu của lễ hội là tái hiện lại lịch sử, nêu cao truyền thống thượng võ, nghề nghiệp cho con cháu, gắn kết cộng đồng.

Ở nơi nào mà tính chất kinh doanh không bị chú trọng, như lễ hội Trò Xuân Phả (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thì mọi nét đẹp của văn hóa truyền thống trong hiện đại vẫn được gìn giữ. Sự hồi tâm, sự hướng tới bình an mới đem lại cuộc sống tốt đẹp, không bao giờ gắn với a dua và đám đông. Và điều đó có thể mất hoàn toàn bởi tính chất xô bồ bắt gặp rất nhiều trong lễ hội hiện nay.

Bây giờ nếu bỏ việc phát ấn đền Trần, thì lễ hội nơi đó quá nhẹ nhàng, tiếc thay sức cám dỗ của cái ấn quá lớn, dù chỉ là ấn một cái vào tờ giấy. Ở mặt khác, qua những việc thế này, mới thấy người ta quá mê muội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG