Kính sợ một lầm lụi Hoàng Công Khanh

Kính sợ một lầm lụi Hoàng Công Khanh
TP - Về Thanh. Đang run rẩy nén hương ngày giỗ Mẹ thì cú điện thoại của hoạ sĩ Việt Tuấn “thày em mất rồi” làm  lẩy bẩy thêm cặp chân vốn đã run sẵn. “Thày em” tức bố vợ Việt Tuấn, nhà văn Hoàng Công Khanh thông gia với nhà văn Kim Lân! Mà Việt Tuấn lại làm cùng báo Tiền Phong với tôi.
Kính sợ một lầm lụi Hoàng Công Khanh ảnh 1
Nhà văn, nhà biên kịch Hoàng Công Khanh

Khu tập thể Ao Phe (của báo Tiền Phong) mấy bữa nay đón nhận thêm một cư dân mới ấy là nhà văn Hoàng Công Khanh. Tối 29 tháng 4 đây, con cháu mới ở quê ra chơi cứ hối xuống gác gấp vì cứ thấy một cụ ông đứng hỏi thăm ở cửa đã mấy lần… Xuống đến nơi tá hỏa nhận ra cụ Hoàng Công Khanh  cùng chất giọng cố hữu oang oang.

Bây giờ tôi về hẳn khu tập thể Ao Phe này rồi. Làm cư dân mới nên có lời sang chào hàng xóm.  Cụ chả đi suông, trong tay khư khư vật gì đó… Tôi run run đón lấy món quà quý, cuốn kịch thơ Vua Đen mới xuất bản được đề tặng rất cẩn thận…

Nhà văn Hoàng Công Khanh không có con trai nhưng bù lại có 4 cách cách hiền thảo. Ông con rể nào cũng luôn săn đón cái việc đón ông bố vợ đã qua cửu tuần (nhiều năm nay từ khi bà vợ biệt dương thế ở một mình tại khu tập thể Phương Mai) về nhà để chăm bẵm nhưng nhà văn cứ dùng dắng mãi.

Có một dạo tưởng ông tá túc hẳn ở nhà cô con gái tên Đào, cũng là hoạ sĩ – vợ Việt Tuấn nhưng cũng chỉ dăm bữa nửa tháng rồi ông lại xê xích nơi khác.

Mà ơn giời, ở tuổi quá cửu tuần nhưng cụ còn vượng lắm.  Nhớ lần ông con rể Việt Tuấn đưa bố vợ về quê  Kiến An. Hai ông con đáp ô tô hàng. Việt Tuấn dọc đường say xe lả lử như tàu dưa héo còn cụ thì cứ tỉnh rụi. Tưởng con chăm bố, nào ngờ…

Quen lệ, nghiêng bầu ra một ly. Cái cười thoải mái làm sáng cả quầng kính đen cồm cộp ấy chỉ nửa thôi nhá. Vẫn là mắt giả, tai giả, răng giả nhưng cơ hồ xuống cấp hơn trước …

Chả bù cho những năm đã ngái, những lần hầu chuyện, cụ chả bảo chả nài nhưng chả bao giờ chối, chả khi nào để rượu thừa. Chợt bật cười hệt như cái năm xa hầu bia cụ Tô Hoài, vừa rót vừa thon thót. Về nhà vẫn sợ!

Nhưng vài lần nhiều bận rồi kha khá năm, may thay lúc nào cũng nhỡn tiền sự lành nên đâm dạn đâm nhờn. Bây giờ đột nhiên thấy các cụ hờ hững và chôi chối như thế, thấy cứ là lạ?

Những đận hầu chuyện dẫu chưa dằng dặc nhưng chưa hề nhoà trong trí nhớ, vài bận cụ Kim Lân nhân cao đàm khoát luận về những sự tiết tháo này khác có ý nhắc đám hậu sinh nên tìm đến  ông thông gia Hoàng Công Khanh.

Cụ Kim Lân tặc lưỡi rằng câu mà Nguyễn Du từng thở dài văn chương vô mệnh luỵ phần dư (văn chương chẳng có mệnh nhưng theo người ta xuống mồ kia đấy) rằng cái sự viết lách nó ám vào người ta lắm lắm?

Như cụ đây, đâu có được học hành ra tấm ra món. Một người như Hoàng Công Khanh đỗ tú tài toàn phần tiếng Tây, lại đỗ tú tài toàn phần triết học nếu sung vào ngạch công chức thì là tươm quá đi rồi còn gì thế mà lại lạc sang ngạch viết lách thì kể ra cũng là ma quỷ thật chứ còn gì!

Cũng chỉ là lờ mờ chứ chưa mường tượng ra một Hoàng Công Khanh thạo các ngón thơ, kịch thơ, kịch nói, ca kịch tiểu thuyết, truyện ngắn... Mà những thể loại ấy, đã vượt qua con số 60 tác phẩm từ những năm 1980! Ba cái Giải văn chương những là của UB toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật, những Giải Thăng Long của Hội Văn nghệ Hà thành… một người đời viết không được đều và từng đã lận đận này khác thiết tưởng cũng chả nhiều người có vinh hạnh ấy? Một Hoàng Công Khanh thoạt đầu kiệm lời cái dáng dong dỏng khuôn mặt xương xương toát lên một âm hưởng chủ đạo của sự đề phòng dè chừng.

Thông qua cái kênh cô em mặn chuyện Hạnh Đào - tức là con gái ông, tôi đâm quyết liệt riết róng hơn trong những lần gặp sau bởi tò mò, bởi kính sợ. Từng ngồi đề lao với những Tô Hiệu, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng… rồi dằng dặc nhiều năm trong những trại cải tạo biệt trên mạn rừng để trả giá cho cái trầm luân nhân tình thế thái.

Ấy thế mà, khi đã quen biết, cụ vẫn thường trực kiểu cười hơ hơ, khơ khớ rằng phải biết ơn hoàn cảnh đã đưa đẩy mình đã được lạc vào những chốn đoạn trường như thế để mà biết, mà găm những chất liệu sống trần thùi lụi lẫn tươi roi rói làm cái vốn viết lách sau này!

Tôi cứ lẩn thẩn, nhiều người mà đa phần là cánh viết lách, hoàn cảnh xô đẩy thế này thế nọ, với ai đó là đường cùng ngõ cụt với những nhiêu khê thê lương nhưng hung thành cát dữ thành lành, họ ứng xử với nó như một thứ cơ may?

Có một chuyện mà ông thường nhắc lại là cũng vì chữ vì nghĩa mà đâm lạc bước thế này thế khác và cũng nhờ vì chữ nghĩa mà thoát ra được. Ban giám đốc trại cải tạo mạn ngược hồi ấy cấp hẳn cho ông một cái phòng, một tập giấy trắng, có trà thuốc hẳn hoi, giữ ông hàng tháng trời để ông hoàn thành một vở kịch về đề tài lịch sử!

Một cái ngày rét tím rét tái, phạm nhân Hoàng Công Khanh được báo có khách… Ông ôm lấy cái khuôn hình xương xương của nhà văn Kim Lân mà người ấm sực lên ôi làm sao mà ông vào đây? Ông không ngại không ngán à?

Cái cười khự khự cùng động thái vỗ vai thân thiết  của người bạn viết cứ ám mãi ấm mãi... Hình như có chút chi đó làm cơ sở để vun thành một mối quan hệ thông gia mãi về sau này?

Hồi nhà văn Kim Lân biệt cõi dương thế, trong nhiều dòng thương nhớ của người đời, hình như bài viết của nhà văn Hoàng Công Khanh về ông thông gia Kim Lân găm nhiều hơn trong tâm trí của nhiều người đọc hơn cả?

Dạo cụ bà Kim Lân mất, trời chang chang nắng, trong cái chỗ ngồi mấy mét vuông lờ mờ cố hữu của cụ Kim Lân, ngó hai ông thông gia ngồi lặng phắc hồi lâu chả ai nói với ai lời nào, những tưởng quanh đôi bạn già ấy đang nổi những bão giông vô hình.

...Nghe tôi tặc lưỡi là dạo này không thấy cụ in thơ trên Văn Nghệ Quân Đội nữa, cụ cười là nể Nguyễn Đức Mậu nài nỉ nên mới có sự ấy chứ đằng thằng ra làm một tập thì có chi khó?

Kính sợ một lầm lụi Hoàng Công Khanh ảnh 2
Từ trái qua phải: Nhà văn Kim Lân, nhà thơ, nhà báo Trần Cư, nhà văn Hoàng Công Khanh và NSND, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy (Ảnh chụp tháng 3/1987).

Rồi đây có lẽ một tập chuyên về thơ tình của tác gia Hoàng Công Khanh  được gom nhặt lại với sự góp sức của nhiều người sẽ xuất bản một cách đầy đặn? Thơ tình tuổi 80? Tại sao không? Người ta đã từng tặc lưỡi thầm phục cho thể loại kịch thơ kén người đọc mà Hoàng Công Khanh ngồi chung chiếu với Hoàng Cầm nhưng ít biết có một U80 Hoàng Công Khanh đi chợ hoa về nhưng hồn vía lạc ở đâu đâu:

Em ở Ngọc Hà hay Nhật Tân/ Bán hoa hay bán mùa xuân ảo huyền/ Anh trai phiêu bạt Hà Thành/ Lấm lem bụi phố tròng trành khói ga/ Gót giầy mòn vẹt chợ hoa/ Em đi anh bám bóng ma theo hình/ Mưa sa gió táp cùng mình/ Vô tình mà rất đa tình em ơi... Còn nhiều khúc khá trữ tình khác nữa!

Sự sống không bao giờ chán nản, với ông biết bao những bầm dập như thế mà cấm có nhạt có tắt đi cái cười? Thù hận tức tối hay tìm cách thanh toán tính sổ này khác chỉ làm người ta mau già mau chết… Một bận ngừng giữa hai đợt truy cập, ông đã từng khơ khơ như thế trong khi bàn tay răn reo vẫn di chuột thoăn thoắt. 

Ông kể lại chuyện nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn có nhã ý mời  ông đi Côn Đảo (Hội xuất kinh phí để ông thực hiện một đề tài gì đó) nhưng ông cười, chả phải là yếu ngại đi mà vì chưa thấy thích! 

Bữa mới đây, Hội Nhà văn trao giải thưởng văn chương cùng kết nạp hội viên mới, kính đen, áo na tô, giầy thể thao, ông hùng dũng khơ khơ cười giữa những dãy bàn chạm cốc với nhiều người…

Những mong dáng đi ấy có dịp diễu ngang dọc này khác trong khu tập thể Ao Phe của anh con rể, của chúng tôi lâu lâu nữa nhưng bất đồ đã khựng lại vào buổi sáng sớm ngày 5 tháng năm dương lịch.

Thày em đi dạo về tắm rửa ăn sáng xong đang ngồi đọc báo thì...…Giọng anh con rể Việt Tuấn chập chờn trong điện thoại.

Nhà văn Hoàng Công Khanh sinh năm 1919, quê quán Kiến An, Hải Phòng. Đoạt nhiều giải thưởng quốc gia.

Các tác phẩm kịch thơ chính:  Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích, Chử Đồng Tử, Ba bức tình thư. Kịch thơ của Hoàng Công Khanh đã diễn ở Pháp, Mỹ, Canada. Ông còn viết trên 10 tiểu thuyết, hàng chục kịch bản kịch nói, ca kịch.

Chiều nực 5-5-2010

MỚI - NÓNG