Kỳ II: Guide ngoại là ai? Ai thuê “bù nhìn”?

Kỳ II: Guide ngoại là ai? Ai thuê “bù nhìn”?
HDV Hàn Quốc, họ là ai? Theo thông tin từ Vụ Lữ hành-Tổng cục Du lịch VN, guide Hàn Quốc chia làm 2 loại: đi cùng đoàn khách từ ngoài vào hoặc lưu học sinh Hàn Quốc tại VN.

Kiểu lách luật mới trên thị trường du lịch

Kỳ II: Guide ngoại là ai? Ai thuê “bù nhìn”?

Trong số hơn 10 doanh nghiệp du lịch nhận đặt tour cho khách Hàn Quốc ở Hà Nội, Cty TNHH Du lịch Đại Minh có thể gọi là một “đại gia” dù mới tăng quy mô hoạt động sau khi Chính phủ miễn visa cho khách Hàn Quốc.

Bà Trịnh Lan Hương-GĐ Cty Đại Minh cho biết: Chúng tôi chỉ chuyên về khách Hàn Quốc, thuê chủ yếu là HDV (hướng dẫn viên) tiếng Anh, còn phía khách nước bạn sang bao giờ cũng có một tour leader (trưởng đoàn) và người này sẽ đóng vai trò phiên dịch khi thực hiện các tour ở VN. “Về trường hợp đổi vị thế giữa guide (HDV) Hàn và Việt trong hành trình tham quan, với Đại Minh có khi nào xảy ra không?” “Việc người nước ngoài làm HDV ở VN không được pháp luật ta cho phép, nhưng không thể tránh khỏi trong tình trạng hiện nay”-Bà Trịnh Lan Hương nói.

Tân Hàn Việt hiện đang là đơn vị có tiếng nhất trong lĩnh vực tour, tuyến cho khách Hàn. 7-8 năm kinh nghiệm, nhưng theo phòng điều hành công ty này, Tân Hàn Việt không đông khách lắm, trung bình mỗi ngày đón 10-15 người, và không hiểu sao họ vẫn xoay xở tốt để đáp ứng số lượng khách đều đặn đến từ xứ sở kim chi? Chúng tôi cố gắng liên lạc, nhưng phía Tân Hàn Việt từ chối cung cấp thông tin.

Cũng có điều đáng mừng là thông tin và ấn phẩm du lịch VN tại Hàn Quốc xem chừng khá phong phú. Điều này khác hẳn với thông tin về du lịch Việt Nam tại châu Âu. Từ giới thiệu món ăn, địa điểm mua sắm, địa chỉ-điện thoại nhà hàng, giá cả shopping...tới sách về Hạ Long, Tam Cốc-Bích Động, Chùa Hương...

“Chỉ dành thời gian chịu khó đọc chút thôi, họ đã hiểu danh thắng VN rất rõ. Vì vậy họ có thể phối hợp với HDV người Việt để giới thiệu cụ thể hơn cho du khách về mỗi điểm đến ở đây”- Giám đốc một công ty du lịch chuyên khách Hàn cho biết. Thêm nữa thay vì chờ dài cổ và mất vài chục đô-la để lấy visa vào VN, lại không được thoải mái thông báo hủy chuyến khi cần, bây giờ khách du lịch Hàn, Nhật có thể gọi điện báo đi hoặc không ngay trước giờ bay chút ít. Những thuận tiện ấy khiến ngày càng đông du khách Hàn Quốc chọn VN làm điểm đặt chân an toàn.

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch “chung thủy” khách Hàn đều phải kêu trời vì thiếu HDV Việt nói tiếng của nàng Đê Chang Kưm. Vừa rồi, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức 2 khoá học tiếng Hàn nhằm nâng số lượng người nói tiếng Hàn cho nghành “công nghiệp không khói”, nhưng chỉ như muối bỏ bể. Chưa kể tình trạng các đơn vị lữ hành đặt nghi ngờ chất lượng của những “cua” này và từ đây cũng khó có thể lựa ra những HDV thông hoạt Hàn ngữ.

Một số doanh nghiệp chủ động vào tận khoa tiếng Hàn của các trường ĐH Ngoại ngữ mời sinh viên cộng tác hoặc làm việc luôn cho công ty, nhưng mức lương mà doanh nghiệp đưa ra lại không thể “dụ” nổi sinh viên tiếng Hàn! “Họ ra trường có thể nhận 60-100đô/ngày, còn chúng tôi chỉ trả trong khoảng vài trăm, thậm chí mấy chục ngàn đồng. Quá chênh lệch như thế, họ không thuộc về chúng tôi cũng phải”-đại diện Cty Đại Minh thổ lộ.

Dù đang dịp ùn ùn du khách đổ vào VN, nhưng một số công ty du lịch xác định không thể trụ mãi chỉ với khách Hàn, họ bắt đầu rục rịch tìm khách Mỹ-một đối tượng cũng đang được kỳ vọng là chịu chơi và chịu chi.

Trở lại chuyện guide Hàn, guide Việt . Ngoài 150.000 đồng/ngày do công ty du lịch của VN trả, HDV người Việt được phía Hàn Quốc trả thêm khoảng 100.000 đồng/ngày. A.Tuấn-một guide tiếng Anh thường đi “đóng thế” cho biết: “Mức giá này ngang với thù lao chung trong nước.

Nhưng, những dịch vụ mà du khách thưởng thức, chúng em không được HDV Hàn chia phần trăm gì. Cái đó không sao, luật bất thành văn rồi. Quan trọng là đi làm như thế rất ức chế tâm lý”. Phải thừa nhận, đang nói tiếng Anh veo veo cả ngày bỗng lọt vào đoàn người không cùng quốc tế ngữ, không khó chịu mới là chuyện lạ! A.Tuấn tránh nhắc đến mấy chữ sitting guide, sleeping guide (HDV ngồi, HDV … ngủ, thay bằng cụm từ “giúp đỡ đảm bảo an ninh cho đoàn khách”.

Với A.Tuấn, Q và những hướng dẫn viên thường xuyên lâm cảnh “bù nhìn” tương tự, đi tour khách Hàn chỉ là giải pháp tạm thời khi đến mùa Hà Nội vắng khách Âu. “Khách Hàn luôn luôn đông, nhưng đến mùa người Âu sang, có mời em cũng chả đi làm guide ngủ”. Đấy là chuyện khác, còn khi tôi gọi cậu đang dẫn một đoàn khách du lịch Hàn Quốc vào Ninh Bình, trung bình mỗi tuần có 3 đoàn.

Còn HDV Hàn Quốc, họ là ai? Theo thông tin từ Vụ Lữ hành-Tổng cục Du lịch VN, guide Hàn Quốc chia làm 2 loại: đi cùng đoàn khách từ ngoài vào hoặc những lưu học sinh Hàn Quốc tại VN. Tuy nhiên, loại thứ hai chiếm số lượng ít hơn bởi họ thiếu chuyên môn du lịch; mặt khác, hầu như mọi đoàn khách châu Á vào VN đều có guide ngoại đi kèm.

Một số người trẻ đi tour chuyên nghiệp lại cấp thêm một loại guide Hàn Quốc: những người Hàn đã sống và làm việc tại VN nhiều năm nay. Số HDV ngoại quốc không thẻ này sẵn sàng bỏ qua khâu guide Việt nếu đoàn của họ chỉ gồm 5 người trở lại. Đơn vị lữ hành tại VN là đối tác được Cty lữ hành nước ngoài bán tour với chức năng đón, tiễn tại sân bay, dịch vụ lưu trú, phiên dịch... Và, giữa bối cảnh thiếu bí guide tiếng Hàn bất cứ lúc nào như hiện giờ, đương nhiên các hãng lữ hành nội địa có thêm một chức năng nữa: “thuê” sitting guide. Nghiễm nhiên, HDV tiếng Anh người Việt trở thành “bia đỡ đạn” trước những đợt kiểm tra của ngành du lịch trong nước.

MỚI - NÓNG