Ký kết dịch văn chương Việt: Những cách làm mới

Ký kết dịch văn chương Việt: Những cách làm mới
TP - Chín bản thỏa thuận giai đoạn 2010-2015 ký kết giữa Hội Nhà văn Việt Nam với các NXB, tổ chức quốc tế mở cánh cửa xuất ngoại cho các tác phẩm văn chương Việt.
Ký kết dịch văn chương Việt: Những cách làm mới ảnh 1
Buổi trao kỷ niệm chương sáng 8-1. Ảnh: T.Toan

Đó là Trung tâm William Joiner (Mỹ), Ủy ban đoàn kết hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam, Hội Nhà văn Lào, Tạp chí Nhật ký của Hungary, dịch giả Ahn Kyong Hoan - Hàn Quốc, dịch giả Dashtvel (Mông Cổ), dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc), NXB Tranan (Thụy Điển).

Kí kết các văn bản thỏa thuận sáng 8-1 tại Hội Nhà văn Việt Nam là sự kiện được mong đợi ngay từ ngày khai mạc Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam.

Trong thành phần đại biểu quốc tế đến dự lần này, đại diện các NXB được dư luận đánh giá cao và quan tâm, thực tế đây là những đầu ra của văn chương Việt ở Tây, Tàu.

Trong số gương mặt đại diện cho phía xuất bản đến Việt Nam dịp này ngoài Kevin Bowen giám đốc trung tâm William Joiner, địa chỉ tin cậy của nhiều tác giả Việt Nam, phải kể đến ông Styrbjorn Gustafsson giám đốc NXB Tranan.

Ký kết dịch văn chương Việt: Những cách làm mới ảnh 2
Ông Styrbjorn Gustafsson mang sang Việt Nam sách của Nguyễn Huy Thiệp và Phan Thị Vàng Anh đã dịch ra tiếng Thụy Điển. Ảnh: T.Toan

Trao đổi với Tiền Phong, ông Styrbjorn Gustafsson cho biết: “Trước đây, ở Thụy Điển duy có Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch. Tính đến thời điểm này có 10 cuốn thì 9 cuốn do NXB của tôi phát hành”.

Ông kể một số tên tác giả có sách dịch: Lê Minh Khuê (Những ngôi sao, Trái đất, Dòng sông), Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái, đặc biệt Nguyễn Huy Thiệp là cái tên được ông Gustafsson nhắc nhiều lần. “Cuốn Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp là tác phẩm được nhiều người quan tâm ở Thụy Điển”- Ông trả lời khi được hỏi về tình hình tiêu thụ các sản phẩm văn học Việt được giới thiệu ở Thụy Điển.

Trong bản thỏa thuận ghi rõ, hai bên cùng bắt đầu tiến trình chọn các tác phẩm tốt nhất, tiến cử với mỗi bên để tiến hành dịch, sau đó mỗi bên chịu trách nhiệm quảng bá cho tác phẩm đó ở đất nước mình, với sự hiện diện của tác giả. Cách làm này được đại biểu quốc tế ủng hộ.

Với NXB Tranan Thụy Điển, các tác phẩm Việt Nam chọn dịch nhờ vào danh sách tiến cử từ phía Việt Nam, ông Gustafsson nhấn mạnh vai trò của nhà văn Hồ Anh Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông chìa tờ danh sách dự án dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Thụy Điển 2005-2010, trong đó có cả sách dành cho trẻ em của Tô Hoài, Nguyễn Ngọc Thuần.

“Nhìn chung hội nghị lần này tương đối thành công. Thụy Điển cũng muốn học tập hình thức tổ chức hội nghị thế này để quảng bá văn học. Nhưng nếu BTC mời thêm nhà văn, nhà thơ trao đổi nhiều hơn nữa với chúng tôi thì tốt hơn hình thức tham luận ở các buổi thảo luận”- Styrbjorn Gustafsson nói.

Ông nhấn mạnh thêm, trước đây Thụy Điển chỉ dịch sách nhưng chưa thực sự hiểu về Việt Nam, văn hóa Việt. Bây giờ họ quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này.

Sáng 8-1 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN phối hợp Hội Nhà văn VN trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật cho các nhà văn, dịch giả đóng góp lớn cho quá trình dịch các tác phẩm văn học Việt ra thế giới. 50 nhà văn, dịch giả nhận kỉ niệm chương, trong đó Mỹ đứng đầu với mười tác giả, đều là các tên tuổi quen thuộc: Kevin Bowen, Bruce Weigl, George Evans, John Balaban, Lady Boston, Nguyễn Bá Chung.

Ngoài ra còn có các nước: Nga, Ba Lan, Ấn Độ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Hungary, Thụy Điển, Thái Lan, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Nicaragoa. Ngoài ra còn có bảy đại biểu được trao Kỷ niệm chương hữu nghị. 

MỚI - NÓNG