Ký ức Hội An

Ký ức Hội An
Trong nhiều năm qua, văn hoá đặc thù của Hội An đã được khai thác mạnh mẽ để trở thành sản phẩm du lịch.
Ký ức Hội An ảnh 1
Một số cảnh trình diễn trong lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản

Du khách đến Hội An, trước hết là đến với phố cổ rêu phong. Nhưng sản phẩm du lịch của Hội An nếu chỉ có kiến trúc phố cổ sẽ không đủ sức hấp dẫn mời gọi du khách trở lại lần thứ hai. Những làng nghề truyền thống, những lễ hội văn hoá, những đêm phố cổ lần lượt được phục hiện và nâng cấp.

Chương trình thời trang “Hội An – Ký ức thời gian” của Lễ hội Quảng Nam – Hành trình di sản lần thứ 2 là cú đột  phá đầu tiên, biến Đêm phố cổ, đêm hội của cộng đồng cư dân phố cổ và du khách trở thành một chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Đây là lần đầu tiên, một chương trình của lễ hội Quảng Nam có nhà tài trợ và có thu từ bán vé, với giá 50.000 đồng và 20.000 đồng.

Có nghĩa là, cùng với chương trình “Đêm Mỹ Sơn”, cũng của nhà tạo mẫu thời trang Minh Hạnh và các đồng nghiệp của chị thực hiện, “Hội An – Ký ức thời gian” đã làm cho lễ hội bước đầu có tính chuyên nghiệp. ở Festival Huế sân khấu lễ hội thời trang là cầu Trường Tiền, rồi Hộ thành hào đầy sen dưới chân Kỳ Đài thì ở Hội An là đường Trần Phú, con đường đẹp nhất trong khu phố cổ gắn với Chùa Cầu, Hội quán Quảng Đông... ánh sáng đèn lồng và đường phố được quét vôi màu vàng nhạt đã làm cho những ngôi nhà mái ngói rêu phong càng thêm phần cổ kính, huyền ảo. Những cửa hiệu bán hàng lưu niệm, những gánh hàng rong, gánh đậu hủ, những bàn cờ tướng bên lề đường được bố cục chặt chẽ hợp lý làm cho các bộ sưu tập trở nên sinh động hơn, gần gũi với sinh hoạt của người Hội An xưa.

Ký ức Hội An ảnh 2
gánh hàng rong lên sàn diễn

Bộ sưu tập Hội An xưa và nay qua thiết kế của 7 nhà tạo mẫu, được thực hiện trên chất liệu hàng dệt Phước Thịnh, trên cơ sở tham khảo những mẫu trang phục xưa được bảo tồn tại Trung tâm Văn hoá Quảng Nam và tại gia đình ông Việt Tân, một gia đình có nhiều thế hệ đã sinh sống ở Hội An.

Đó là những bộ sưu tập sườn xám, áo dài xưa, áo dài Hội An, bộ xẩm ..., xe ngựa, xe xích lô, xe đạp xưa lần lượt xuất hiện từ trung tâm đường Trần Phú đi về Chùa Cầu rồi quay trở lại. Chương trình do 40 người mẫu đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế và 50 thanh niên, học sinh, người lớn tuổi ở Hội An tham gia biểu diễn. Quá khứ và hiện tại tái hiện trùng phùng. Lần đầu tiên người Hội An ngồi trong ngôi nhà cổ của của mình xem biểu diễn nghệ thuật; du khách vừa thưởng thức ẩm thực Hội An trong các nhà hàng vừa xem trình diễn thời trang, nếp sống của người Hội An xưa. Họ vừa là khán giả, vừa là những diễn viên không chuyên của “Đêm phố cổ”.

Trở lại với “Đêm phố cổ” Hội An lần này du khách mãn nguyện với một nét mới trong lòng phố cổ bất biến. Đường phố đẹp hẳn lên và tình người thì ấm áp, thân mật và gần gũi hơn. Suy cho cùng du lịch là sự giao lưu văn hoá, người ta đi du lịch là để tìm  hiểu, khám phá những điều kỳ thú mà ở đất nước mình, quê hương mình không có. Ký ức Hội An đã thoả mãn được yêu cầu ấy của du khách; đã đi đúng nguyên lý: Giá trị của phố cổ là phát huy tối đa vốn cổ với chiều dày văn hoá của nó.

MỚI - NÓNG