Lại chìm vào đêm

Lại chìm vào đêm
TP - Vài năm nay, người ta hay chép miệng phàn nàn, thời tiết thay đổi ghê quá, nóng thì nóng chảy mỡ há mồm, lạnh thì chết giun chết dế. Rét đậm rét hại là những từ mới tinh, mới chỉ xuất hiện trong bản tin dự báo thời tiết. Nóng chảy tâm hồn, nóng vãi vong linh cũng mới lác đác đâu đó trong các áng văn chương internet, đảm bảo chúng chưa xuất hiện trong từ điển.

> Người đàn bà khát nước
> Năm tháng

Công bằng mà nói, ông giời có thay đổi cũng chẳng thay đổi bao nhiêu, sự thay đổi quay quắt là từ con người. Ở thành phố là hiệu ứng nhà kính, ở nông thôn là hiệu ứng xi măng hóa.

Cũng cái khoảng sân hơn trăm mét vuông này, vài năm trước, khi nó còn là sân đất nện láng bóng, thì nó chịu giao hòa với ông mặt giời lắm, nắng mấy nó cũng hút thun thút và phả lại hơi đất ngai ngái dễ chịu, còn bây giờ, mặt xi măng chói mắt phả lên hơi hầm hập mỗi khi tiếp nhận ánh mặt ông giời.

*

Sân nhà Điệp là cũng là một cái sân xi măng, hơn trăm mét. Trùi trũi. Mới tám giờ sáng ngày đầu tháng tư mà hơi nóng bốc lên hầm hập.

Bà cụ Điệp, tay mở cổng, miệng tằng hắng, nói rõ to:

- Điệp, Điệp ới, Điệp có nhà không đớiii…?

Im lặng một phút, rồi giọng Điệp vang lên từ phía chuồng lợn, to không kém:

- Con đơiii, con đang đi đồng [*]

(ngôn ngữ đang thay đổi nhanh chóng, nhiều từ tiếng Việt trăm phần trăm vẫn cần chú thích nếu không muốn làm khó độc giả, trong khi viết chêm viết đệm tiếng Anh thì không cần, có khi chú thích tiếng Anh còn khiến nhiều độc giả tao nhã nhíu mày mà rằng, từ này ai không biết mà phải chú thích).

Nông thôn đô thị hóa xi măng hóa có nhiều nét ngộ nghĩnh đáng yêu. Dù không thiếu đất như nội thành nhưng kiến trúc nhà ống vẫn được ưa chuộng. Nhà ngang ba mét sâu vài chục mét, xây bốn năm tầng, thiết kế trang trí tiểu tiết cầu kỳ như cung điện, nhưng tuyệt nhiên không có toilet. Thói quen đi đồng chuồng lợn, cầu ao là một bản sắc văn hóa, bỏ đi, sao đành.

Nhà Điệp là một căn nhà như thế

Bà cụ Điệp đứng giữa sân, dỡ chiếc nón, quạt phành phạch, bà ngó quanh quất rồi nhổ toẹt miếng nước trầu lên nền xi măng, đỏ lòm.

Điệp lững thững từ chuồng lợn ra bể nước, múc nước rửa chân oàm oạp nhưng không rửa tay, anh nói, giọng vẫn oang oang dù khoảng cách giữa hai người đã không còn xa như trước:

-Sao bu [**] không vào nhà, đứng đấy chết nắng.

- Con Lan đi làm chưa?

- Đi lâu rồi.

Vừa trả lời, Điệp vừa quay lưng đi vào nhà. Bà cụ Điệp rảo bước te tái theo sau. Vào đến trong nhà, bà nói, giọng lúc này đã đổi tông, gần như thì thào:

- Nàiii, tao nghe người làng xì xầm, có đứa lên phố, thấy con Lan dắt tay thằng liền ông đi ra từ nhà nghỉ.

Trái với mong muốn của bà cụ, Điệp thản nhiên, chẳng nói chẳng rằng. Im lặng ít phút, bà cụ nói tiếp:

- Mài làm sao thế hở con?... Liều liệu đấy, thiên hạ nó đồn ầm lên kia kìa. Chả nhục nhã riêng cái mặt mài đâu con.

Nói xong, bà cụ quày quả ra về.

*

Điệp và Lan gặp nhau khi hai người cùng đi xuất khẩu lao động bên Đông Âu. Chàng là công nhân, nàng là đội trưởng quản lý, vì nàng nói tiếng Tây nhoay nhoáy. Nàng dân thành thị, nhưng là thành thị tỉnh lẻ. Đã là tỉnh lẻ thì tỉnh nào cũng như nhau, không cần giới thiệu. Chàng dân quê, nhưng là dân quê tỉnh chẵn, ngoại vi thủ đô.

Xét ra hai người không phải môtíp đôi lứa xứng đôi, vì như người ta thường nói, đàn ông phải hơn đàn bà cái đầu. Rõ là đầu Điệp không hơn đầu Lan, ngoài cái khoản Lan phun tiếng Tây nhoay nhoáy, thì nàng còn quảng giao, và làm ăn giỏi. Găm hàng oánh hàng gửi hàng tanh tách tanh tách, chẳng như Điệp, chân chỉ hạt bột gom góp mua hàng như kiến tha mồi rồi gửi về theo đúng tiêu chuẩn.

Thế nhưng ông giời sinh luật bù trừ, chẳng hơn đầu này thì hơn đầu kia. Sự bù trừ cụ thể ở Điệp là gì, không biết, chỉ biết Lan yêu Điệp đáo để.

Vừa thoáng thấy Điệp là Lan đánh đáo lúng liếng, sau ba lần lúng liếng là Lan tóm cổ Điệp yêu tha thiết ngay. Điều này có thể, vì xứ tuyết lạnh, xa nhà xa quê, con người cảm thấy cô đơn nên nhu cầu kết đôi luôn hơn mức bình thường. Đàn ông thì khỏi phải bàn, nhưng đàn bà cũng thế. Chẳng mấy cô nào đi xuất khẩu lao động mà chịu chăn đơn gối chiếc cho dù không ít cô đã chồng con một mớ ở quê.

Góp gạo thổi cơm chung góp chăn gối ngủ chung độ gần một năm thì hai người làm đám cưới. Cưới xong làm hai bộ ảnh, một bộ gửi về đô thị tỉnh lẻ, một bộ về nhà quê tỉnh chẵn. Hai họ cùng hân hoan hớn hở vui như Thị Nở. Xong thủ tục. Danh chính ngôn thuận.

Sau khi cưới chừng hơn hai năm gần ba năm thì Lan và Điệp phải về nước dù chưa hết hợp đồng. Các nước xã hội chủ nghĩa bên Đông Âu làm cách mạng, những công nhân xuất khẩu lao động nằm trong những giao kèo tương trợ kinh tế trong khối, nay hết khối thì hết hợp đồng. Biến. Cũng chả có gì đáng phàn nàn, từ khi lấy Điệp, Lan như mọc thêm tay, làm ăn càng khá khẩm, hai vợ chồng găm được một mớ, về quê là được rồi.

Căn nhà bốn tầng dạng ống không toilet của vợ chồng Lan Điệp là kết quả của mấy năm đi Tây. Đi Tây rồi vẫn không thích toilet.

Vùng quê Điệp, một vùng quê ngoại thành thủ đô, chuyên canh dưa lê, rau và hoa. Vài năm nay, người ta lấy hết đất canh tác, làm đường, làm cầu vượt, làm chung cư các loại. Tốt thôi, đỡ phải làm ruộng, lại ôm mớ tiền đền bù. Cả làng Điệp xây nhà ống, láng sân xi măng, sắm xe máy. Tiếng xe máy bình bịch xình xịch suốt ngày, thay tiếng nghé ọ, tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng. Không làm ruộng thì dân làng chuyển nghề oánh lô đề, hát karaoke, ngồi đồng quán bia hơi, quán cà phê…

Điệp phó thác cho Lan ôm tiền đền bù đi gửi ngân hàng vì nhà đã xây bằng tiền đi Tây.

Về nước chỉ dậm dạp dăm bữa nửa tháng là Lan xin được việc làm. Công ty nước ngoài lương cao ngất ngưởng. Vì Lan giỏi ngoại giao, và nói tiếng Tây nhoay nhoáy. Lan còn tậu nhà nội thành rồi đưa cả bố mẹ và mấy đứa em ở đô thị tỉnh lẻ lên thủ đô. Đứa lớn Lan xin việc, đứa bé Lan xin học. Đâu ra đấy. Cả nhà Lan thành người thủ đô trong chớp mắt dưới bàn tay sắp đặt khéo léo của Lan.

Điệp thì vẫn thản nhiên và điềm đạm ngồi nhà, thất nghiệp, dĩ nhiên. Đến nay cũng được vài năm.

*

Chờ mẹ đi về hẳn, Điệp ra phía trái nhà, nơi tường rào, kiễng chân nghển cổ, gọi to:

- Phú ơiiii… Phú… đi chưa…?

Một hồi không thấy tiếng trả lời, Điệp rời tường rào, miệng lẩm bẩm: “Vừa thấy oánh nhau huỳnh huỵch mà đã...” Điệp khóa cửa khóa cổng rồi lững thững ra quán cà phê đầu làng, nơi Điệp và Phú - người bạn, giai làng, hàng xóm liền kề - vẫn hay ngồi với nhau mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều, mỗi bất cứ lúc nào.

Đầu làng nhan nhản quán cà phê, quán cà phê nông thôn nhưng cũng chả kém gì thành phố, có khi còn oách hơn, tao nhã đài các phết. Cũng wifi miễn phí, cũng máy lạnh, cũng cửa kính to, cũng ghế nệm, chỉ có điều hơi khác, quán nào cũng phảng phất mùi than tổ ong, mùi phân lợn. Và quán nào cũng mang tên Tây. Ví dụ Cafe The Future, Cafe Yesterday, Cafe Black Rose..., Hồng Đen phảng phất mùi phân lợn, Ngày Hôm Qua cũng mùi phân lợn, Tương Lai cũng phân lợn.

Điệp vào quán thì Phú đã ngồi, nơi bàn quen thuộc. Điệp kéo ghế ngồi đối diện Phú, họ im lặng không nói năng gì, lơ đãng mơ màng dòm khói thuốc. Ngồi quán cà phê nhưng họ uống rượu đế.

Sau nửa tiếng vô ngôn, Phú cất giọng, nghẹn ngào:

- Mẹ nó... chó thế... chứ lị.

Chờ một lát, thấy Điệp vẫn mơ màng lơ đãng, Phú tiếp, giọng rin rít:

- Tối qua tôi bắt gặp nó hôn một thằng, ông ạ..., lâu lâu là..., thế mà nó xoen xoét, nụ hôn là tâm hồn, nên em không bao giờ hôn...

Lại im lặng chừng mười lăm phút, rồi Điệp nói, sau khi thờ hắt đánh sượt:

- Hôn hay hồn hay ấy, cũng chỉ vần ồn, cũng là một thôi mà. Ông cứ cả nghĩ làm gì cho khổ.

Phú nghiến răng bạnh quai hàm, mắt trợn ngược rưng rưng, tay bóp nát bao thuốc lá Vina. May trong bao không còn điếu nào.

*

Phú quen Thơ trong những buổi họp chợ rau hoa quả ban đêm. Ngày ấy, làng còn đương canh tác, dưa lê, rau, hoa các loại. Sản phẩm làm ra trai làng cho lên xe đạp hai sọt hai bên, thồ hàng tới chợ đầu mối ở các cửa ô nội thành, vào ban đêm. Chợ chỉ họp trong vòng vài ba tiếng, từ khoảng một giờ tới bốn giờ sáng.

Ban đầu là mối quan hệ kẻ bán người mua. Thơ mua hàng chợ đầu mối, rồi sáng ra gánh bán dạo trong phố. Làng Thơ ở đầu này tỉnh, làng Phú ở đầu kia tỉnh. Anh ở đầu sông em cuối sông. Trường Sơn đông Trường Sơn tây. Thế rồi yêu nhau, tình cảm nên thơ phết. Yêu ngay. Cưới ngay. Đẻ ngay. Không nói nhiều. Sòn sòn ba năm ba đứa.

Đùng phát người ta quy hoạch đất đai, cả làng bỗng dưng ai cũng ôm mớ tiền. Ai cũng lên đời nhà ống cao tầng không toilet, sắm sanh, xe máy, giường hộp xa lông tủ chè gỗ quý, đài đóm ti ve véo von bốp chát. Và cả làng bỗng dưng thất nghiệp. Cả làng xoay sở. Xoay sở kiểu gà què ăn quẩn, người bán đề kẻ oánh lô, mở quán bia hơi, quán cà phê, quán karaoke, để phục vụ nhau.

Phú không có tài xoay sở nên anh ngồi nhà.

Phú thất nghiệp được vài tháng thì tới lượt Thơ. Thủ đô văn hiến cấm hàng rong nên Thơ về ngồi nhà nốt.

Hai vợ chồng ba đứa con, ngồi không ăn vã, của núi cũng hết. Thơ bảo thế. Mà sắp hết thật. Và Thơ cũng xoay sở. Thơ làm gái. Ban đầu Thơ còn giấu Phú, nhưng kim trong bọc còn lòi, giấu sao được mãi. Người ta làm gái chủ yếu do thích, do yêu nghề, chứ không hẳn vì hoàn cảnh như người ta hay trình bầy, tuy nhiên, Thơ là người làm gái do hoàn cảnh, ấy là ta cứ nhìn bề ngoài mà nhận định thế.

Hồi đầu Phú ghen ghê lắm, oánh Thơ như điên. Dăm ba hôm hai vợ chồng lại đuổi nhau huỳnh huỵch quanh làng. Thơ chạy trước, vừa khóc vừa chửi. Phú chạy sau, cầm dao chém lia lịa, may phát nào cũng trượt.

Sau thì quen, phần vì Thơ mang tiền về trang trải gia đình, ăn tiêu tĩ tã, phần vì Phú tự quán triệt tư tưởng, sứt mẻ mòn mỏi gì đâu, vẫn là của ta, nhất là khi được Thơ đả thông: “Em là của mình, tâm hồn em thuộc về mình, chả ai lấy được, em đi làm không bao giờ để đứa nào hôn, vì nụ hôn là tâm hồn”, thì Phú càng yên tâm lắm.

Thời gian gần đây, Phú còn hỗ trợ Thơ bằng việc chở đi làm. Được cái làm nghề này không phải đi theo giờ hành chính, nên cũng thoải mái. Hằng ngày, cứ sáu giờ tối là Phú chở Thơ đến điểm, rồi ngồi uống nước trà hút thuốc lào vỉa hè, chờ Thơ tan ca, chở về. Tài xế kiêm vệ sĩ. Êm đềm, nhã nhặn.

*

Chập tối, sân xi măng bốc lên toàn bộ nhiệt lượng hấp thụ ban ngày, hầm hập, khó chịu không kém giữa trưa. Chắc phải đến đêm nó mới trở lại bình thường.

Bà cụ Điệp rón rén mở cổng, đi vào giữa sân, bà đứng lại, đằng hắng giai điệu quen thuộc:

- Điệp, Điệp ơi, Điệp có nhà không đớiiii.

- Con đơi, trong này.

Bà cụ đi vào nhà, dừng ở ngưỡng cửa, bà đảo mắt khắp nhà. Điệp đang chăm chú canh nồi cám lợn, không quay ra. Bà cụ hỏi cho chắc ăn:

- Con Lan đi làm về chưa?

- Chưa.

- Công việc gì mà về muộn thế!

- …

- Thủi cơm chưa?

- …

- Nàiii - Bà cụ hạ giọng - tôi nói anh biết, không phải đồn thủi đâu nhá. Thật đấy. Chính mắt tôi nhìn thấy nhá. Trưa nay, tôi lên phố, tôi rình trước cửa nhà nghỉ, tôi thấy nó lả lơi đi ra với một thằng, nhẽ nhớn tuổi hơn anh, nó…

- Thôi - Điệp cắt ngang lời bà cụ - bu không phải nói nữa, con biết rồi.

- Biết rồi? Biết mà anh để thế à, cho người làng người nước người ta chưởi mục mả à? Bà cụ rít lên lanh lảnh.

- Được rồi, bu đừng làm toáng lên thế…

- Đồ chết giẫm, mọc sừng, đội vợ lên đầu. Để mai tao rủ con Hợi thịt lợn đi cho nó một trận.

- Thôi thôi, con xin bu, con lậy bu, bu về đi, nhà con, con khắc xử lý, bu về đi… về đi… từ rày bu đừng nói chuyện nhà con nữa.

Sau khi bà cụ Điệp về khoảng tiếng đồng hồ thì Lan về. Mặt nàng ửng đỏ, vẻ hơi say.

- Mình ăn uống gì chưa… hôm nay công ty có cái event… cognac ngon thật… tên gì ý nhỉ… à, Remy Martin… uống có hai li mà say phết…

- Này, tôi biết cả rồi nhá, liều liệu… Điệp gằn giọng, hầm hố.

- Biết… biết cái gì cơ? Lan hỏi, vẻ ngạc nhiên.

- Biết cái nhà nghỉ, chứ còn biết gì.

- Biết nhà nghỉ là biết cái gì? Ở nhà rảnh quá hóa thần kinh hả?

Nói xong Lan hầm hầm đi vào phòng trong, thay đồ, rồi nàng nằm vật ra giường, không biết có thổn thức hay không.

Không gian yên ắng lạ thường.

Chợt những âm thanh chát chúa từ bên nhà Thơ, Phú dội sang. Tiếng la hét chửi bới, tiếng đấm đá huỵch chát hự, tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng. Tất cả kết hợp nghe cứ như một bản nhạc heavy metal rock. Rồi bản rock đột ngột kết thúc. Sự yên ắng trở lại, lạnh tanh, trong vắt.

Lan bật dậy, lao vút ra phòng ngoài, ngồi phịch xuống xa lông, đối diện Điệp, nàng làm một hơi, phá tan sự im lặng:

- Nào, bây giờ muốn gì… ở nhà rách việc, buồn, muốn gây chuyện hả… mồm hôi rượu nách hôi bẩn, lười tắm, nhẩy lên giường hai xoa ba đập rồi kéo gỗ như bò… muốn gì, muốn gì đây?

- Chả muốn gì. Chỉ là…

- Là sao

- Là làm gì thì kin kín, ra vào nhà nghỉ, người làng dị nghị.

- Hừ, người làng với người nước… lắm chuyện… thế không nhà nghỉ thì sao, ra đường à, sốt ruột!

- Thì…

- Thì sao?

- Thì… thì về nhà mình, còn hơn. Chả ai dòm ngó.

*

Quán cà phê, Điệp và Phú chã rượu. Khói thuốc mù mịt mơ màng. Dàn loa khủng phát âm thanh chát chúa, điệu tango theo kiểu quê mùa đến mức không thể quê hơn quyện mùi than tổ ong thật nồng nàn ra chất. Giọng ca sĩ như trêu ngươi: Đã biết em vô tình mà lòng anh vẫn yêu/ Đã biết em hững hờ mà anh vẫn nhớ thương/ Đã biết khi yêu ai lòng này mang đắng cay/ Đã trót mang trong tim một hình bóng dáng ai.

Phú bật khóc, anh cố kìm nén để khóc không thành tiếng nhưng nước mắt vẫn dàn dụa. Phú vừa nói vừa nấc:

- Con Thơ… nó bỏ… đi… năm hôm nay rồi… ông ạ. Nó… theo… thằng lái chó quá cảnh [***]. Tôi mới biết hôm qua… Nó bỏ tôi với ba đứa nhỏ… thật rồi.

Những phút em bên anh mà hồn em vắng xa/ Những phút giây xa nhau lòng càng thêm khổ đau/ Sao mùa xuân không đến khi đông tàn/ Sao hồn ta như kiếp lá thu vàng.

Ca sĩ trêu ngươi tiếp.

Như thường lệ, Điệp chỉ nghe mà không nói, lúc này anh chợt nghĩ về Lan. Suốt tháng qua, Lan mang nhân tình về nhà, ăn uống nhậu nhẹt, xong, họ lôi nhau vào phòng ngủ, kệ anh bơ vơ phòng khách.

Kiếp cô đơn/ Chập chờn buông trong bóng đêm trường một mình ta với ta.

Ca sĩ tiếp tục khiêu khích nhưng Điệp không khóc. Điệp vốn điềm đạm. Có thể anh đang nuốt đau đớn vào trong?

*

Đã vào giữa hè, trời bắt đầu mưa, nhưng cả tuần nay ông giời như bí đái, sấm chớp ùng oàng mây đen vần vũ, thế mà chỉ lộp bộp vài giọt rồi lại đâu vào đấy, nắng quay quắt. Kiểu mưa này càng khiến hiệu ứng xi măng hóa phát huy tác dụng. Hầm hập. Ngột ngạt.

Mười một giờ đêm, không khí vẫn không dịu đi chút nào, trăng mười sáu quầng đỏ như máu. Trăng quầng thì hạn trăng tán thì mưa. Kiểu này còn nắng lâu. Còn khó chịu dài.

Làng quê đã hết ao chuôm nên ếch nhái chả còn uôm uôm. Mặt đất kín xi măng không chừa một lỗ cho giun dế côn trùng chơi bản giao hưởng bốn mùa chân đất. Làng quê ban đêm im lìm như nấm mồ nếu thỉnh thoảng không có vụ oánh nhau vì cờ bạc lô đề hay chồng vợ chửi nhau vì ghen tuông. Nhàn hạ, lại sẵn tiền đền bù đất nên sinh lắm tật, chắn cạ lô đề cá độ, chồng đi chơi phò, vợ cũng chả kém phân, cũng cặp kè thậm thụt.

Cứ vài ba hôm lại có xe cứu thương, xe cảnh sát vào làng giải quyết hậu quả. Vui đáo để. Tiếng còi hụ thay tiếng ếch nhái côn trùng, đèn chớp xanh đỏ thay cho đom đóm chớp tắt những đêm hè.

Tối nay cũng như nhiều tối, Lan dắt tình nhân về nhà, sau khi cơm no rượu say họ lại dẫn nhau vào buồng ngủ, bỏ mặc Điệp cô đơn đần thối nơi phòng khách.

Tiếng cười re ré, tiếng thở hổn hển từ phòng ngủ vọng ra đều lọt tai Điệp không sót chút nào dù anh cố tập trung vào màn hình ti vi.

Buồng ngủ im lặng năm phút, rồi tiếng Lan vọng ra:

- Điệp ơi, đi đun nước pha ấm trà nhé.

Điệp khó nhọc uể oải đứng dậy.

*

Còi hụ inh ỏi, đèn xanh đỏ chớp lia lịa lóa mắt. Xe cứu thương tới trước. Xe cảnh sát tới sau. Tất cả trực chỉ nhà Lan và Điệp.

Tốp y tá khiêng ra xe cứu thương hai băng ca, một là Lan, hai là người tình của nàng. Một tấm ga trắng phủ từ ngực Lan tới đầu gối. Còn tình nhân nàng, tấm vải chỉ phủ khu hạ bộ. Cả hai đều tỉnh táo tuy có vẻ rất đau đớn.

Dân tình xúm xít xì xào bàn tán. Dội nước sôi à. Luộc chim à, cả đôi à. Chần tái, he he, không phải luộc. Hố hố, thằng Điệp khéo phết nhẩy, dội trúng thế. Nó mà dội vào mặt, khéo chết chứ nhẩy, án mạng chứ chả đùa…

Sau khi chiếc xe cứu thương đưa hai người đi khuất thì tới lượt công an dẫn Điệp ra xe. Anh bị còng tay, hai viên công an xốc hai bên nách. Mặt Điệp vẫn bình thản như thường lệ, như chưa từng xảy ra chuyện gì.

Xe công an khuất nốt, làng quê lại chìm vào đêm tịch mịch. Im lặng tuyệt đối. Bóng đêm dầy đặc và quầng trăng đỏ như máu lại bao phủ kín làng.

Chú thích:

[*] đi đồng: đi ị, đại tiện - phương ngữ châu thổ sông Hồng

[**] bu: mẹ - phương ngữ châu thổ sông Hồng

[***] lái chó quá cảnh: chỉ những người thu mua chó thịt bên ngoài biên giới. Cụ thể: Lào, Campuchia. Nguồn cung chó thịt nội địa đang cạn nên sinh ra chuyên môn này.

“Lại chìm vào đêm” có kết cấu của một phim truyền hình. Nghĩa là dễ hiểu, phân tuyến rành mạch, thiện ác phân minh, mở ra đóng vào, cao trào rất ư là bài bản.

Lại chìm vào đêm ảnh 1

Điều đáng nói và làm cho truyện ngắn này nên đọc là ở giọng điệu của nó. Lối kể lể hoạt kê. Một giọng điệu hài hước ẩn đằng sau là sự cay đắng. Những chú thích nghiêm trang, như cố ý làm cho mọi sự trở thành trò đùa.

Văn Vương là một bút danh khác của Đỗ Trí Dũng. Một nhà văn nhiều bứt phá.

Truyện ngắn của
Văn Vương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).