Lại học vỡ lòng

Lại học vỡ lòng
TP - Một sáng chủ nhật tôi vào chùa Hương Trì, sư Bản đang ngồi uống trà nơi nhà thuỷ tạ giữa hồ sen. Khựng lại một chút, tôi ngắm nhìn toàn cảnh nhà thuỷ tạ. Chim líu lo trong vòm cây. Cá hớp bóng nơi mặt hồ lô nhô cánh sen. Ánh nắng mai rắc phấn vàng rực rỡ. Thật là thanh thoát và yên bình. Thấy tôi, sư Bản ngoắc tay mời vào.

Câu chuyện thứ nhất:

Tôi cẩn thận nhìn xuống chân mình và thích thú bước trên những trụ xi-măng nhô lên khỏi mặt nước hồ. Tôi thấy mũi giày trái của mình có hai vết trầy sướt và cả đường lai ống quần bị bong chỉ may. Tôi thấy những mặt trụ xi-măng lốm đốm mảng rêu xanh và cả bóng mình chập chờn dưới hồ nước. Khi đã vào thuỷ tạ uống trà, tôi hỏi:

“Sao sư không làm chiếc cầu đi cho dễ và nhanh?”.

“Dễ và nhanh để làm gì?”. Sư Bản hỏi lại.

Câu hỏi bất ngờ làm tôi lúng túng, vì thật sự “dễ và nhanh” chẳng để làm gì ở đây cả. Thấy tôi nín thinh, sư Bản cười hiền hậu:

“Làm cầu không những tốn nhiều tiền, mà còn có hại cho người đi vào hoặc đi ra”.

Tôi ngạc nhiên:

“Hại gì, thưa sư?”

“Nếu tôi làm cầu, ai vào đây cũng sẽ đi cẩu thả và không ý thức được bản thân mình, lý do vì họ đi dễ và nhanh. Còn đi trên những trụ ngoằn ngoéo này, người ta buộc phải có ý thức, phải vận dụng toàn bộ cơ thể để khỏi rơi xuống nước. Họ phải trở về chính họ trước khi vào ngồi đây, vì họ đi khó và chậm. Chỉ cần đi vào và đi ra, là họ đã có một kết quả mới mẻ nào đó xảy ra nơi bản thân họ rồi”.

Nhìn tôi một chặp, sư Bản nói tiếp: “Vì anh là nhà văn nên tôi mới nói hơi dài dòng về chuyện đơn sơ này. Trong bài văn, anh nên bắt chước tôi, nên cắm nhiều trụ mà không cần làm chiếc cầu. Anh phải để những khoảng trống hụt hẫng. Những khoảng trống hụt hẫng ấy, chính tâm trí của người đọc sẽ tự lấp đầy để nối liền. Cũng như những khoảng cách giữa các trụ, chính đôi chân người bước sẽ nối liền. Đấy mới chính là phần đóng góp tích cực thích thú cho họ. Anh đã mời họ và cho họ cộng tác với anh trong công việc anh làm”.

Tôi nhìn sư Bản. Quả thật, thầy dạy văn tôi chính là một thầy tu, người không làm văn học bao giờ.

Tôi học một bài học vỡ lòng về viết văn, sau khi đã xuất bản năm tác phẩm.

Câu chuyện thứ hai:

Thế hệ tôi

Không có cô mà chỉ có thầy

Thầy vỡ lòng tôi

Một nông dân lam lũ

Mái trường là bụi chuối hè sau

Dưới hương cau

Tôi sinh ở thôn quê. Tôi lớn lên ở thôn quê. Thầy vỡ lòng tôi là một nông dân có chữ nghĩa. Tôi học chữ a chữ b đầu đời cũng do thầy chỉ dạy.

Nay thầy già lắm nhưng vẫn còn minh mẫn. Tuần rồi, tôi có đến thăm thầy. Phòng khách thầy vẫn còn tủ sách cũ mà hồi nhỏ tôi vẫn thấy. Quá đỗi vui mừng, thầy hỏi:

“Nay anh làm gì mà ốm nhom ốm nhách như thế này?”

“Dạ thưa, cày văn”. Tôi đáp vui.

Trầm tư một chặp, thầy nói:

“Cày văn à? Công việc khổ cực đấy. Nhưng anh biết cày văn khác với cày ruộng chỗ nào không?”

Tôi lúng túng. Thầy cười, nói tiếp:

“Có gì đâu mà suy với nghĩ. Cày văn là cày vào chính mình. Còn cày bên ngoài mình, việc ấy là cày ruộng”.

Rõ ràng, tuy tôi đã lớn lên, nhưng thầy vẫn lớn hơn tôi tưởng. Tôi lại học nốt một bài vỡ lòng nữa, sau khi đã xúng xính chữ nghĩa.

Sư Bản áo nâu sồng và thầy Thảnh lam lũ là hai ân nhân của tôi trong hành trình văn học.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG