Lại nóng chuyện lễ phục

Một số mẫu trang phục truyền thống Việt cho nam giới trong phim, ứng dụng trong đời sống. Ảnh: Thế Hiệp.
Một số mẫu trang phục truyền thống Việt cho nam giới trong phim, ứng dụng trong đời sống. Ảnh: Thế Hiệp.
TP - Nhiều ý kiến mổ xẻ trang phục truyền thống Việt qua một số phim gần đây trong tọa đàm sáng 29/9 tại Đại học Văn hóa, đồng thời xới lại cuộc thi và lựa chọn lễ phục quốc gia bế tắc bấy lâu.

Đúng hay đẹp

Tọa đàm về trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng của nó trong đời sống đương đại do nhóm Đình làng Việt phối hợp ĐH Văn hóa tổ chức thu hút sinh viên và báo giới. Họa sĩ phục trang Thu Hà giới thiệu dàn người mẫu gồm Hiệu trưởng ĐH Văn hóa, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, các giảng viên và sinh viên, để trình diễn các mẫu thiết kế trong một số phim gần đây: Lều chõng, Long thành cầm giả ca, Trò đời, Người cộng sự. Đạo diễn NSƯT Trần Lực trong vai trò dẫn chương trình diện trang phục của Thượng thư Nguyễn Khải trong Long thành cầm giả ca.

Đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân từng làm trợ lý cho NSND Hải Ninh  phim Đêm hội Long trì, sau này đạo diễn và sản xuất các phim như Lều chõng, Trò đời nói rằng, phim lịch sử Việt Nam gần đây ngày càng nhiều sau thời gian đứt đoạn. Anh cho rằng, nhà làm phim luôn muốn tìm trang phục thuần Việt, trung thành lịch sử, tuy nhiên, lịch sử nước ta lại ảnh hưởng từ văn hóa nghìn năm Bắc thuộc, cho nên phải cân nhắc xem nó có lai căng, có đẹp không. “Nhiều khi đem phim Việt Nam ra nước ngoài, chưa cần biết nội dung, mới nhìn hình ảnh người ta nghĩ ngay đó là phim Hồng Kông hoặc Trung Quốc”, Thanh Vân nói. Anh bảo lưu quan điểm ngoài tính phù hợp lịch sử, trang phục đó phải có tính thẩm mỹ.

“Là diễn viên, khi đóng phim lịch sử mặc bộ trang phục này tôi thấy nhập vai dễ hơn. Thấy mình đàng hoàng hơn, sống chậm hơn”, Trần Lực nói. Tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Việt kể, định bụng diện áo the khăn xếp đến tọa đàm nhưng sợ bị bàn tán. Ông đặt câu hỏi, sao chúng ta cứ thấy phim lịch sử Việt Nam lại bảo giống Trung Quốc? “Vì ta xem nhiều phim Trung Quốc quá. Trang phục truyền thống là tinh túy các cụ để lại cần được tuyên truyền hơn”, ông nói. TS. Việt góp ý, khi lựa chọn thiết kế trang phục truyền thống đưa vào phim, ngoài tư liệu lịch sử cần đưa ra được tinh thần Việt trong phim.

Nguyễn Mạnh Đức, họa sỹ thiết kế nhiều phim lịch sử cũng nêu thực tế, nhiều nhà nghiên cứu trẻ rất hiểu biết tư liệu, gần nhất có cuốn sách Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức rất công phu, tuy nhiên người làm phim cần xuất phát từ sự cảm thụ sâu xa, đeo đuổi để tạo nên giá trị Việt trong phim, không chỉ dựa trên mô tả trong tư liệu. “Không thể bắt nhà làm phim đưa ra chuẩn trang phục nhà Lý-Trần, bởi đến chúng tôi đào mộ còn chẳng rõ trang phục xưa là gì. Chúng ta làm phim lịch sử, không phải phim khoa học tư liệu”, TS. Việt nói.

Gian nan lễ phục

Mở đầu tọa đàm về trang phục trong phim, họa sỹ Nguyễn Đức Hòa nhắc lại yêu cầu cấp thiết cần lễ phục: Nhiều sự kiện ngoại giao nước bạn yêu cầu ta có lễ phục, nhưng đành bó tay. Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng nhắc món nợ tìm lễ phục, các sự kiện lớn cần lễ phục: Đại sứ của ta ở nước ngoài cần lễ phục để trình quốc thư, hoặc các lễ trọng như giỗ tổ đền Hùng. Một sự kiện gần đây khi Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc mặc lễ phục lên sân khấu chào khán giả, Bộ trưởng nhà ta lại mặc âu phục lên bắt tay, xem như nỗi buồn không nhẹ.

“Chúng tôi thực hiện tới ba cuộc tuyển chọn năm 2014, mời các nhà thiết kế nổi tiếng, may thử ba mẫu trang phục nhưng giờ này bế tắc”, ông Thành nói. Sự bế tắc nằm ở chỗ từ lãnh đạo tới dư luận xã hội không thống nhất được tiêu chí chọn lễ phục. Lễ phục cho nữ dễ đồng thuận- áo dài, còn trang phục cho nam gây tranh cãi. Ba mẫu dựa trên complet cải tiến đều thất bại. Đạo diễn Trần Lực cũng “ghen tị với phụ nữ vì dự sự kiện quốc tế chị em có áo dài, đàn ông chưa có. Trước nay chúng ta hô hào giữ gìn bản sắc dân tộc, nhưng đến giữ gìn bản sắc của mình, điều gần gũi nhất như trang phục của cha ông mà không làm được thì chẳng giữ nổi cái gì”.

TS. Việt chỉ họa sỹ Thành nói vui, trang phục này đủ điều kiện trình quốc thư rồi. Một chiếc áo dài năm thân, cải tiến để phù hợp với quần Âu, giày Tây chứ không nhất nhất áo gấm phủ the. Họa sỹ Thu Hà kể, chị trực tiếp thử nghiệm trên rất nhiều chất liệu khác nhau khi thiết kế áo dài nam, hoàn toàn khả thi. “Tôi tin rằng trang phục Việt có tương lai chứ không phải bế tắc đâu. Có điều phải đi từng bước, đi vòng chứ đừng vội vàng đưa ra ngay, không lại hỏng đến vài chục năm sau”. Đạo diễn Trần Lực kêu gọi trong những sự kiện lớn hãy mặc trang phục truyền thống, điều đó cũng thể hiện tinh thần yêu nước.

Chọn lễ phục như chọn quốc hoa

Trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, cách chọn lễ phục thời gian qua thất bại do tiêu chí chưa thống nhất. “Trang phục có thể trở thành lễ phục đại diện hình ảnh, văn hóa đất nước, đồng thời nó cũng rất riêng tư, là sở thích, thẩm mỹ từng người. Cho nên không thể can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, độc đoán được”, ông Thành nói. Ông nói thêm, chọn lễ phục tốt nhất nên theo hướng quốc hoa-tạo dư luận đồng thuận, không cần văn bản nào của Thủ tướng công nhận. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.