Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2010:

Lại tôn vinh đồng ruộng

Lại tôn vinh đồng ruộng
TP - Những đường cày lại bắt đầu tại Duy Tiên, Hà Nam vào mùng năm Tết Canh Dần, gợi sự tôn vinh đồng ruộng, coi trọng tam nông.

>> Nhớ ông vua đi cày

Lại tôn vinh đồng ruộng ảnh 1
Nhà vua xuống đồng- hình ảnh xưa tái hiện trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2009. Ảnh: TL

Ban tổ chức cho biết tại cuộc họp báo, lễ hội 2010 bắt đầu từ sáng mùng 5 Tết khi các nhà sư, phật tử và dân làng lập thành đoàn đi lấy nước ở giếng làng vào chóe rồi đưa về chùa Đọi Sơn tụng kinh và tắm tượng. Hội thi vẽ trâu diễn ra sáng mùng 6 Tết với 30 con. 9 con trâu đẹp nhất được chọn cày tịch điền.

Sáng mùng 7, đoàn rước hùng hậu đi đón tổ nghề trống Đọi Tam tại đình Đọi Tam, rước Thánh cả, và về thôn Đọi Nhì dừng lại đón kiệu Vua. Các nhà sư cầu kinh đưa linh vị vua lên kiệu Long Đình ra sân lễ tịch điền.

Sau khi dâng hương trước bàn thờ Thần Nông, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ cày 3 sá. Đại diện tỉnh cày 5 sá. Ba người dân làng mỗi người cày 7 sá. Nghi trình cày tịch điền kết thúc với màn múa hát Lả Lê, dâng hương bái tạ trước bàn thờ Thần Nông và kiệu vua.

Phần hội khá rôm rả, qua tiếng trống Đọi Tam nức tiếng cả nước, với những làn điệu hát cửa đình, hát trên chùa, liên hoan múa lân sư rồng, giải vật mùa xuân thượng võ.

Trâu dùng cho lãnh đạo sẽ không phải thi vẽ. Ban tổ chức chọn con trâu hiền lành, béo tốt. Ông Trần Quốc Hùng - Giám đốc Sở VH-TT&DL kể, năm ngoái Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam được dân Duy Tiên khen cày giỏi “nhưng chân trắng quá”.

Ông Phạm Tư Lành - Bí thư Huyện ủy Duy Tiên, Hà Nam, nói vui: Cũng chẳng lý giải được, sau khi làm lễ hội Tịch điền 2009, nơi đây mưa thuận gió hòa. Cả nước khô hạn, Duy Tiên vẫn có mưa.

Và khác với mọi năm, nước sông Hồng năm nay vẫn vào được hệ thống thủy lợi cho bà con cấy lúa.

Sở cũng cho biết, băn khoăn nhất hiện nay là trang phục cho lãnh đạo. Phía Viện Văn hóa - Nghệ thuật đưa phương án lãnh đạo mặc trang phục bình thường, phía ngoài khoác tấm áo dài màu nâu.

“Chúng tôi muốn trang phục đảm bảo hai tính chất: Chuyển tải ý nghĩa của lễ hội là khai xuân, cầu mùa màng tốt tươi, không quan phương quá mà phải dung dị mộc mạc như bản chất của người nông dân, đồng thời đảm bảo các điển chế của truyền thống”- PGS.TS Lương Hồng Quang nói- “Sử sách chỉ mô tả vua đi cày trong vài dòng, không nói trang phục thế nào, nên chúng ta phải tưởng tượng dựa trên những tài liệu gián tiếp”.

Đại diện Viện cũng khẳng định, từ việc phục dựng lễ hội này, Viện quyết tâm để lễ hội trở lại giá trị của nó và sống mãi trong đời sống đương đại. Đồng thời trở thành thương hiệu của tỉnh Hà Nam. Muốn vậy, phải gắn chặt với nông dân, và đưa thêm các yếu tố đương đại. Ban tổ chức tiết lộ kinh phí 1,6 tỷ đồng.

Theo tổng đạo diễn Bùi Quang Thắng, một nghệ sỹ Thái Lan và một nghệ sỹ Malaysia đã xác nhận tham gia, bên cạnh 20 họa sỹ đến từ TPHCM, Huế, Hà Nội và trong tỉnh.   

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
Căn cứ lực lượng an ninh ở Iraq bị không kích
TPO - Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) Iraq - một lực lượng an ninh chính thức - cho biết sở chỉ huy của họ tại căn cứ quân sự Kalso (cách thủ đô Baghdad khoảng 50 km về phía nam) đã hứng chịu một vụ nổ lớn vào tối 19/4. Hai nguồn tin an ninh cho biết vụ nổ là kết quả của một cuộc không kích.