Lạm dụng

Lạm dụng
TP - Từ năm 2009, Bộ GD&ĐT quy định năm nhiệm vụ của năm học mới, trong đó nhiệm vụ thứ hai là tất cả các trường THPT phải tổ chức tốt lễ trưởng thành và tri ân cho học sinh khối 12.

Cho đến nay, phong trào này đã nở rộ quá mức, với những lễ tri ân và trưởng thành cho cả học sinh tốt nghiệp THCS, thậm chí… tiểu học, trường mầm non. Ngoài việc tốn kém và mất thời gian, việc này còn gây phản cảm với phụ huynh và nghiêm trọng hơn, làm chai lỳ cảm xúc của trẻ. Lễ trưởng thành và tri ân lẽ ra phải là một hình thức giáo dục nhân văn không chỉ cho các em rời mái trường mà cả các em đang tiếp tục học, nhưng ở nhiều nơi, đã biến thành một việc phản giáo dục.

Lần lại nguồn gốc, từ hơn chục năm về trước, lễ trưởng thành và tri ân được một trường THPT tư thục tổ chức riêng cho học sinh khối lớp 12. Hoạt động này ngày ấy đã gây một tiếng vang rất lớn do cái tài của nhà giáo dục uy tín. Nhưng phong trào càng lan rộng thì càng bị lạm dụng. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Còn rất nhiều hoạt động giáo dục có tính căn cơ, đòi hỏi cả một quá trình dạy và học kiên trì, không chỉ “dạy chữ” mà phải là “dạy người” thì tại sao không được nhấn mạnh? Đương nhiên đây là công việc khó. Và có lẽ vì nó khó nên nhiều trường đã hình thức hóa nó thành một buổi lễ cho có – để rồi ru ngủ mình(?); Bên cạnh đó nhiều trường khác lại “sân khấu hóa” nó với những giọt nước mắt, nụ cười, bài phát biểu được sắp đặt, chỉ để quay phim, chụp ảnh tuyên truyền.

Tệ hơn, theo một tờ báo, nhiều buổi lễ lại biến thành “sàn đấu giá” để ở đó một số bậc cha mẹ thuộc hàng đại gia tranh đấu nhau với những món quà đắt đỏ và phô phang mà họ trao cho con mình.

Nhiều giáo viên chủ nhiệm bắt đầu sợ “lễ trưởng thành và tri ân” này vì phải tốn nhiều thời gian, công sức vào đó. Thầy cô giáo bỗng biến thành các đạo diễn, và cũng phải trực tiếp đóng một vai trong vở kịch. Nhưng vẫn phải làm, vì đây là một chỉ tiêu, có điểm thi đua.

Đến năm học này, việc tổ chức “lễ trưởng thành và tri ân” cho học sinh lớp 12 – theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT đã diễn ra khá lâu. Nên chăng, công việc này cần sự tổng kết, rút kinh nghiệm xem hiệu quả giáo dục đến đâu. Bộ cũng nên cương quyết chặn lại làn sóng mở rộng hoạt động này đến cả những cấp học thấp hơn.

Không thể phủ nhận một số nơi, “lễ trưởng thành và tri ân” tổ chức tốt, chân thực, có hiệu quả giáo dục, để lại một kỷ niệm đẹp trong lòng cả thầy, trò và các bậc cha mẹ. Nhưng ở quá nhiều nơi, lễ này đang trở thành một công việc hình thức, thậm chí gây phản cảm. Cần điều chỉnh, các thầy cô ơi!

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).