Làm phim như vậy làm sao thuyết phục được người xem!?

Làm phim như vậy làm sao thuyết phục được người xem!?
Bát cơm đang thơm ngon, nóng sốt, dù sạn vô cùng nhỏ cũng làm người ăn mất ngon. Chỉ cần vài chi tiết vụn vặt thôi, cũng đủ làm cho một bộ phim giảm hẳn tính chuyên nghiệp.

Hiện nay,  dư luận có cảm nhận chung là: phim truyền hình của ta, so với trước đây đã có nhiều tiến bộ về số lượng cũng như chất lượng. Nhiều bộ phim dài tập để lại ấn tượng tốt trong lòng người xem, chẳng hạn như phim “Đường đời”, “Chuyện phố phường” v.v… chiếu trên VTV3 trong thời gian qua.

Tuy nhiên, có những bộ phim -kể cả những bộ phim được đánh giá tốt như kể ở trên- tuy được đầu tư nhiều và dàn dựng khá công phu nhưng chỉ vài chi tiết nhỏ lại làm giảm hẳn ý nghĩa của bộ phim, làm người xem cảm thấy chưa thật sự thoả mãn lắm. Xin đơn cử một vài trường hợp.

Bộ phim “Đường đời” được đánh giá là khá, nhưng có một chi tiết không biết người làm phim có để ý hay không? Nhân vật chính tên Hải, đóng có nội tâm, rất thật nhưng chỉ mỗi tội là gần 20 năm trôi qua mà vẫn “trẻ mãi không già”. Đứa con gái của nhân vật này theo mạch phim từ đứa trẻ chập chững biết đi đến khi trở thành một thiếu nữ nhưng bố nó thì vẫn không có gì thay đổi từ nếp nhăn đến râu tóc, cử chỉ, dáng đi?

Bộ phim “Chuyện phố phường” vừa được nhận giải khuyến khích Cánh diều vàng vừa qua. Theo dư luận nhận xét, đây là bộ phim hay, các nhân vật vào vai rất đạt. Nhưng lại có một “hạt sạn” nhỏ, làm người xem bàn tán. Đó là nhân vật cô gái mù tên Hà. Nhân vật dễ thương, đóng khá đạt nhưng tuy khiếm thị mà lại rất… tinh.

Nếu ở trong nhà vì quen, có thể mò mẫm đi lại được cũng là chuyện có thể chấp nhận được nhưng đạo diễn lại cho nhân vật đến một khu vực khá phức tạp – theo cảnh trong phim là một “xóm liều” ở chân cầu Long Biên và cô gái mù này  lại đi đứng khá tự nhiên mặc dù không có ai dẫn dắt gì cả!?

Và mới đây thôi, bộ phim truyền hình vừa khởi chiếu trên VTV3 “Dòng sông phẳng lặng”, dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, đã gây thất vọng cho khán giả ngay từ khi mới vào phim chỉ vì giọng nói của các nhân vật trong phim.

Khó có thể chấp nhận được khi trong phim là cảnh Huế, chuyện Huế, người Huế nhưng lại nghe các nhân vật toàn nói giọng Bắc (chỉ có một nhân vật sĩ quan ngụy nói tiếng Huế)! Đến cả tiếng rao bán đậu hũ cũng rao theo kiểu miền Bắc. Công sức bỏ ra bao nhiêu để dàn dựng cảnh chiến tranh, khói lửa, huy động quần chúng v.v… nhưng vì chủ quan trong khâu lồng tiếng đã làm giảm hẳn tính chân thực của một bộ phim đáng ra rất có ý nghĩa.

Nhớ lại những năm còn chiến tranh, điện ảnh nước ta còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng làm phim về miền Nam thì nhân vật vẫn được lồng toàn tiếng miền Nam, chẳng hạn như phim  "Nổi gió" v.v…Vậy mà bây giờ điều kiện làm phim so với khi ấy một trời một vực lại không làm được ?

Phải chăng những người làm phim nước ta chưa “hóa thân” vào vai khán giả để cảm nhận được sự hay dở của bộ phim mình làm. Nhiều khi chỉ một sơ suất nhỏ, một sự chủ quan, thậm chí là một sự coi thường khán giả đã dẫn đến việc người Việt Nam vẫn còn chưa mặn mà với phim Việt Nam!? 

MỚI - NÓNG