Làm phim tài liệu, hãy dũng cảm

Làm phim tài liệu, hãy dũng cảm
TP - Tiêu đề của buổi thảo luận kết thúc Tuần phim Tài liệu Quốc tế tại Hà Nội sáng 19/6 là Phim tài liệu đồng hành cùng cuộc sống.
Làm phim tài liệu, hãy dũng cảm ảnh 1

 Khuôn hình nổi tiếng trong Nhà nhiếp ảnh chiến tranh - của đạo diễn Thụy Sĩ Christien Frei - tham gia Tuần phim Tài liệu Quốc tế tại Hà Nội.

Cử tọa trao đổi thẳng thắn với hai đạo diễn Violaine de Villers (Bỉ), Joseph Péaquin (Ý) và ông Lê Hồng Chương (giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học T.Ư. Các nhà làm phim bạn cũng không ngần ngại mổ xẻ phim của ta.

Ông Cesare Bielier (Đại sứ quán Ý) mở đầu: “Điện ảnh tài liệu ngày càng quan trọng. Những sự kiện như tuần phim khích lệ sự dũng cảm của đạo diễn”.

Theo bà Violaine de Villers - tác giả phim Mizike Mama: “Quan sát tiếp cận cuộc sống của nhân vật qua phim tài liệu còn là cách để tiếp cận cuộc sống của chính mình với cái nhìn hoàn chỉnh hơn”.

Đạo diễn trẻ Joseph Péaquin: “Để làm một đoạn phim quảng cáo cho chai nước này chẳng hạn - Joseph chỉ chai nước trên bàn - Anh có thể có rất nhiều tiền, bỏ tâm sức trong mấy tháng. Nhưng xong rồi chẳng còn gì nữa. Với mỗi phim tài liệu, ta có trải nghiệm khác, được gặp gỡ cuộc sống khác, con người khác, nền văn hóa khác”

Joseph cũng khuyên nếu có điều kiện, nên làm phim tài liệu để khám phá nội tâm phong phú của người hàng xóm.

Không như Việt Nam - nhiều phim tài liệu có người viết kịch bản riêng - một đạo diễn Pháp cho rằng, cách làm này ảnh hưởng từ phim truyện. Các nhà làm phim nước ngoài khẳng định, với phim tài liệu, đạo diễn phải là người xây dựng kịch bản.

Bà Violaine cho hay, với mỗi phim, bà phải bỏ ra 6 - 8 tháng cho kịch bản. Joseph đồng tình: “Đó là thời gian cần để xây dựng mối quan hệ với nhân vật và tìm được điều mình muốn nói”.

Theo Violaine: “Trước đây, các đài truyền hình đầu tư nhiều cho những phim tác giả, tính sáng tạo cao. Ngày nay thiên về phim chủ đề đơn giản, dễ xem”.

Nhận xét này tương đồng với James Natchwey - nhà nhiếp ảnh lừng danh trong phim Nhà nhiếp ảnh chiến tranh.

Ông nói: “Các tạp chí ngày nay có xu hướng từ chối những bức ảnh nội dung nghiêm trọng. Đơn giản vì khách hàng mua quảng cáo không thích.

Họ cho rằng, những hình ảnh ghê sợ (của chiến tranh, nạn đói... - PV) đặt bên ảnh quảng cáo sản phẩm, sẽ làm ảnh hưởng doanh số”.

Vì thế, càng cần cổ vũ lòng dũng cảm của nhà nhiếp ảnh cũng như nhà làm phim tài liệu.

Về phim tài liệu Việt Nam, hai đạo diễn có lời khen đề tài, góc máy, kỹ thuật thu tiếng...

Joseph nói: “Về kỹ thuật không có vấn đề gì nhưng nội dung, cách kể chuyện các bạn bị ảnh hưởng từ văn hóa, chính trị nhiều”.

Chỉ qua mấy ngày ở Việt Nam, Joseph phát hiện, gia đình, cộng đồng đóng vai trò quan trọng.

Anh cũng thấy phim ta không tập trung vào một nhân vật từ đầu đến cuối. Lời bình nặng tính tuyên truyền, giáo dục.

“Cách kể chuyện trong phim tài liệu không khác phim truyện. Mà muốn có chuyện để kể thì phải đào sâu vào nhân vật”. Violaine bồi thêm: “Các bạn chưa tiếp cận sâu sắc với nhân vật. Nên biến cái nhìn chủ quan của nhân vật thành của mình chứ đừng hờ hững”.

Joseph nói đi nói lại: “Các bạn có một nền văn hóa đậm, mạnh, thú vị. Nếu cảm nhận và biểu đạt được sẽ có phim hay. Có cảm giác nhà làm phim tài liệu Việt Nam vẫn bị cuốn theo sự phát triển hiện hữu, mà chưa ý thức được nhiều điều có thể làm với nền văn hóa của mình”.

Chẳng hạn, quả là thiếu tinh tế khi cả bộ phim (Một trích đoạn cũ) đang ca ngợi sự hết mình với tuồng của người dân làng Khương Hạ (Quảng Bình) thì nhạc nổi lên ở cuối phim lại là tiếng piano!

Theo Violaine, khán giả châu Âu sẽ muốn biết rõ hơn về cuộc sống, văn hóa của người H’Mông trong phim Trên đỉnh Tà Lùng nhưng phim không cho họ nhiều cơ hội hơn.

“Mải hướng lên những đỉnh núi, cả bộ phim không có lấy một cảnh quay trong nhà”  - lời một khán giả.

Violaine nhận xét: “Trở lại Ngư Thủy có tình người, khuôn hình đẹp, có thể hấp dẫn khán giả châu Âu”.

MỚI - NÓNG