Làng cổ Đường Lâm: Gánh nặng của sự quá tải

Làng cổ Đường Lâm: Gánh nặng của sự quá tải
TP - Trong khi các khu du lịch chật vật với việc thu hút khách thì làng cổ Đường Lâm lại đang rơi vào tình trạng ngược lại.

Du khách đến với Đường Lâm đang tăng nhanh, hơn nhiều lần so với những năm trước đây nhưng việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở làng cổ này lại lộ ra nhiều bất cập.

Làng cổ Đường Lâm: Gánh nặng của sự quá tải ảnh 1
Du khách đến Đường Lâm ngày một nhiều, nhưng dịch vụ du lịch ở đây gần như bằng không. Ảnh : PV

Quá tải

Theo ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, lượng khách đổ về làng cổ này năm nay tăng mạnh. Cả năm 2008, làng này chỉ đón gần 3 vạn lượt khách nhưng từ đầu năm đến nay Đường Lâm đã có trên 1 vạn du khách đến thăm. Du khách ồ ạt đổ về Đường Lâm khiến các dịch vụ ít ỏi của làng quê này không đáp ứng đủ.

Anh Nguyễn Văn Hùng - chủ ngôi nhà cổ nhất của Đường Lâm cho biết, vào các ngày nghỉ, gia đình anh thường có khoảng 500 - 600 khách đến thăm. Đa số khách đều có nhu cầu ăn trưa tại đây nhưng do không có người phục vụ và diện tích của ngôi nhà có hạn nên gia đình anh chỉ đáp ứng phục vụ ăn uống được cho khoảng 1/10 số khách kể trên.

Anh Hùng còn nói, có nhiều khách có nhu cầu nghỉ đêm lại nhưng gia đình cũng không thể đáp ứng được điều này. Được biết, khá nhiều công ty du lịch đã đề nghị đầu tư cho gia đình anh để tạo phòng nghỉ qua đêm cho khách nhưng anh Hùng chưa đồng ý vì sợ lộn xộn, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của gia đình.

Hiện tại, làng cổ Đường Lâm mới chỉ có 4-5 gia đình có dịch vụ ăn uống cho khách du lịch. Tất nhiên, chỉ đáp ứng được rất ít trong dòng khách nườm nượp kéo đến đây. Đây là những gia đình đang ở nhà cổ, nơi có nhiều khách ghé thăm.

Ban đầu họ không có ý định kinh doanh ăn uống, nhưng dần dần nhận ra khách có nhu cầu nên họ mở dịch vụ theo hướng sử dụng những thứ sẵn có tại gia đình.

Chính vì tổ chức dịch vụ khá manh mún nên dẫn tới tình trạng lộn xộn, vệ sinh môi trường cũng không đảm bảo. Nhưng phải quen, có người sở tại giới thiệu mới được bố trí ăn trưa trong khuôn viên nhà cổ (thường là ngoài vườn).

Chúng tôi đã tổ chức một cuộc tham quan làng cổ Đường Lâm khá thú vị, vì có người quen, chúng tôi được dẫn đến một ngôi nhà cổ, chủ nhà còn để một cái cối xay thóc kiểu xưa cho khách ai muốn thử làm nông dân thì làm.

Bên cạnh việc không có các dịch vụ du lịch, có nhiều ý kiến cho rằng, Đường Lâm đang tự đánh mất dần những giá trị quý báu của mình.

Năm vừa qua, có khoảng 20 ngôi nhà xây mới, trong đó có 5-7 nhà cao tầng nhưng chính quyền và các cơ quan hữu quan vẫn chưa có biện pháp nào xử lý.

Một số hộ dân trong làng cho rằng, các cơ quan công quyền cần có các biện pháp cứng rắn, xử làm gương 1-2 trường hợp thì mới chấm dứt được tình trạng bê tông hóa, cao tầng hóa làng cổ.

Nhà này bán mấy loại rượu cất thủ công khá ngon. Chủ nhà khá tất bật tiếp khách liên tục nhưng rất niềm nở dù không thu phí, không mua gì cũng không sao. Bữa trưa, đoàn ghé một ngôi nhà cổ khác có vườn rộng và ăn tại đó.

Nhưng vì có quá nhiều khách du lịch, những người thực sự có kiến thức về văn hóa, lịch sử của làng lại không nhiều nên tại Đường Lâm bắt đầu xuất hiện những người mời chào hướng dẫn cho khách. Tuy nhiên, trong số “hướng dẫn viên” làng này, nhiều người không am hiểu nên đã có những thông tin không chuẩn về làng cổ.

Người dân chưa biết hết giá trị của làng cổ

Trong khi lượng khách đổ về Đường Lâm ngày một đông thì những dịch vụ ăn theo có thể mang lại nhiều lợi lộc lại đang bị bỏ trống. Nhiều ý kiến cho rằng, với vốn cổ của Đường Lâm thì người dân phải được hưởng lợi. Từ quan điểm này, các gia đình trong làng đều có tâm lý mong đợi sự hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước.

Ông Hùng Sơn cho rằng, có những nguồn lợi lớn từ việc cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch mà bà con ở Đường Lâm chưa biết cách khai thác, tận dụng. Đây chính là lợi thế sẵn có. Các gia đình có dịch vụ du lịch đều có nguồn lợi rất lớn, có ngày thu lời hàng triệu đồng.

Theo ông Sơn, các dịch vụ phục vụ du lịch của Đường Lâm đều còn đang nằm trong thế “tiềm năng”: Sản phẩm lưu niệm không có, chỗ ăn không có, chỗ nghỉ không có… thậm chí thiếu cả nhà vệ sinh (nhà vệ sinh của các nhà cổ đều…theo kiểu “cổ”).

Nếu các gia đình biết cách đầu tư cho các dịch vụ này cùng với việc nâng cao ý thức bảo tồn các công trình và không gian kiến trúc chung của làng thì sẽ phát huy được thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, chưa có gia đình nào lập ra được các kế hoạch kinh doanh lâu dài để có thể mở rộng phục vụ được nhiều đối tượng khách hơn nữa. Khi chúng tôi hỏi về kế hoạch mở rộng hoặc liên kết với các gia đình liền kề thì anh Nguyễn Văn Hùng cho biết vẫn chưa nghĩ tới việc này.

Anh cho rằng, nếu mở rộng mô hình kinh doanh thì sợ mang tiếng là thương mại hoá (?!). Nhiều chủ hộ cũng cho rằng, việc mở rộng các dịch vụ cần có sự hướng dẫn của các cơ quan liên quan, đặc biệt là dịch vụ nghỉ trọ. Họ cho rằng Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư xây dựng khách sạn và nhà nghỉ tại đây.

Khu dịch vụ nên ở bên ngoài làng cổ

Làng cổ Đường Lâm: Gánh nặng của sự quá tải ảnh 2
Giáo sư Hoàng Chương
Giáo sư Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam: Tôi cho rằng, làng cổ hay các di tích cổ nói chung thì không thể gắn liền với hai chữ “phát triển” mà chỉ nên đi kèm với việc “phát huy”.  Những thứ đã đổ vỡ, hỏng, nát tại làng cổ thì cần phục chế lại như cũ.

Việc thu hút được khách du lịch cũng là một cách phát huy tốt nhưng theo tôi thì chỉ nên đưa khách du lịch đến thăm đơn thuần chứ không nên gắn với việc ăn nhậu, mua bán tại đây bởi người ta tìm đến nơi này chính là tìm đến không gian tĩnh lặng cổ xưa.

Tôi đã từng đến Kyoto của Nhật Bản. Tại đó có khoảng 10 di sản thế giới. Tại tất cả các di tích đó, hoàn toàn không có dấu hiệu của sự ăn nhậu.

Thậm chí người ta cũng không cho hút thuốc lá tại các di sản ấy. Các di sản ở Trung Quốc cũng vậy, các khu ẩm thực và dịch vụ đều tách biệt với những phần di sản cần bảo vệ.

Họ có những quy định rất chặt chẽ về việc này. Ở các di sản của họ, khu vực nào để xem, để trưng bày thì nó chỉ có một nhiệm vụ đó chứ không đi kèm các dịch vụ khác.

Vì vậy theo tôi, việc bảo vệ không gian làng cổ Đường Lâm cũng nên theo hướng tách biệt khu dịch vụ khỏi không gian cổ kính của làng. Những phần liên quan đến dịch vụ mua bán, ăn, nghỉ thì nên xây dựng thành một khu vực riêng ở gần làng cổ. Quy hoạch tách biệt như vậy sẽ tránh được các mặt trái của các dịch vụ tác động xấu tới việc bảo tồn di tích.

Đ.Đ ghi

MỚI - NÓNG