'Làng Hollywood' Việt Nam

'Làng Hollywood' Việt Nam
TP - Giới điện ảnh và người dân các xã ngoại thành phía Nam Hà Nội lâu nay gọi làng Tây Mỗ là Hollywood (ngôi nhà của điện ảnh) bởi hầu hết các bộ phim về đề tài nông thôn và chương trình Gặp nhau cuối tuần đã được lấy bối cảnh ở làng.
'Làng Hollywood' Việt Nam ảnh 1
Cảnh trong phim Đất và Người

Nhiều người nông dân ở đây đã trở thành diễn viên chuyên nghiệp của bộ môn nghệ thuật thứ 7.

“Nhà Hollywood” ở “làng Hollywood”

Là người Hà Nội, lâu nay tôi chỉ biết làng Mỗ qua câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương” bởi đây là những làng nghề truyền thống nổi tiếng như dệt lụa, đan lưới, xe chỉ… Vậy mà khi đến đây, tôi vẫn cứ ngỡ ngàng, cứ trầm trồ trước vẻ đẹp thanh bình và cổ kính của làng.

Cổng làng (cổng Phượng) rêu phong với hai hàng chữ Nho to tướng có thể đoán được làng đã có vài trăm năm tuổi. Chui qua chiếc cổng ấy là con đường làng rộng rãi, sạch sẽ, lát gạch đỏ tươi.

Dưới bóng mát tre xanh, bên bờ ao, người già, trẻ con ngồi đan lưới, xe chỉ, quay tơ. Mặc dù có nhiều nhà xây hai, ba tầng nhưng làng vẫn còn nhiều nhà gỗ, nhà cổ trong những khu vườn cam, hồng xiêm trĩu quả. Không ít hộ trong làng có của ăn của để nhờ trồng hoa và cây cảnh.

Giữa làng có một mái đình rất to với những cây bàng hai ba người ôm không xuể. Từ bao đời nay, mái đình được coi là “trái tim” của làng bởi từ đây có 5 con đường gạch tỏa về 5 xóm. Đình cũng là nơi thờ cúng thiêng liêng và thường diễn ra các lễ hội, sinh hoạt của làng. Chả trách, người ta tìm về đây quay phim, chụp ảnh.

Tiếng máy nổ xình xịch bên bờ ao và một nhóm người đang hí húi quay phim trong sân nhà bà Xuyến khiến tôi dừng lại. Trừ hai diễn viên lớn tuổi đang thủ vai, còn lại toàn bộ nhóm làm phim từ đạo diễn, họa sĩ, quay phim, hóa trang đến diễn viên đều rất trẻ. Hỏi ra mới biết, họ là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh đang thực hiện luận án tốt nghiệp thông qua bộ phim truyền hình ngắn “Mùa thứ 6” của sinh viên Phạm Thùy Dương.

Họa sĩ Nguyên Vũ, người đã về Tây Mỗ nhiều lần tìm bối cảnh cho các bộ phim kể: “Hầu như cảnh phim nào chúng tôi cũng phải thực hiện từ một đến hai buổi. Nếu làm phim truyện nhựa thì số người đi theo phục vụ phải gấp đôi, vất vả lắm”.

Nói rồi, Vũ chỉ cho tôi một đống đạo cụ, trang phục mà các anh vừa khênh từ xe máy vào sân như thùng gỗ, chõng tre, cối xay lúa đến dần sàng, nồi đất. Vũ bảo: “Những thứ này chúng tôi xin của bà con trong làng rồi gửi ở nhà bà Yên, nhà Hollywood của làng đấy”.

Từ nhà bà Xuyến lên nhà bà Yên chưa đầy cây số, song có đến ba nhóm làm phim thuộc ba hãng đang thực hiện các cảnh quay. Nhà bà Nuôi không rộng, nhưng lại cao ráo, cổ kính là địa chỉ hấp dẫn của nhóm làm phim Gặp nhau cuối tuần.

Tiếng cười, tiếng vỗ tay rộ lên trong sân. Hai danh hài Minh Vượng và Văn Hiệp ngồi trên chiếc chõng tre có mâm tiết canh lòng lợn đang bốc khói. Có đến vài ba chục người làng đóng vai quần chúng vây quanh các diễn viên. Nghe họ nói, cười và diễn, giữa họ dường như không còn khoảng cách mà đã thân thiết với nhau từ lâu.

Qua đình làng, dễ dàng tìm đến nhà thờ Nghiêm Xuân nằm khuất sau một dãy ao bèo và hàng bằng lăng tím. Nếu như Tây Mỗ là làng Hollywood của giới điện ảnh thì nhà thờ Nghiêm Xuân lại được coi là Hollywood của làng.

Ông Bùi Hữu Hớn, Chủ tịch xã Tây Mỗ kể: Tây Mỗ có tới 8 nhà thờ họ và gần chục đền chùa. Hàng năm, nhà thờ là nơi bà con trong dòng họ tề tựu họp họ, đông chí, chúc thọ hoặc làm lễ phát phần thưởng cho con cháu học giỏi. Đây là làng quê có truyền thống hiếu học. Hiện, làng có tới hơn 800 người có trình độ đại học và trên đại học đang công tác ở mọi miền đất nước.

Dòng họ Trần Đăng lớn nhất làng. Nhà thờ họ cũng rất đẹp với vườn cây, ao cá, cây hoa hải đường hơn 100 năm và có đến một nửa số người có trình độ đại học của làng. Đây cũng là dòng họ đầu tiên tham gia câu lạc bộ thông tin các dòng họ của tổ chức UNESCO.

Không lớn bằng nhà thờ Trần Đăng, nhà thờ Nghiêm Xuân vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm với nhiều hoành phi, câu đối, chạm trổ khá công phu. Bước vào cổng, ngỡ nhà thờ có việc, tôi định quay ra thì một người phụ nữ nhỏ nhắn, phúc hậu chạy ra mở cổng vồn vã: “Cô cứ vào chơi, toàn là diễn viên và anh em quay phim đấy, không phải việc của họ Nghiêm Xuân đâu”.

Rồi bà nói thêm: “Hôm nay là còn ít, chứ nhiều khi có ba, bốn đoàn làm phim cùng về quay, cả trăm người ăn cơm, ngồi kín cả sân này, vui lắm”.

Những “diễn viên chân đất”

Quả đúng như lời chủ nhà, ngoài hơn hai chục chiếc xe máy, một chiếc máy phát điện, còn có vài ba chục người đang ăn cơm trong khu nhà ngang bằng gỗ. Dọc lối đi ra bờ ao, người lớn, trẻ con trong làng túm tụm cười đùa, bàn tán về các vai diễn mà họ vừa tham gia. Hầu hết họ đã tham gia đóng vai quần chúng trong các bộ phim truyện được quay ở làng.

Làm dâu họ Nghiêm Xuân gần 30 năm nay, chồng mất sớm, bà Hoàng Thị Yên (tên người phụ nữ) vừa làm ruộng, chăn nuôi, thờ phụng nhà thờ họ vừa nuôi dạy ba đứa con vào đại học.

Diễn viên Trần Lực, đạo diễn phim truyện “Bác Cả, người sung sướng” kể: “Năm 1997, chúng tôi về các làng quê để tìm bối cảnh cho bộ phim này và cuối cùng đã dừng lại ở Tây Mỗ. Đây là một vùng nông thôn mang đậm màu sắc Việt Nam với những ngôi nhà cổ, nhà thờ lâu đời, những lũy tre xanh, những cây cầu và những người dân mộc mạc, chân chất và hiếu học. Hơn thế, Tây Mỗ lại rất gần Hà Nội, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển máy móc, đạo cụ của đoàn làm phim”.

Đây là bộ phim hay và được hoàn thành trước dự kiến. Thành công của bộ phim có sự đóng góp đáng kể của nhà thờ Nghiêm Xuân với gia phả lâu đời, của những người nông dân thuần khiết, chỉ quen cày ruộng, trồng hoa, dệt lụa và giờ đây đến với môn nghệ thuật thứ 7 như những diễn viên thực thụ.

Diễn viên Đoàn kịch Công an Phùng Kim Thoa tâm sự: “Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề, nhưng tôi hài lòng hơn cả trong những vai diễn quay ở Mỗ bởi nơi đây không chỉ đẹp về cảnh, về nhà mà còn đẹp ở cái tình, cái nghĩa của người làng Mỗ.

Rồi bà kể tiếp: “Có lần chúng tôi quay cảnh ở làng Tó (tỉnh Hà Tây), bị con chủ nhà đuổi té tát. Còn ở đây, mọi người đều cởi mở, thân thiện, ai cũng thích đóng phim và muốn nhà mình được lên phim”.

Gần chục năm qua, hàng loạt phim về đề tài nông thôn như Khi đàn chim trở về, Gái một con; Xuân cồ; Vị tướng tình báo và ba bà vợ… cùng các chương trình Gặp nhau cuối tuần đều lấy bối cảnh ở làng và nhà thờ Nghiêm Xuân đã trở thành mái nhà thân thiết của các đoàn làm phim và bà con chòm xóm.

Cứ như thế, bà Yên đã trở thành người “cấp dưỡng” chuyên nghiệp cho các đoàn làm phim với mỗi suất ăn từ 6.000-7.000 đồng và nhà thờ Nghiêm Xuân trở thành câu lạc bộ phim ảnh với sự tham gia nhiệt tình của người làng từ các cụ già đến trẻ nhỏ.

Bà Yên kể: Ngày đoàn làm phim mới về, thấy lạ, dân làng kéo đến xem đông lắm. Rồi làng mình, ông nọ, bà kia được lên tivi thì ai cũng thích đóng phim và muốn nhà mình có trong phim.

Không ít gia đình có bốn năm người đều đóng phim như nhà chị Thái Đệ, Lan Hiến,  Khuê Tự… Thế nhưng vui nhất, náo nhiệt nhất là những phim có cảnh làm cỗ đám cưới, đám ma, hội họp.

Năm ngoái, bộ phim Đám cưới to nhất làng với 70 mâm cỗ phải huy động gần trăm người đến làm cả đêm mới xong. Bao nhiêu bưởi trong vườn nhà thờ được trẩy hết xuống mà vẫn chưa đủ để làm 70 đĩa xôi giả. Mỗi quả bưởi được bổ làm đôi, úp lên đĩa, đắp một lớp xôi gấc đỏ lên trên trông hệt như thật. Mấy bụi chuối non cũng bị chặt ráo, quấn lá chuối đã hơ nóng làm thành các cây giò lụa. Chú lợn gần 60 ký bị trói gô trên chiếc chõng tre giả vờ chọc tiết. Sợ quá, lợn bỏ ăn mấy ngày rồi lăn đùng ra chết làm bà Yên xót xa lắm.

Tuy vậy, bà vẫn vui vì phim được chiếu cho bàn dân thiên hạ xem. Bây giờ những “công nghệ” làm cỗ như thế chẳng những bà Yên mà hầu hết người dân trong làng đều thành thạo và coi đó như sinh hoạt lễ hội của làng.

Ông Trần Đăng Thụ có ngôi nhà cổ đã lên phim nhiều lần cho biết: “Mỗi cảnh quay, chúng tôi thường được bồi dưỡng vài chục ngàn, đóng vai quần chúng được 10 ngàn. Với người nông dân vài chục ngàn rất quý nhưng quý hơn là niềm vui, niềm tự hào của người dân ở một làng đẹp, có truyền thống văn hóa lâu đời mà được người xem truyền hình biết đến.

Dạo Tết vừa rồi, hai Việt kiều ở Pháp đã tìm về tổ tiên sau khi xem phim trên kênh VTV4. Cty du lịch dầu khí OSC đang có ý định mở tour du lịch nhà vườn tại đây cho du  khách Nhật Bản.

Nhiều người sống xa nhà nhận ra ông bà, bố mẹ trong phim ríu rít gọi điện về. Ông Thụ bảo: “Đó là những giá trị văn hóa phi vật thể không đo đếm được bằng tiền mà không phải làng quê nào cũng  có”.

MỚI - NÓNG