Làng nhạc Hà Nội: Không có chỗ cho người nghe "bình dân"

Làng nhạc Hà Nội: Không có chỗ cho người nghe "bình dân"
Một nhạc sĩ trẻ của Hà Nội đã gây bất ngờ khi nói rằng: mục tiêu của anh là viết nhạc "đại chúng" ở cấp độ hay nhất có thể. Một tuyên ngôn hiếm hoi giữa thời buổi khuynh hướng "hàn lâm" hóa và "dị biệt" hóa...
Làng nhạc Hà Nội: Không có chỗ cho người nghe "bình dân" ảnh 1
Mỹ Linh sắp cho ra mắt "Chat với Mozart"

Hai năm qua được xem là bước khởi sắc của làng nhạc Hà Nội, với liên tiếp những tín hiệu vui đủ khiến dân ghiền nhạc sướng tê người. Mỹ Linh vừa qua Tóc ngắn lại đến Made in Vietnam và nay là Chát với Mozart, khiến người ta kinh ngạc bởi sức làm việc bền bỉ.

Ngọc Anh đánh dấu sự trở lại bằng một liveshow nho nhỏ tại Câu lạc bộ Kính vạn hoa, làm hết thảy khán giả ngỡ ngàng với một loạt ca khúc tự sáng tác ngay trong những ngày lãng đãng cùng âm nhạc Phú Quang.

Lớp trẻ còn tất bật hơn. Sao Mai - Điểm hẹn vừa hạ màn, ngay tức khắc những nhân vật chính đã có mặt trên lộ trình mới.

Album Chạy trốn của Tùng Dương bán hết veo khi chưa kịp ấm chỗ trong các cửa hàng băng, đĩa. Chuồn chuồn ớt Ngọc Khuê với chất giọng vừa mỏng manh, vừa chói chang cũng nỗ lực bay cao và bay xa hơn Bên bờ ao nhà mình. "Họa mi" Khánh Linh, người giành giải ba tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình Sao Mai 2003 với tiếng hót trong vắt ngọt ngào, đang rộn rã cùng những "dự án" âm nhạc với Dương Thụ, Quốc Trung...

Nhưng, gây xôn xao nhất là sự bừng tỉnh của "Nữ hoàng nhạc nhẹ" Thanh Lam sau một thời gian dài im ắng. Giọng ca tưởng đã trút cạn mình ở Mây trắng bay về một lần nữa khiến người ta sửng sốt.

Một Thanh Lam lạ lẫm ở một dòng nhạc khác hẳn. Một Thanh Lam sung sức chưa từng thấy với một loạt album nhạc Trịnh Công Sơn và nhạc Lê Minh Sơn, tạo nên một dấu hỏi lớn hấp dẫn.

Trong bầu không khí âm nhạc sôi nổi ấy, kể cũng lạ đời khi ai đó vẫn than rằng, mình chẳng có gì để nghe. Ấy vậy mà có lý.

Bức tranh âm nhạc Hà Nội tưởng rộn rã sắc màu hóa ra lại chẳng đa màu là mấy. Chát với Mozart, dù ê-kíp thực hiện hứa hẹn "thổi một bầu không khí bình dân vào nhạc Mozart, thì người ta vẫn nghi ngờ về tính đại chúng của nó.

Chạy trốn, Nắng lên, Bên bờ ao nhà mình, Nhật thực... gây ra những cơn sốt thật, nhưng đều thuộc về dòng nhạc dị biệt mà cũng có người gọi là "hàn lâm".

Dân ngoại đạo mua về, đa phần nếu không vì tò mò thì cũng là để làm sang cho thư viện âm nhạc của mình. Bởi những giai điệu không theo một quy luật quen thuộc nào cả, đôi lúc khó nghe, đôi lúc lại khá rắc rối quả là một thách đố với đôi tai người Việt vốn ưa một cái gì đó mượt mà, êm dịu hơn.

Rất lạ là khác với giới nhạc sĩ trong Nam, các nhạc sĩ Hà Nội dường như không tính đến một đối tượng công chúng rộng rãi hơn, "bình dân" hơn.

"Bình dân" là gì? Đó là dân "ngoại đạo", là học sinh, sinh viên, thanh niên. Họ cần một thứ âm nhạc khác với những người am hiểu thực sự về âm nhạc. Vậy nên, không có gì lạ nếu người ta đã và còn tiếp tục đổ xô vào nhạc thị trường, bởi chẳng có gì khác mà nghe.

Cũng không khó hiểu khi Lênh đênh biển và Con đường âm nhạc đầy ắp thanh niên háo hức đến với âm nhạc của Hồng Đăng, Phú Quang, Nguyễn Cường... Nhạc của họ có chút "thị trường" nào đâu, nhưng một thời quyến rũ tất tật mọi tầng lớp khán giả và đến bây giờ vẫn thế.

Vậy nên, những tìm tòi của các nhạc sĩ trẻ Đỗ Bảo, Tường Vân trong một hướng tiếp cận với nhạc "đại chúng" là một nỗ lực đáng quý.

Và trong khi những ca khúc như Bức thư tình thứ nhất, Giấc mơ tình yêu... tiếp tục trở thành của hiếm thì cái tin về một dự án song ca của Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng với nhạc thị trường được phối một cách sang trọng quả là một niềm vui lớn cho những đôi tai "bình dân".

MỚI - NÓNG