Lặng thầm hai nữ đờn trứ danh

Lặng thầm hai nữ đờn trứ danh
TP - Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đặc sắc, mê đắm lòng người vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Xin kể về hai nữ nhạc công cải lương hiếm hoi ở xứ sở cải lương, là con cháu của các nghệ nhân tài tử Nam Bộ.

> Đờn ca tài tử trở thành di sản văn hóa phi vật thể
> Điểm hẹn đờn ca tài tử đầu tiên tại Hà Nội

Nữ đờn trang Như Nguyệt
Nữ đờn trang Như Nguyệt.

Soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Tây Đô, nói rằng, thời buổi cải lương xuống dốc, vắng khán giả nên rất ít ai theo học đờn. Vậy mà bà Đỗ Ngọc Cầm lại theo nghiệp đờn, người phụ nữ duy nhất cầm đờn kìm trong bộ tứ tuyệt của tài tử: kìm, cò, tranh, bầu. Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt theo đờn tranh cũng là nữ nhạc công hiếm hoi. Hai bà đã đem đến cho cải lương ĐBSCL sắc thái lạ, khiến cánh mày râu cũng phải nể, giới đờn ca tài tử ĐBSCL đều quý mến, nể phục. Ông Nhâm Hùng nói thêm, để được tiếng đờn đi vào lòng người phải có hồn. Nó bắt nguồn từ trong máu thịt kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật với văn hoá mới ra được. Vai trò của người đờn góp phần tạo nên đẳng cấp nghề nghiệp cho ca sĩ nhưng ít ai biết đến.

CON CHÁU NGHỆ NHÂN TÀI TỬ

Bà Đỗ Ngọc Cầm, 36 tuổi, ở khu vực 5, phường 1 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là nữ nhạc công duy nhất xưa nay, chơi đờn kìm của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. “Tôi theo nghề do cái nghiệp từ 4 đời ông bà chơi tài tử để lại. Nghề đờn lúc nào cũng trong bóng tối, bạc bẽo chẳng ai biết tới mình nhưng cha mẹ động viên và đam mê nên tôi đeo đuổi”, bà kể.

Ngọc Cầm là con út trong gia đình có 9 người con (7 trai, 2 gái) và cũng là duy nhất nối nghiệp cha, ở xã Phong Thạnh Đông (Giá Rai, Bạc Liêu). Cuộc sống khó khăn, không ruộng đất, bà chỉ học hết lớp 5 rồi theo cha mẹ chèo ghe đi khắp nơi đến Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp để cắt lúa mướn, đào đất kiếm sống. Chính thời gian lênh đênh sông nước này, bà học đờn hát từ cha của mình.

Nữ đờn kìm Ngọc Cầm. ẢNH: HÒA HỘI
Nữ đờn kìm Ngọc Cầm. ẢNH: HÒA HỘI.

Theo lời bà, có hôm nghỉ làm mướn, cùng cha đi biểu diễn đến gần sáng, diễn xong cha con lội bộ gần chục cây số giữa đồng về nhà. Lúc biểu diễn rất hưng phấn, không biết mệt nhưng về tới nhà nằm cả ngày mới dậy được.

Cha của bà là dân tài tử trong máu thịt, thấy con gái mê đờn, muốn con giỏi nghề hơn nên tìm đến người bạn Chung Văn On là bậc thầy của đờn ca để gửi học.

Với sự hướng dẫn của thầy, những âm thanh trầm bổng phím đờn bà Ngọc Cầm tiếp thu nhanh. Bà nhớ lại: “Mỗi khi thầy dạy xong một bài thì tối đó tôi ôm đờn vào mùng luyện, đờn ca một mình cho đến khi thuộc mới ngủ”.

Ông Nguyễn Văn Ngọt, Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Long An, cho biết, bà Như Nguyệt đam mê đờn ca, trưởng thành từ đào tạo của gia đình, không qua trường lớp, bằng cấp nên đồng lương không tương xứng với công sức bỏ ra. Còn đạo diễn Mai Thắm nhận xét: Như Nguyệt được nhiều đồng nghiệp quý mến, cuộc sống khó khăn nhưng vẫn gắn bó với nghề.

Năm 1996, thi đờn ca tài tử giải “Bông lúa vàng” do Đài PT&TH TPHCM tổ chức, bà đoạt giải đặc biệt giọng hát hay. Năm sau Ngọc Cầm đậu vào Đoàn cải lương Hương Tràm ở Cà Mau.

Bà thi đậu ca vọng cổ nhưng nghệ sĩ Minh Đương là Trưởng đoàn phát hiện bà có năng khiếu đặc biệt về đờn kìm nên chuyển bà sang đờn.

Năm 1999, tỉnh Minh Hải tách thành Cà Mau và Bạc Liêu, bà Ngọc Cầm về Đoàn cải lương Cao Văn Lầu.

Nữ nhạc công Nguyễn Thị Nguyệt (Như Nguyệt), 47 tuổi, ở Đoàn nghệ thuật cải lương Long An, cũng là con cháu tài tử. Con út trong gia đình có 5 chị em, duy nhất mình bà mê đờn tranh.

Bà kể: “Lúc 7 tuổi tôi bắt đầu theo cha học đờn hát. Cha dạy bài nào, tôi vừa hát vừa đờn bài đó, mỗi khi cha đi diễn ở đâu thì cho tôi theo, riết rồi mê đờn, đến giờ muốn bỏ cũng không được”. Cha bà là ông Nguyễn Văn Hai nghệ nhân tài tử, chơi thành thạo violon, tranh, cò, trống, từng tham gia Đoàn cải lương Kim Chung, Hương Biển, Sài Gòn. Như Nguyệt học đờn tranh chỉ mấy năm là rành nhiều bài vọng cổ, cải lương. Lên 16 tuổi, Như Nguyệt gia nhập Đoàn cải lương Bông Dừa Trắng, rồi Hàm Luông ở Bến Tre, sau gần 10 năm chuyển sang Đoàn nghệ thuật cải lương Long An.

BUỒN VUI ĐỜI NỮ NHẠC CÔNG

Bà Ngọc Cầm đang sống độc thân, việc đờn cho đoàn hát lương tháng 4,1 triệu đồng. “Rất khó để lo cho cha mẹ, còn cưu mang thêm mấy đứa cháu ở quê đi học vì cha mẹ tụi nó đều nghèo, đến nay 6 đứa tốt nghiệp đại học ra trường rồi, còn lại 2 đứa đang học phổ thông”, bà khẽ thở dài. Ngoài công việc ở đoàn hát, bà vất vả chạy phục vụ đám tiệc để kiếm thêm thu nhập.

Đờn ca tài tử trên thuyền
Đờn ca tài tử trên thuyền.

Chuyện trò về những buồn vui của cái nghiệp quá hiếm hoi nữ giới, bà Ngọc Cầm nhỏ nhẹ: “Trên sân khấu, khán giả chỉ biết ca sĩ. Tiếng đờn để nâng tiếng hát cho ca sĩ thì ngồi trong bóng tối, có mấy ai biết đến ngoài đồng nghiệp. Sau những buổi biểu diễn, tôi thường âm thầm ra về, quen rồi nên cũng không chạnh lòng. Có vài ca sỹ, tôi tập luyện, chỉnh sửa cho từng tiếng khi đạt danh hiệu và nổi tiếng trong làng cải lương rồi thì ít nhớ đến mình, tôi cũng không buồn”.

Cùng tâm trạng, bà Như Nguyệt thủ thỉ: “Có sô diễn, mời ca sỹ đến hát, được khán giả cho tiền thì họ bỏ vô túi, chẳng hề nghĩ đến nhạc công. Thỉnh thoảng cũng có ca sỹ chia lại chút đỉnh cho nhạc công nhưng rất hiếm hoi như phụ nữ mà chơi đờn vậy. Riết cũng hết buồn”. Nhưng có nỗi buồn khác, bà Như Nguyệt muốn quên mà không quên được. Đó là những khi thấy đồng nghiệp nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, hay giải này giải khác. Bà nói: “Đờn chúng tôi đứng đằng sau đem đến danh hiệu cho người khác, có diễn đâu mà có giải thưởng để đủ điều kiện đạt danh hiệu này, danh hiệu kia. Tôi đờn mấy chục năm qua mà chẳng có ai nghĩ tới công lao. Phận mình như con tằm chỉ biết nhả tơ”.

Tuy nhiên, cũng có không ít niềm vui. Bà Như Nguyệt nói: “Nhạc công như người chiến sĩ thầm lặng, được đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác là mãn nguyện. Khi ca sĩ được khán giả tặng hoa thì cũng thấy có mình đóng góp trong đó. Nhất là các anh em nhạc công, nghệ sĩ phần lớn đều tôn trọng nhau, thường hay chia sẻ kinh nghiệm”.

Trò chuyện về đồng nghiệp trong đoàn, bà Như Nguyệt cười thật tươi: “Mấy anh nam thường nói có nữ đờn chung không khí sôi nổi lên, tinh thần anh em hưng phấn, nên thường chia sẻ, giúp đỡ nhau. Mỗi khi có khách kêu phục vụ, người ta cũng hay mời đờn nữ. Đến bữa tiệc, các anh thương còn mời ăn uống trước rồi mới đờn sau. Nhờ vậy, có thêm thu nhập lo cuộc sống”.

Niềm vui lớn nhất đến từ lòng yêu thương của khán giả. Bà Như Nguyệt kể lại câu chuyện cách nay 5 năm mà bà còn nhớ như in. Hôm đó, cả đoàn hơn 20 người đi diễn cải lương phục vụ người dân vùng biên giới ở xã Hưng Điền A (Vĩnh Hưng, Long An).

Tới nơi trời mưa tầm tã, không diễn được, đường lại lầy lội. Cơn mưa kéo dài gần 5 giờ đồng hồ, cả đoàn ngồi co ro trong lạnh lẽo, muỗi cắn. Đột nhiên, người dân xắn quần ôm mùng, mền đến cho mượn. “Cũng vì thế mà tôi cứ đeo đẳng nghiệp đờn, không bỏ được”, bà Như Nguyệt vui vẻ.

Nhưng hỏi về đời sống hiện tại, bà Như Nguyệt lại buồn, nói rằng mong đừng ai hỏi đến chuyện này. Bà nói, mỗi khi nghĩ đến là lòng thắt lại, ngậm ngùi không nói nên lời, nước mắt cứ ứa ra, “vợ chồng tôi vẫn sống trong căn nhà tập thể cũ kỹ, tồi tàn của đoàn hát”.

Niềm hạnh phúc lớn nhất an ủi bà ở chỗ chồng cũng là nhạc công chơi đàn Organ nên hiểu biết, an ủi, sẻ chia. Con gái duy nhất của bà cũng đam mê ca hát. “Nhưng con tôi đang sống với bà ngoại ở Bến Tre, thỉnh thoảng cuối tuần vợ chồng tôi về thăm mẹ và con gái”, bà Như Nguyệt nói.

Cho đến nay, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, cũng như nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân có “đẳng cấp” vẫn chưa thể đưa ra được một phương thức giữ gìn và phát triển bộ môn đờn ca tài tử. Nay Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, có là một cú hích cho quá trình giữ gìn và phát triển?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.