“Làng tôi” - món quà cưới của nhạc sỹ Văn Cao

Nhạc sỹ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nhạc sỹ Văn Cao. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
TP - Tôi hỏi cha tôi: “Bố sáng tác bài “Làng tôi” trong hoàn cảnh nào?”. Trầm ngâm trong giây lát để hồi tưởng lại, ông chậm rãi: “Bố viết bài này tặng cho mẹ con nhân ngày cưới. Chỉ vì cuộc kháng chiến xảy ra sớm hơn dự định nên bố không tổ chức kịp cho mẹ con một đám cưới trang trọng tại Hà Nội, khiến bố cứ ân hận mãi…

Mỗi chúng ta, ai cũng có một làng quê riêng, dù sinh ra hay không sinh và lớn lên ở đó thì tâm hồn chúng ta vẫn luôn luôn nhớ và hướng về nó. Ta nhớ về nó trong mỗi buổi chiều bảng lảng hoàng hôn, trong mỗi buổi sớm vọng vang tiếng gà gáy sáng, trong những ngày tết, ngày lễ… Cái làng bình dị mà thân thương ấy thường hiện về trong ta mỗi khi nghe câu hát:

“Làng tôi xanh bóng tre, Từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung. Đời đang vui, Đồng quê yêu dấu, bóng cau với con thuyền một dòng sông”…

Mùa thu năm 1988, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã mời gia đình nhạc sỹ Văn Cao cùng với chương trình Đêm nhạc Văn Cao do nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng về biểu diễn tại thành phố Nam Định. Lần đầu tiên nhân dân ở thành phố này mới được thưởng thức trọn vẹn, trực tiếp những ca khúc bất hủ của Văn Cao. Sau đêm diễn, một lãnh đạo của tỉnh đã đề nghị ông sáng tác cho quê hương Nam Định một bài hát.

Cha tôi cười: “Bài hát “Làng tôi” chính là tâm huyết của tôi viết cho quê hương đấy”. Đêm ấy, về khách sạn Vị Hoàng, tôi hỏi cha tôi: “Bố sáng tác bài “Làng tôi” trong hoàn cảnh nào?”. Tớp một ngụm rượu, trầm ngâm trong giây lát để hồi tưởng lại, ông chậm rãi: “Bố viết bài này tặng cho mẹ con nhân ngày cưới. Chỉ vì cuộc kháng chiến xảy ra sớm hơn dự định nên bố không tổ chức kịp cho mẹ con một đám cưới trang trọng tại Hà Nội, mẹ con chịu thiệt thòi quá, khiến bố cứ ân hận mãi.

Đám cưới của bố và mẹ được tổ chức đơn giản tại một ngôi nhà dân tại Ba Thá ven sông Đáy, chỉ có vài người bên nhà ngoại còn bên nhà nội không có ai, bố phải ra bến đò đón được mấy người cán bộ của Tổng Công đoàn đi công tác qua nhờ họ đóng hộ làm đại diện của họ nhà trai.

Bài “Làng tôi” là món quà cưới duy nhất bố tặng cho mẹ”. Buông một tiếng thở dài, cha tôi lặng đi trong ít phút rồi mới thủng thẳng kể lại cho tôi về hoàn cảnh ra đời của bài “Làng tôi”.

Đầu năm 1947, sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Văn Cao cùng các văn nghệ sỹ tản cư đi kháng chiến về đóng quản rải rác tại các thôn xóm thuộc huyện Ứng Hòa - Hà Đông. Trong một lần đi công tác, con đò chở ông xuôi trên sông Đáy, hai bên bờ sông rợp bóng tre xanh dưới nắng chiều bảng lảng. Bỗng một hồi chuông từ nhà thờ Ba Thá ngân lên…

Tiếng chuông vọng vang trên bầu trời tím đỏ hoàng hôn, tiếng chuông tỏa lan trên mặt nước hòa trong tiếng mái chèo ì oạp, tiếng chuông run rẩy trên những rặng tre ven sông. Tiếng chuông khiến tâm hồn nhạy cảm của Văn Cao bồi hồi sao xuyến…Tiếng chuông đưa ông về với miền quê thân thương đầy ắp những kỷ niệm…

Thôn Hào Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản – Nam Định quê hương của Văn Cao vẫn còn nằm trong vùng địch tạm chiếm. Ở nơi đó, dưới mái tranh nghèo vẫn còn người mẹ già ngày đêm mong ngóng những đứa con trở về.

Làng quê của Văn Cao cũng có những rặng tre xanh bao phủ, tỏa bóng mát chở che cho lũ trẻ chăn  trâu nô đùa trong những trưa hè oi ả. Quê ông cũng có một dòng sông nhỏ uốn lượn quanh những xóm làng cao vút những hàng cau, chiều chiều những tiếng chuông từ nhà thờ Trình Xuyên ngân nga trên bầu trời hòa quyện cùng tiếng sáo diều vi vu. Những âm thanh, những hình ảnh bình dị đó đã khắc sâu vào tâm trí Văn Cao, theo ông đi suốt cuộc đời. Giờ đây Văn Cao mới thực sự cảm nhận được điều đó…

Một nét nhạc bỗng ngân vang theo nhịp “Từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung...” và hình ảnh “… Bóng cau với con thuyền một dòng sông...” hiện ra trước mắt. Văn Cao lấy vội cây đàn ghi ta trên vai và những nốt nhạc đầu tiên thánh thót rơi trên phím đàn, giai điệu của bài hát âm vang tỏa lan trên dòng sông, giữa một chiều mùa xuân se lạnh.

Bài “Làng tôi”của Văn Cao đã ra đời trong cái mùa xuân đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ. “Làng tôi” theo chân ông, theo chân những người lính Cụ Hồ, những đoàn dân công…trên mọi nẻo đường đất nước.

Tháng 9/1951, tại Đại hôi liên hoan Thanh niên thế giới tổ chức tại Berlin, bài hát “Làng tôi”của Văn Cao cùng bài “Chiều Mátxcơva” của Nga được ban giám khảo đánh giá rất cao, nhưng vì “Làng tôi”có lời ca không phù hợp với tiêu chuẩn khi đó, nên không được giải thưởng, chỉ nhận được bằng khen danh dự.

Cha tôi còn kể thêm, năm 1980, ông được mời sang dự hội thảo âm nhạc tại CHDC Đức. Trong một lần đến thăm một nhà thờ tại thành phố Dresden, bất ngờ Văn Cao được nghe ban nhạc của nhà thờ hòa tấu bài “Làng tôi”, ông cảm động trào nước mắt. Hỏi ra mới biết: “Làng tôi” được một số nhà thờ bên Đức sử dụng thường xuyên trong các buổi khai lễ.

Thời gian cứ trôi đi, cha tôi đã trở về với cõi vĩnh hằng. Tôi chợt nhớ đến một bài thơ của ông:

“Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi/ Rơi/ Như tiếng sỏi/ Trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ/ Còn xanh/Riêng những bài hát/ Còn xanh…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.