Lãng tử đất Cảng

Lãng tử đất Cảng
TP - Cuối tháng 12, Hồ Gươm Audio ra mắt hai VCD ca khúc và hợp xướng của Nguyễn Thụy Kha ở Văn Miếu Quốc Tử Giám: Miền yêu dấu, Tình ca cây cầu. 

Cách đây hơn 20 năm, lần đầu tôi gặp nhà thơ Nguyễn Thụy Kha ở nhà nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng. Căn nhà nhỏ một thời là nơi văn nghệ sĩ lui tới. Khi chén rượu lúc đọc thơ. Khi thì đàn hát khi chờ… lạc rang.

Tôi còn nhớ Nguyễn Thụy Kha sau câu chuyện “cởi áo lính”, bỗng man mác buồn, cầm ghi ta hát một bài về rừng anh vừa viết. 

Từ khi cởi áo lính anh bắt đầu xâm nhập cuộc mưu sinh khác. Làm Tuần tin Thanh niên, cộng tác mảng văn nghệ cho Tiền Phong và biên tập các nội san.

Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo - Nguyễn Thụy Kha có vợ hỗ trợ về tài chính nhưng bản thân anh vẫn chỉ là một nhà thơ làm báo, chọn cái nghèo vật chất để giữ trọn cái giàu có của tâm hồn.

Bây giờ không ít đặc san được hình thành bởi một nhóm cộng sự với một cá nhân phụ trách, có đường hướng độc đáo hấp dẫn người đọc, nhưng thời cuối những năm 80 không hề dễ dàng.

Nguyễn Thụy Kha chủ trương một đặc san có tên là Cửa sổ văn hóa, đội mũ tờ nội san của Trung tâm Phương pháp Câu lạc bộ. Đặc san ra số 1 tôn vinh hai tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh.

Cái gì lạ dễ vấp phải phản ứng. Thế là Thụy Kha lại trở về với công việc của một biên tập viên cần mẫn nhận đồng lương ít ỏi qua ngày. Ít ai hình dung một nhà thơ như Nguyễn Thụy Kha với nhiều bài thơ tình làm nghiêng ngả các thiếu nữ và mệnh phụ, có vóc dáng của một huấn luyện viên thể thao, mặc “bò cả cây”, ga-lăng suốt ngày với bạn hữu lại là “nhà” thứ tư trong bốn “nhà” đã kể.

Anh không nghĩ mình nghèo, càng không đối xử với ai theo cách nghèo, khiến anh nhiều bạn. Giàu vì bạn là một lựa chọn.

Văn nghệ mà thiếu Tạo - Kha thì buồn - câu đùa xuất phát từ chuyện thân nhau của cặp bài trùng Thụy Kha - Trọng Tạo.

Nguyễn Trọng Tạo tài hoa trong thơ - nhạc - họa. Anh kỹ sư thông tin Nguyễn Thụy Kha cũng nhạc - thơ và làm phim chân dung.

Có thể nói những sự kiện âm nhạc của đời sống nếu thiếu bài viết của Nguyễn Thụy Kha coi như thiếu con mắt tri âm.

Con mắt phê bình khiến nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khe khắt cả với bản thân, và lý tính đã làm khó anh trong sáng tác ca khúc nhưng lại hỗ trợ đắc lực trong việc tạo ra những hợp xướng có giá trị.

Nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập “trong ba thứ Nguyễn Thụy Kha có, tôi thích nhất và đánh giá cao nhất những hợp xướng gần đây của hắn”.

Nhiều người nhận xét, nghe những hợp xướng Thiên nhiên , Miền Trung (thơ Hoàng Trần Cương), Quy Nhơn (thơ Văn Cao), Trái tim Dung Quất (thơ Thanh Thảo) “bỗng nhìn Thụy Kha bằng con mắt khác”.

Quy Nhơn đoạt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trái tim Dung Quất đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc ngành Dầu khí.

Thơ Nguyễn Thụy Kha, với tôi là thành tựu, sau các hợp xướng kể trên của anh. Nhưng với nhiều người, thơ chính là chân dung, là chữ “nhà” to nhất trong bốn “nhà” mà người ta gọi anh - nhà thơ, nhà báo, nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ.

Nghe nói, nhiều người mượn Không đề  của Thụy Kha để vận vào mình:

Đưa người yêu qua nhà người 
                                           yêu cũ
Rơi cơn mưa ban trưa
Chợt thấy mình tách làm 
                                      hai nửa
Nửa ướt bây giờ nửa ướt 
                                xa xưa

Hay Bàn tay thứ ba:

Khi em ôm choàng ta
Hai cánh tay ghì xiết
Có bàn tay thứ ba
Vẫy về ai nuối tiếc

Khi em ôm choàng ta
Hai bàn tay ghì xiết
Có bàn tay thứ ba
Nắm tay ai da diết

Khi em xiết ghì ta
Là khi ta đang mất
Có bàn tay thứ ba
Vẫy chào ta vĩnh biệt

MỚI - NÓNG