Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Chờ đỏ lòng

Mừng lễ hội trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều tại Làng VHDL các DTVN. Ảnh: TTD
Mừng lễ hội trỉa lúa của đồng bào Bru - Vân Kiều tại Làng VHDL các DTVN. Ảnh: TTD
TP - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức cuộc làm việc với báo chí tại Đồng Mô, Hà Nội để giải thích về thông tin tiến độ triển khai chậm trễ, thiếu hiệu quả của dự án này. 

Những cái khó

Trời hanh khô chập điện cháy nhà. Gặp cơn lốc nặng thì tốc mái, nhẹ cũng rút bớt chút gianh. “Sửa chữa nhỏ chúng tôi làm ngay. Mất cả mái thì phải có quy trình. Mà giành lợp cũng có mùa, giành phải già, đánh giành mới lợp được” - đại diện ban quản lý giải trình về chuyện nhà cửa có hư hỏng.

Gần đây có thông tin phản ánh các hạng mục công trình của dự án bị bỏ bê. Như nhà người Chứt cháy đã lâu vẫn để chơ vơ, bạt che bị rách. Hay hàng loạt mái của các ngôi nhà bị hư hỏng nặng mà không thấy sửa chữa.

“Ngày 10/4/2014, nhà người Chứt bị cháy. Chúng tôi lập báo cáo trình đề nghị xử lý. Đáng nhẽ đã xử lý cách đây hai tuần nhưng có chương trình đột xuất nên phải dừng lại” - ông Nguyễn Đình Lợi, phó Trưởng ban Quản lý giải thích - “Chúng tôi che bạt để bảo vệ nhưng cứ lốc là rách bạt. Hiện nay một số nhà chưa khai thác hết, đang trong giai đoạn duy tu bảo dưỡng nên bừa bộn, đổ cửa. Nhưng đã xử lý”.

Ông Lâm Văn Khang, một phó trưởng ban khác khẳng định công trình đầu tư nhiều tiền vì mục đích “Đi từ cộng đồng, đến với cộng đồng, đi cùng cộng đồng”. Nên quy trình xây dựng thực hiện cẩn trọng, còn mời nghệ nhân có tiếng tư vấn và đồng bào dân tộc trực tiếp góp ý. Nhà làm toàn bằng vật liệu địa phương, không đinh ốc xi măng sắt thép. Hay ở ý nghĩa, nhưng dở ở kết cấu khó chịu nổi sự khắc nghiệt của nắng gió Đồng Mô.

“Phải có thời gian để thay đổi nhận thức cho đồng bào, không chỉ xóa đói giảm nghèo về cái ăn cái mặc mà còn phải cả về đời sống tinh thần. Có thể bây giờ làng chưa hoàn thiện nhưng chúng tôi quyết làm để dăm chục năm sau hay thế hệ sau này đến Thủ đô Hà Nội muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa 54 dân tộc Việt Nam chỉ cần đến làng".

Ông Hoàng Đức Hậu -Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc

Trước dư luận làng dân tộc mà chẳng thấy có dân tộc, Ban quản lý giải thích: “Một năm cũng chỉ vài ba sự kiện huy động được đồng bào xuống ở, mỗi đợt chừng hơn mười ngày. Tan hội họ lại kéo nhau về. Nhà thì giống thật song đất không phải đất của bà con”. 

Bà con có chỗ ở, được giao lưu văn hóa thôi chưa đủ. Còn phải tính chuyện canh tác. Đồng bào Ê-đê từng mang cả hàng trăm gốc cây café ra trồng nhưng không hợp thổ nhưỡng khí hậu, không sống nổi. Đất rộng, nhà đông nên hễ có vụ gì là ban quản lý lại long tóc gáy lao đi xử lý. “Nếu có bà con dân tộc ở đây sẽ khác đi nhiều. Nhà cửa sẽ sạch sẽ, an toàn hơn nhiều” - đại diện ban quản lý nói.

Làm sao hút khách?

Đại diện báo Nhân Dân nhận định “Công tác quảng bá du lịch còn yếu. Từ chuyện chưa đề nghị triển khai tuyến xe buýt từ trung tâm Hà Nội lên đến việc liên kết với các công ty du lịch lữ hành”. 

Ông Khang giải thích: “Vướng ở khâu kinh phí. Kinh phí 3.200 tỷ mới giải ngân được 30% chỉ đủ làm hạ tầng. Hiện tại đang có đề án xã hội hóa việc khai thác dịch vụ để tạo nguồn thu. Đồng thời sẽ đề nghị thành phố triển khai tuyến xe buýt lên làng vào hai ngày cuối tuần”.
Còn về chuyện liên kết du lịch. Do trong thời điểm còn khai thác cục bộ nên khó thuyết phục được các công ty lữ hành. “Các đại diện công ty khẳng định chỉ cần làng thu hút được khách du lịch thì tự nhiên họ sẽ tự tìm đến đặt vấn đề hợp tác” - ông Khang nói.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Chờ đỏ lòng ảnh 1

Mái nhà bị thủng do lốc

Có thể thấy để hút khách, Ban quản lý còn nhiều việc phải làm. Vào thăm quan nhà sàn lúc này mà không có thuyết minh sẽ thấy cái nào cũng như cái nào. Cùng những gian nhà trống, bếp tro lạnh và số hiện vật ít ỏi - kết quả của mỗi đợt huy động sự kiện, bà con làm và tặng lại làng. 

“Chúng ta mới được cái vỏ và thiếu ruột. Phải có đồng bào hiến tặng sản vật đặc trưng mới nổi bật lên được. Mà đồng bào dân tộc có bộ quần áo họ mặc cả đời, có bộ họ may cả năm nên không dễ hiến tặng” - ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết. 

Chuyện dịch vụ cũng được phóng viên cổng thông tin điện tử Chính Phủ đặt ra. Chưa có hàng quán. Các đoàn khách lên đây như đi picnic. Trải chiếu bãi cỏ, ăn đồ mang theo và tự sinh hoạt văn hóa hát hò.
“Chúng tôi đã có quy chế và bắt đầu triển khai từ giờ đến cuối năm chuẩn bị đầu năm sau chính thức khai thác tổng thể” - ông Khang khẳng định - “Mọi chuyện đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm phục vụ các hoạt động sự kiện lớn sắp tới như tuần lễ Đại đoàn kết ASEAN, Đêm hội đoàn kết Nghị viện Thế giới IPU hay Lễ dâng Y Kathina tại chùa Khmer với hàng nghìn người tham dự”.

Nhờ uy tín của đại đức trụ trì mà hoạt động của chùa Khmer thuộc vào mảng khai thác du lịch mạnh nhất của làng. Nếu có cách nào đó giúp bà con dân tộc ổn định cuộc sống ở đây thì sẽ giải quyết được đồng thời hai vấn đề văn hóa và du lịch.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam mới chỉ khai thác du lịch cục bộ theo hình thức mở cửa tự do không thu phí. Thông tin từ Bộ VH-TT&DL, lượng khách du lịch tăng đều hàng năm. Năm 2014 dự kiến đạt 250.000 lượt khách. Theo ban quản lý thì đây là con số đáng khích lệ với một khu du lịch còn non trẻ.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.