Làng văn Pháp - Một quả bom nổ chậm vừa được kích hoạt

Làng văn Pháp - Một quả bom nổ chậm vừa được kích hoạt
TPCN - Chưa bao giờ, hệ thống giải văn chương phải chịu một cơn địa chấn dữ dội như năm nay. Sau vụ tan đàn xẻ nghé đáng xẩu hổ ở ban giám khảo Fémina ngày 30 tháng mười là sự bùng nổ hãi hùng của quả bom nổ chậm Nhật ký Jacques Brenner (1922 - 2001).
Làng văn Pháp - Một quả bom nổ chậm vừa được kích hoạt ảnh 1
Jacques Brenner trên bìa sách của ông    

Bộ nhật ký này dày 4.000 trang, năm tập, nhưng mới công bố đồng thời hai tập, I (792 trang) và V (752 trang), đầu tháng mười một, vài ngày trước lễ công bố Goncourt, giải quan trọng nhất.

Tác giả hai tập nhật ký từng đinh ninh từ năm 1995: “Chúng ta có thể khẳng định rằng ngày hôm nay không còn nữa trên thương trường bất cứ xuất bản phẩm nào về toàn bộ nhật ký của một nhà văn hiện đại”.

Trái với ý kiến xác đáng đó của một người có thâm niên trong ngành xuất bản, hai tập nhật ký đang nói được in y nguyên, không bị cắt bỏ chút nào.

Một điều đập ngay vào mắt người đọc, là bên cạnh rất nhiều lỗi in ấn (có lẽ do in quá vội), có vô số ghi chú cẩn thận và không sai về tác phẩm và tác giả. Một tò mò lớn là khá nhiều tên tuổi trong làng văn chỉ được ghi lại bằng chữ cái đầu tiên.

Như vậy, có lẽ Jacques Brenner viết cho riêng mình. Ông kiên trì viết liên tục suốt từ 1940 cho đến 1993, nghĩa là cho đến khi không viết được nữa. Tập I (1940 - 1949) với tên Phía nhà Gide đề cập nhiều đến André Gide, nhà văn được ông tôn thờ nhất. Tập V (1980 - 1993), Chuyện bếp núc giải thưởng văn chương.

Tập này đang thu hút không chỉ làng văn mà cả công chúng độc giả rộng rãi. Người đọc đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tất cả cho thấy các giải thưởng văn chương thực chất chỉ là sự  mặc cả ngầm, nhằm thu lợi nhuận tối đa cho mỗi bên liên quan, nghĩa là người đọc bị bóc lột thậm tệ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Hầu như mọi tiểu tiết hậu trường giải thưởng đều được ghi lại cô đúc và đầy đủ. Ví dụ, cho mùa giải 1989, Jacques Brenner có viết trong Chuyện bếp núc văn chương như sau: “Ăn trưa với (Yves) Berger . Ông giảng giải cho tôi về chiến lược mà ông trù liệu để mang Goncourt về cho Vautrin.

Thực tế, ông đã thoả thuận với Gardel. Ông này đã hứa với ông về các phiếu bầu của các thành viên giám khảo của (nhà xuất bản) Seuil, với điều kiện là cho giải Redaunot, các thành viên giám khảo (của nhà xuất bản) Grasset sẽ bầu cho Phillipe Doumec [...].

Năm nay, tôi đã hứa ủng hộ Anger. Thật tai hại: Anger qua đời hồi tháng bảy [...]. Vậy sao không suy tôn Doumec?. Doumec sẽ có phiếu thuận của Ambrière, Brincourt, và hiển nhiên, của Gardel và Estang.

Thêm phiếu của tôi, Doumec sẽ đoạt giải [...]. Tôi nói rằng Bosquet, vốn bầu cho (nhà xuất bản) Gallimard năm ngoái, nhất định sẽ giúp (nhà) Grasset năm nay. Nhưng ông ấy rất gắn bó với  Doubrovsky và hứa sẽ bầu cho Doubrovsky rồi... Ôi, xào xáo giải thưởng văn chương..., thật đáng tởm!”.

Kêu lên vậy thôi, Jacques Brenner vẫn không đủ can đảm rút lui khỏi ban giám khảo Renaudot mà ông được nhận vào từ năm 1980, ít lâu sau khi  làm biên tập viên cho nhà xuất bản Grasset.

Ông thú nhận trong Nhật ký rằng: “Kẻ thù của các ban giám khảo không sai khi nói về các thủ đoạn (của các ban này) và tôi sẽ từ chức ở Renaudot, nếu chính tôi không kiếm được chút lợi nào từ mùa giải thưởng”.

“Chút lợi” đó có vẻ không lớn nhưng cứ “đến hẹn lại lên”: Những bữa ăn thịnh soạn, những tặng phẩm không nhỏ, những bản thảo của mình được in... và sự “trọng vọng” của xã hội.

Biết Jacques Brenner rất thích chó, không ít lần một nhà văn hay chủ xuất bản đã mua tặng ông một con chó quý đúng theo ý ông, thậm chí  tặng một chiếc ghế đặc biệt trên xe con cho chú cún cưng...

Chó vui thì chủ chó hài lòng và ứng viên sẽ được thêm một phiếu. Cho nên, từ nhiều năm, tác giả nào lọt được vào vòng xét thưởng cuối cùng của sáu giải lớn, nếu không trúng giải này thì cũng trúng giải kia.

Goncourt vẫn là ước mơ tha thiết nhất. Có nhà văn phải chờ đợi rất lâu. Đó ví như Francois Weyergans. Theo Chuyện bếp núc giải thưởng văn chương của Jacques Brenner: “... (1983).Garcin tuyên bố: “Mười hôm nữa, ông ấy (F.Weyerrganut) sẽ được tặng Goncourt.

Nếu không sẽ là bê bối”. Thực tế, “Giải (Goncout) về tay Frédérick Tristan”. Về chuyện này, nhà xuất bản Pauvert (công bố bộ Nhật ký đang nói) ghi chú thêm: “Nó (Goncourt) sẽ được trao cho Weyergans, chứ không phải cho Houellebecq, hai mươi hai năm sau, và đây là một vụ ầm ĩ (thực sự)”.

Với Jacques Brenner, lần đầu tiên, chuyện dàn xếp giải thưởng ngầm được đưa ra thanh thiên bạch nhật. Thực tế, nó tồn tại từ lâu rồi, song chỉ là bán tin bán nghi. Được nhắc đến nhiều nhất là “vụ trượt Goncourt ngoạn mục nhất” 1932.

Năm ấy, Đi tận sáng đêm  của Louis - Ferdinand Céline vừa ra mắt đã nhanh chóng thu phục bạn đọc rộng rãi, làm nghiêng ngả giới phê bình. Dĩ nhiên, nó rất cần nhãn hiệu Goncourt. Nghe theo nhiều lời khuyên, Céline tìm cách tiếp cận mười viện sỹ hàn lâm Goncourt, trong đó bốn vị ngồi ở Viện từ Goncourt đầu tiên 1903.

Thậm chí, Viện sỹ Lucien Descaves quá già, ít đến viện và phải bỏ phiếu bằng thư từ 1917. Lúc đầu, hầu như cả mười vị chấp thuận tôn vinh Đi tận sáng đêm. Sau bao năm chỉ bầu từ nhà, Descaves hăm hở đến tận nhà hàng Drouant ở Paris để bỏ phiếu cho Céline.

Song ngay ở vòng đầu, Guy Mazeline với Những con sói đã chiến thắng, tỷ lệ phiếu bầu là 6/3. Descaves nổi đoá mắng chửi “những mưu mô vào giờ phút chót”. Sau đó Đi tận sáng đêm được trao giải Renaudot như một an ủi.

Cho đến giờ, nó vẫn là một trong rất ít tiểu thuyết sáng giá hàng đầu không chỉ của văn học Pháp. Bản thảo viết tay của nó được mua trong một cuộc đấu giá 2002 với giá suýt xoát một triệu USD (tức 15 tỷ tiền Việt). Những con sói thì đã bị quên hẳn.

Có thể hiểu rằng việc “chạy chọt” của Céline không hiệu quả bằng sự “móc ngoặc” kín đáo giữa các thành viên giám khảo của Goncourt và cả của những giải khác, mà tiếng nói cuối cùng thuộc về một nhân vật trong làng xuất bản. Chuyện bếp núc giải thưởng văn chương cho thấy một nhân vật như vậy.

Đó là Yves Berger, giám đốc văn học của nhà Grasset - như đoạn trích Nhật ký bên trên đã dẫn. Ông này đã mất năm 2004. Hiện ai kế tục? Hay cuộc tranh giành vị trí “bố già” vẫn đang tiếp diễn?

Chỉ biết rằng Claude Durand, ông chủ nhà xuất bản Fayard (từng công bố Tiềm năng một hòn đảo của Michel Houellebecq và cầm chắc tiểu thuyết này sẽ được Goncourt 2005) là người liên tiếp tung ra Nhật ký hôm qua và hôm nay của Madeleine Chapsal - gây ra cuộc đổ bể ở giải Fémina - và hai tập Nhật ký của Jacques Brenner.

Việc cho phát nổ quả bom “hẹn giờ” này là một cú đòn thù hay một cuộc tổng công kích dành quyền lực?. Có lẽ ngoài ý muốn của Claude Durand, hai tập Nhật ký của Jacques Brenner hé lộ những điều không thể làm ngơ trong đời sống văn học Pháp nửa sau thế kỷ XX, và kiểu nhà văn đặc biệt như Jacques Brenner.

Ra đời ở Saint - Dié - des - Vosges, ông là con của một quan chức ngân hàng, từng sống ở Rouen. Ngay thời trẻ, dù rất bẽn lẽn, ông đã giao lưu được với nhiều nhà văn lớn đương thời. Rồi ông vào làm trong ngành xuất bản, ông từng viết tiểu thuyết và phê bình văn học, song các tác phẩm đều chìm vào “im lặng đáng sợ”.

Càng về già, ông càng có vẻ khinh khỉnh, tự kỷ ám thị, càng thích chó hơn. Bạn bè vắng dần, tiền nong ít dần, tình xóm giềng phai nhạt dần, ông vẫn âm thầm viết. Ông để lại ba mươi tập bản thảo. Hai tập trong đó, tức tập I và tập V bộ Nhật ký, vừa được in, liền được một số học giả coi là “một mỏ vàng của đời sống văn chương sáu mươi năm cuối thế kỷ” vừa qua.

Buộc phải hèn đi để tồn tại, Jacques Brenner hoá ra vẫn nặng lòng với đời, với văn chương. Tên tuổi ông sẽ đi vào lịch sử văn học. Dường như ông sâu sắc hơn cả Louis Aragon gạo cội.

Bức xúc trước những khuất tất trong việc bình xét Goncourt, cuối năm 1967, Aragon chấp nhận gia nhập Viện hàn lâm Goncourt với hy vọng lớn sẽ làm được cuộc cách mạng ở đây.

Song cũng may, ông sớm nhận ra sự lố bịch trong ước mơ của mình và rút lui khỏi Viện ngay năm sau, để lại cho hậu thế một tiếng cười vui vẻ. Trong lúc chuyện xào nấu giải thưởng văn chương vẫn cứ ‘mỹ miều” mãi mãi mà không ai làm gì được (?) ...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.