“Lão buôn thơ” và những cuốn sách nặng cân

“Lão buôn thơ” và những cuốn sách nặng cân
TP - Sách ba ngàn trang, giấy cực tốt, bìa cứng. Cỡ bốn cân một cuốn. Mà toàn thơ. Tuyển thơ cả ngàn năm. Trang bìa ghi: Ngàn năm thơ Việt, soạn giả Gia Dũng.
“Lão buôn thơ” và những cuốn sách nặng cân ảnh 1
Nhà thơ Gia Dũng

Con người kỳ dị này tự tin: “Thơ tôi chỉ bán cho người yêu thơ, người dạy thơ và người sưu tập thơ thôi. Điện thoại tôi đây. Ai mua tôi đem sách đến tận nơi. Xa thì tôi gửi…”. Mà có phải chỉ mỗi tập mới ấy đâu, rất nhiều, cũng toàn loại nặng ký cả, theo đúng nghĩa đen.

Cái con người ấy, người tự nhận mình “tri âm với dế” ấy là nhà thơ hẳn hoi, nhà thơ Gia Dũng. Gia Dũng từng là lính, từng ra trận và viết những câu thơ lửa cháy mà Bài ca Trường Sơn đã làm nên tên tuổi anh ngày chống Mỹ: Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người. Có có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác...

Ngày về lại đời thường, làm văn nghệ và làm thơ. Nhưng hình như số kiếp anh không quen với cuộc sống đời thường, lại bỏ lên Hà Tuyên (cũ) làm văn nghệ, rồi thì lại bỏ đất ấy về Hà Nội một mình lang thang hai mươi năm làm thơ và làm sách thơ như một cái bệnh - Bệnh yêu thơ.

Khuân thơ về từ bốn phương

Tôi không rành tử vi nhưng hình như ngôi sao nào đó chiếu mệnh anh, đưa đẩy số kiếp anh vận về đường chữ nghĩa. Chả thế mà độc thân, ở nhà trọ và lang thang khắp nước thành lão “ăn mày thơ”. Lão đi đủ cách, tới đủ nơi, hễ nghe ai bảo có người có thơ hay là lão tìm đến.

Lão chọn thơ khá sành. Hễ thơ hay là… xin khuân về Hà Nội. Khuân hai mươi năm, toàn bản thảo viết tay, đánh máy, hoặc xé sách thơ, xé tạp chí in thơ gói ghém đem về cất như hành trang, như bảo vật trong nhà.

Cái nhà khóa im ỉm quanh năm ấy có tác phẩm của vạn tác giả đông tây kim cổ. Gia tài lão đấy. Rồi lão lại lang thang không mệt mỏi. Và cô đơn:

Cho ta dừng bước ngoài hiên vắng
Nghe nhờ tiếng pháo đón nhờ xuân
Mai sớm ta đi Mồng Một Tết
Xuất hành cùng rượu với
Thơ ngâm…

Cái con người sống không nhà ấy vẫn miệt mài làm thơ và… yêu thơ. Lão đã viết những câu thơ buồn đứt ruột:

Có ai biết đêm nay ta đọc Tử
Trăng Mười Tư vỡ vụn ở trên đầu...
Ly rượu đắng rót tràn trăng với gió
Nâng ngang mày ta với
Tử chung đau…

Thơ Gia Dũng bâng khuâng buồn. Một nỗi buồn man mác nhưng không có sầu, không bi quan tuyệt vọng bởi Gia Dũng vốn đa đoan, và chấp nhận tất cả, cả sắc và không.

Sắc sắc không không! Lão sống như một người nghệ sĩ giữa cuộc đời nhiều tiền bạc và lắm đen bạc, lang thang khắp miền nên lão chơi và quen hầu hết người làm thơ. Và vì thế lão có một gia tài đồ sộ thơ Việt để mà làm những tuyển thơ đồ sộ vào bậc nhất… thế gian.

Hai mươi năm về Hà Nội cơm niêu nước lọ ở trọ xóm liều soạn những thi tuyển nghìn trang để bán và tặng… Hai mươi năm với một đời người là khoảng thời gian lớn lắm. Nó đủ để ta có tất cả và mất tất cả. Nó thừa để ta là huy hoàng hay khốn nạn. Gia Dũng thì như là không cần huy hoàng hay khốn nạn.

Lão sống lạc quan giữa tuổi tác và ấm lạnh tình đời. Hai mươi năm đi về giữa thành Tuyên với Hà Nội để giữ lấy nền nếp gia phong, nhưng hồn thì đã gửi ở những trang thơ. Ba vạn trang thơ đã được soạn và in ra, là một thông số nói lên cái vĩ đại của một lão buôn gàn dở nhất thời nay. In thơ mình trăm trang, đi gửi bán chả được rồi đem tặng bạn bè chơi đã là một nỗ lực của nhà thơ.

Đằng này đi in “thiên gia thi” cả Việt và không Việt, cả cổ, cả kim cho người chơi thơ, yêu thơ và rồi lỗ lãi cứ gậm nhấm cái thân xác chàng lính cũ ấy đến tội nghiệp.

Hai mươi năm tuyển thơ Việt, anh chọn thơ hay cho các đề tài: Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ, Thăng Long Hà Nội có Nghìn năm thương nhớ; rồi thì Mười thế kỷ Thơ Thái Bình, Chúng tôi đánh giặc làm thơ; Thơ ca các dân tộc Việt Nam... Chao ôi! Đem số đầu sách ấy chất chồng lên đã thấy cao hơn cả một cái thân người của anh.

Tội nghiệp “lão ăn mày thơ ca” mang tên nhà thơ Gia Dũng. Lão “ăn mày thơ ca” nhưng lão sống bằng nước khoáng, bánh mỳ mua chính bằng mồ hôi của lão.

“Lão buôn thơ” và những cuốn sách nặng cân ảnh 2Hôm nọ có ông tỷ phú đến gạ tài trợ hai trăm triệu và còn mua vài chục bộ, nhưng khi đọc thơ xong chẳng thấy thơ đâu đành gạt tiếc nuối mà rằng “Cảm ơn và xin từ chối tấm lòng yêu mến thơ ca của bạn”. Lại có người đẹp chân dài nhờ chọn một bài, mà thơ nàng thì hàng loại ba, đành... lắc. “Lão buôn thơ” và những cuốn sách nặng cân ảnh 3

Gia Dũng

Nhớ dạo in tuyển thơ Nguyễn Trãi hợp tuyển thơ, tôi đã thấy anh vừa khóc vừa “hoá” cuốn sách dưới chân tượng đài Nguyễn. Anh đương khóc cho nỗi đời oan trái của Nguyễn, hay khói chưa kịp lên mây toả ra cay mắt mà rồi nức nở…

Hai mươi năm lang bạt ấy, lão không làm thơ mà đi tầm thi thiên hạ. Nhưng tôi tin là lão hạnh phúc vì lão thoả mãn được cái ham mê của mình. Lão còn thu hoạch được thêm gì nữa không thì chịu. Có cái tình bè bạn đâu đó. Có cái yêu mến của độc giả thần tượng đâu đó có giời biết. Nhưng cái chí tang bồng thì lão thừa. Vậy là sướng rồi.

Tôi đồ rằng trên đời này, bây giờ đố có ai bỏ một phần đời đi sưu tầm thơ ca Việt rồi về sắp xếp, chọn lọc, thẩm định rồi đi vay tiền, in ra những tuyển tập đồ sộ cỡ… kỷ lục thế giới như Gia Dũng!

“Lão buôn thơ” và những cuốn sách nặng cân ảnh 4
Ký tặng sách cho bạn thơ. Ảnh: Tân Linh

Từ chối cả đại gia lẫn chân dài

Chuyện kể rằng khi anh làm các tuyển tập lớn, nhiều tác giả thơ đến tận tệ xá của anh mà gạ in thơ, có người hứa mua ủng hộ trăm tập, kẻ ưu ái vài trăm triệu đồng cho xuất bản…

Gia Dũng hoặc là đã đọc đã cảm thơ vị ấy rồi thì bảo: Sách này là thơ tuyển mà thơ anh thì chưa hợp nên… thông cảm. Hoặc nói thẳng: Thơ ông chưa có…thơ. Xin lỗi không tuyển được. Có vị quan chức đương nhiệm gạ không được thì dọa. Không sao!

Lần này Gia Dũng làm cái công trình này mới vĩ đại làm sao: Ấy là anh soạn tuyển Ngàn năm thơ Việt sách ngót ba ngàn trang sắp ra. Chuyện về tập thơ vĩ đại nhất mọi thời đại này cũng lắm bi hài. Hàng trăm hội viên một hội chữ nghĩa gọi đến hỏi: “Có tuyển bài nào của tôi không?”.

Gia Dũng nhớ còn hơn cả một cái máy vi tính, rằng “thưa anh bài… cuả anh in ở trang…”; Còn với nhà thơ Y…: “Xin lỗi tôi không chọn được một bài nào” -  “Nhiều tuyển lớn có thơ tôi mà…” - “Xin lỗi, nhưng đây là tuyển do Gia Dũng chọn theo tiêu chí Gia Dũng cơ mà. Anh thông cảm”. 

Một sáng nay tôi mò đến nhà trọ của anh. Lão buôn thơ lại sắp đóng cửa để đi bộ ra nhà in. “Bận quá. Ngàn năm thơ Việt sắp xong. Khoảng Rằm tháng Chạp là có sách. Tôi quên ăn quên ngủ cả tháng cho đứa con này…”.

Trông dáng ấy, mắt ấy, tâm ấy thấy thương lão quá chừng. Kéo lão vào quán đãi chén rượu hai ngàn, tôi đốp luôn:

- Sao anh lại lấy tên Ngàn năm thơ Việt?

- Tôi lấy cái mốc Thăng Long - Đại Việt làm mốc cho tuyển thơ Việt, nghĩa là từ khi có Thăng Long…

- Tiêu chí chọn thơ vào tuyển Ngàn năm thế nào?

- Tiêu chí Gia Dũng. Đó thơ hay và thơ đẹp. Hay thôi thì chưa đủ. Có những bài thơ hay, nhưng không đẹp cả cấu trúc hình tượng và cả ngôn từ. Chọn thơ người tôi chỉ biết có… thơ thôi. Câu đó tôi học cách nói của Hoài Thanh khi chọn thơ trong Thi nhân Việt Nam 70 năm trước…

- Thế nào là thơ hay và đẹp?

- Tôi là người làm thơ. Tôi chưa chắc thơ mình đã hay và đẹp, nhưng tôi biết chọn thơ. Hai mươi năm nay tôi đã làm thế. Bạn đọc chấp nhận. Chọn bằng cả trí tuệ, bằng tình cảm và cả bằng tâm hồn cùng vốn liếng chữ nghĩa một đời…

Tôi tin là đa số bạn đọc, những người yêu thơ đồng tình. Còn không đồng tình thì cũng là chuyện… thường tình. Cả một hội đồng toàn tên tuổi ngồi chọn cả năm mà ra tập xong còn bị báo chí dư luận chê bai lên tiếng, thậm chí có người còn nặng lời mắng mỏ…

Đằng này tôi tự đem cái tên mình, cái tuổi mình nữa, và cả cái tiền mình đi vay mượn ra để làm tuyển tập! Cơ chế Gia Dũng là cơ chế cá nhân. Tôi chịu trách nhiệm trước độc giả, trước người yêu thơ, dạy thơ và trước lịch sử thơ ca.

Chao ôi! Cái lão này gàn thật. Gàn vì người ta mang hàng trăm triệu đến tài trợ để xin in thơ, gàn vì người đẹp đến xin in thơ cũng vẫn lắc. Tiền cũng không lay mà chân dài cũng chả xao xuyến tí nào kể cũng…lạ.

- Bác định bán chác hay nói cho có văn vẻ, “đầu ra” của tập Ngàn năm thơ Việt thế nào?

- Sách ba ngàn trang, giấy cực tốt, bìa cứng. Cỡ bốn cân một cuốn. Giá hơi rẻ: chín trăm chín mươi chín ngàn đồng. Nếu là sách người khác phải triệu rưởi là cái chắc. Nhưng thơ tôi chỉ bán cho người yêu thơ, người dạy thơ và người sưu tập thơ thôi.

Điện thoại tôi đây, 0917888609. Ai mua tôi đem sách đến tận nơi. Xa thì tôi gửi... Hy vọng mỗi thư viện tổng hợp, các bạn sẽ có một cuốn để mà đọc. Ai quá yêu thơ mà ít tiền thì tôi… bán nửa giá thôi. “Cơ chế Gia  Dũng” mà.

- Thoáng!.

- Nói thêm: cuốn thơ Nghìn năm… có thể để ngàn năm sau. Hãy sưu tầm khi sách chưa hết. Đùa thôi, chứ chỉ in năm trăm cuốn đã hết vốn, chả lo phát hành .…

- Sau khi soạn Ngàn năm thơ Việt, anh còn làm tiếp những tuyển thơ chứ?

- Tôi sẽ tiếp tục làm những tuyển thơ. Cho các vùng đất thơ ca, cho những chủ đề thơ ca…Vốn thơ Việt còn nhiều lắm. Tôi sẽ soạn những tuyển thơ đồ sộ và đến khi nào đó tôi ra đi thì úp mặt vào những bản thảo thơ cũng thoả. Nếu bạn bè kịp chôn tôi thì hãy cho tôi nằm trên những bản thảo thơ.  Nhé!

Tôi chả biết nói gì trước lão buôn thơ quá vĩ đại này. Đành nốc cạn ly rồi đèo lão đến nhà in theo yêu cầu…

Hai mươi năm lang bạt, lão không để làm thơ mà để tầm thi thiên hạ. Gàn! Và rồi cái thu hoạch của lão từ những chuyến đi, từ chặng đời sống chết với thơ ca ấy là gì? Có trời mới biết. Người tử tế thì bảo: Thôi thì có tâm có tình với di sản thơ ca Việt, thì rồi trước sau gì cũng có phúc có lộc. Kẻ độc mồm bảo: Dở hơi. Người đa nghi thì bảo lão kiếm bộn đấy!

HN tháng Chạp 2009

MỚI - NÓNG