Lao xao 'danh vọng'

TP - "Đại lộ danh vọng” của Hoollywood hào nhoáng nếu sang phiên bản Việt chắc sẽ được đặt cái tên bình dị hơn: “Tuyến đường ghi danh”, “tuyến đường danh nhân” chẳng hạn. Những ai sẽ được ghi danh ở con đường nằm sát Hồ Gươm?

Đó chắc chắn là những người nổi tiếng trên mọi lĩnh vực đóng góp cho sự phát triển của Hà Nội. Tuy mới dừng ở ý tưởng đề xuất nhưng “đại lộ danh vọng” đã mau chóng thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua, từ người dân bình thường đến những nhân vật có ảnh hưởng.

Cứ thử tưởng tượng nếu có một “đại lộ” kiểu Hoollywood bên Hồ Gươm thì chuyện gì sẽ xảy ra, trước hết trong giới hoạt động văn hóa nghệ thuật?  Có người đã chỉ ra rằng, trong quá khứ chúng ta cũng từng làm công việc vinh danh tiến sỹ trên mai rùa ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, bây giờ vinh danh ngay… dưới đất, liệu có làm các vị được vinh danh buồn? Vinh danh kiểu ấy không hợp tư duy của người Việt. Băn khoăn  này có vẻ  không đáng ngại. Bởi lối nghĩ của người Việt cũng có thể thay đổi. Thực tế đã chứng minh, nhiều người Việt có thể vừa thèm pizza vừa mê nước mắm. Có sao?

Nhưng sẽ không tránh khỏi cuộc cạnh tranh, so kè ngầm giữa những người được vinh danh với nhau hoặc giữa những người chưa được vinh danh với người được vinh danh.

Quan sát những cuộc trao giải thuộc các lĩnh vực văn học nghệ thuật  khác nhau ở nước ta sẽ thấy. Danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân thường xuyên gây  tranh cãi. Gần nhất như chuyện vì sao NSUT Chí Trung trượt danh hiệu NSND mà NSUT Tự Long lại “đỗ”, chẳng hạn. Hay nóng hổi nhất, ngày 20 tháng 2 vừa qua, danh sách những tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đã được công bố. Trong đó, vắng bóng những tên tuổi lớn. Dư luận đặc biệt quan tâm tới trường hợp của hai cố nhà thơ: Xuân Quỳnh và Thu Bồn. Họ đều không có tên trong danh sách đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Đây là hai nhà thơ mà tên tuổi và tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận, tạo những dấu ấn rõ rệt trên thi đàn Việt Nam.

Nhưng hai nhà thơ nổi tiếng hình như lại thiếu giải thưởng theo qui định (giải thưởng trong các cuộc thi do Bộ VH-TT & DL hoặc giải thưởng do các hội văn học nghệ thuật trung ương tổ chức hoặc giải thưởng quốc tế). Mặc dù qui định, hiểu theo đúng nghĩa, là những điều bắt buộc tuân thủ song trong trường hợp cụ thể, cứ áp dụng cứng nhắc những qui định lại nảy sinh bất ổn. Chính những người thân của gia đình cố nhà thơ Xuân Quỳnh cũng phải bức xúc viết thư ngỏ. Ở giải thưởng Nhà nước cũng xảy ra tình trạng tương tự, có những tên tuổi quen thuộc đã “rớt” và những tên tuổi có khi lạ lẫm lại “đậu”, dư luận lao xao.

Cho nên, nếu ý tưởng “đại lộ danh vọng” phiên bản Việt thành công thì người dân không chỉ mất phí mỗi khi đi dạo Hồ Gươm mà còn khổ vì phải  chứng kiến, thậm chí bị lôi kéo vào những cuộc tranh luận không hồi kết quanh “danh vọng”?

MỚI - NÓNG