Lắp thang Sơn Đoòng để “đi” Hải Phòng, Chiềng Mai

Vị trí các dây neo để du khách bám vào đi bộ đoạn dốc 45 độ.
Vị trí các dây neo để du khách bám vào đi bộ đoạn dốc 45 độ.
TP - Việc UBND tỉnh Quảng Bình cho phép Công ty lữ hành Oxalis (Chua Me đất) lắp thang để du khách vượt Bức Tường Việt Nam trong lòng hang Sơn Đoòng đang làm dấy lên lo ngại trong dư luận, giới chuyên gia, cũng như các cơ quan quản lí Nhà nước về những tác động xấu đến hang động lớn nhất thế giới. Vậy thực chất của việc làm này là gì?

Có 55 lỗ khoan vào thạch nhũ

Hang Sơn Đoòng được một nhóm của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh phát hiện và công bố là lớn nhất thế giới vào năm 2009, thông qua người dẫn đường bản địa, có tên Hồ Khanh. Năm 2014, UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Lữ hành Oxalis, có địa chỉ tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) khai thác tour du lịch mạo hiểm Khám phá Sơn Đoòng.

Theo đó, công ty này sẽ đưa khách vào hang Sơn Đoòng bằng đường bộ với thời gian 5 ngày 4 đêm, mức giá 3.000USD. Quy định mỗi tour không quá 10 người và mỗi tháng không quá 8 tour. Trong thời gian 5 ngày 4 đêm, du khách sẽ được ngủ lại trong lòng hang Sơn Đoòng 2 đêm. Với lộ trình này, du khách chỉ đến dưới chân Bức Tường Việt Nam, cao 90m, chắn lối ra cửa sau của hang Sơn Đoòng. Bức tường này, từ chân lên khoảng 25m thẳng đứng, từ đoạn 25m trở đi có độ dốc 45 độ.

Việc khống chế lượng khách vào Sơn Đoòng, nhằm tránh ô nhiễm môi trường, cũng như bảo đảm tính toàn vẹn của hang động lớn nhất thế giới này. Mặc dù giá đi Sơn Đoòng khá cao, nhưng tour này luôn kín chỗ, thậm chí phải đặt trước hàng năm trời.

Ngày 23/3/2017, Công ty Chua Me Đất có tờ trình xin thử nghiệm tour du lịch khám phá Sơn Đoòng, rút ngắn thời gian chỉ còn 4 ngày 3 đêm nhưng vẫn giữ nguyên giá 3.000 USD. Tuy nhiên, để thực hiện được tour này, du khách cần phải vượt Bức Tường Việt Nam để ra cửa sau của Sơn Đoòng, kết thúc chuyến thám hiểm, chứ không quay lại con đường cũ đã đi qua như trước đây.

Để vượt Bức Tường Việt Nam, Công ty Chua Me Đất đưa ra phương án lắp thang để du khách trèo qua và được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận. Theo đó, chiếc thang làm bằng vật liệu inox, có chiều dài 25m, rộng 0,6m, được bắc từ dưới chân Bức Tường Việt Nam lên đến đoạn dốc 45 độ, từ đây du khách sẽ níu vào dây néo để vượt Bức Tường Việt Nam. Để lắp chiếc thang này, người ta phải khoan vào khối nhũ Bức Tường Việt Nam 32 lỗ, rộng 10mm và sâu 100mm để bắt các con ốc cố định, nhằm gắn chiếc thang vào Bức Tường Việt Nam. Ngoài ra, còn có 23 lỗ khoan khác, khoan vào Bức Tường Việt Nam để neo các dây néo, dùng cho du khách vượt bức tường đoạn dốc 45 độ.

Cho đến nay, mọi thủ tục pháp lí để bắc chiếc thang này đều được các ngành chức năng của Quảng Bình chấp thuận. Công ty Chua Me Đất có một bản cam kết đảm bảo môi trường, chứ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường liên quan đến việc lắp đặt chiếc thang này.

Tăng thu để mở và duy trì các đường bay

Thời gian gần đây, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra khiến du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình điêu đứng. Để tăng lượng khách đến với Quảng Bình, tỉnh này đã có nhiều giải pháp quảng bá, kích cầu… đồng thời kêu gọi hãng hàng không Jetstar Pacific mở thêm đường bay Đồng Hới – Hải Phòng, Đồng Hới – Chiềng Mai (Thái Lan). Tuy nhiên, để mở 2 đường bay này, Quảng Bình thỏa thuận, trước mắt phải bù lỗ cho hãng hàng không Jetstar Pacific một khoản tiền nhất định.

Tuyến Đồng Hới – Hải Phòng đã khai thác được hơn 1 tháng nay, và theo cam kết tỉnh Quảng Bình phải bù 5 tỷ đồng cho hãng hàng không Jetstar Pacific để duy trì đường bay này. Còn đường bay Đồng Hới – Chiềng Mai đang làm thủ tục và việc bù lỗ khoảng 10 tỷ đồng. Theo thống kê từ Sở GTVT Quảng Bình, từ khi mở đường bay Đồng Hới – Hải Phòng, chuyến cao nhất đạt 80% ghế, chuyến thấp nhất 22% ghế. Cả tỉnh Quảng Bình và hãng hàng không Jetstar Pacific rất lạc quan về đường bay này, cũng như đường bay Đồng Hới – Chiềng Mai sắp tới.

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, nguồn tiền để bù lỗ cho 2 đường bay nói trên sẽ được xã hội hóa, có nghĩa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn sẽ đóng góp để duy trì đường bay. Trong đó, Công ty Chua Me Đất là một trong các đơn vị cam kết đóng góp số tiền nói trên. Đổi lại, tỉnh Quảng Bình đồng ý cho công ty này tăng lượng du khách vào Sơn Đoòng, bằng việc lắp thang để vượt Bức Tường Việt Nam, rút ngắn thời gian của tour khám phá Sơn Đoòng.

Điều này thể hiện tại thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, liên quan việc chấp thuận thử nghiệm tour khám phá Sơn Đoòng 4 ngày 3 đêm. Thông báo của Văn phòng UBND tỉnh có đoạn: “Đồng ý phương án vượt Bức Tường Việt Nam để thực hiện khai thác thử nghiệm hang Sơn Đoòng theo lộ trình 4 ngày 3 đêm do Công ty Oxalis trình bày. Trong đó, đoạn 25m thẳng đứng cho phép thiết kế lắp thang, đoạn 65m cho phép lắp dây để đi bộ nhưng cần hạn chế tối đa đi trên thạch nhũ…

Công ty Oxalis nộp cho tỉnh 600 USD/khách (bao gồm: dịch vụ môi trường rừng, giám sát tuyến, phí tham quan, các chi phí liên quan khác và chưa bao gồm các nghĩa vụ thuế). Giao Sở Tài chính tham mưu tỉ lệ để lại cho Ban quản lí Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, phần còn lại để dành cho việc bù đắp chi phí mở các đường bay”.

Cho đến nay, mọi thủ tục pháp lí để bắc chiếc thang này đều được các ngành chức năng của Quảng Bình chấp thuận. Công ty Chua Me Đất có một bản cam kết đảm bảo môi trường, chứ không có báo cáo đánh giá tác động môi trường liên quan đến việc lắp đặt chiếc thang này.

MỚI - NÓNG