Lê Chí và thơ

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.
TP - Tôi làm xuất bản, mấy lần bảo Lê Chí làm tuyển tập, anh phản đối. Tôi hỏi vì sao, anh bảo, mình tự biết mình, thương người đọc lắm ông ơi! Thời buổi này ai  đọc thơ mua thơ. Mà không bán được thì…

Trước khi quen nhà thơ Lê Chí tôi luôn luôn nghĩ tính khí người Nam bộ phóng khoáng rộng dài, không có chuyện phải cân đo đong đếm chi li trong mọi chuyện như kiểu đa phần dân Bắc. Lúc quen rồi, chơi thân với anh ngay tại xứ Cà Mau và Cần Thơ, về ở hẳn trong nhà anh cả tháng trời, khi vô miệt vườn, theo anh đi nhậu. Khi ra chợ, cùng đánh đu với bạn bè thơ phú văn chương nhậu nhẹt. Có hôm trắng đêm. Có bữa thấu ngày. Thấy Lê Chí uống rượu dai dẳng, không ồn ào như tôi. Cũng không vội vã tất bật như Nguyễn Trọng Tín. (Tín kêu Lê Chí là chú). Anh lúc nào cũng tà tà điềm tĩnh, chơi với ai cũng cần mẫn chỉn chu. Ngồi với ai cũng ngồi hết chuyện, tàn cuộc. Tôi đi với anh ngày nào cũng “lên bờ xuống ruộng” mà anh thì chỉ cười cười. Nhiều lúc thấy anh chu đáo như bà chị: tỉ mẩn, gọn gàng, chả thấy anh rộng dài phóng túng “nam bộ” chút nào. Anh lo cơm áo gạo tiền cho bạn đi nhậu cũng tỉnh bơ. Nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng tinh tươm, mực thước. Thấy anh ân cần nhiều khi rất ngại, nhưng riết thành quen, thành buông tuồng suồng sã. Có lần tôi hỏi, sao cứ phải kỹ lưỡng quá vậy làm gì. Anh cười, bảo tính trời vậy rồi ông ơi. Có lần kiếm được con lươn to ngang cườm tay, anh bỏ vô bị, tha lên Sài Gòn gọi tôi và Lê Văn Thảo ra “xử”. Anh có cái thú chỉ thích ngồi nhìn bạn bè đánh chén một bữa, rồi lặng lẽ quay về. Ai nói gì tùy ai. Lê Chí nghe và không mấy khi bình luận. Tôi đi Nga, ở chung với anh ba tháng. Ngày ấy người người tất bật lo mua bán, riêng Lê Chí cứ bình chân như vại. Hai anh em tôi cũng đi xem, cũng xáp vô xếp hàng lo mua bàn là may-so nhưng không phải mồ hôi mồ kê như một số bạn. Thế mà lúc về nước cũng đủ “định lượng” mỗi anh mấy thùng như ai. Tôi rất ấn tượng khi ra sân bay rồi, Lê Chí đưa cho tôi mấy phong sô cô la, bảo “đem về cho con bé”. Hồi ấy tôi chưa biết gì việc mua quà cáp, lại càng dốt nát cái khoản sô cô la với lại nước hoa, thế mà ông anh rủ rỉ rù rì lại hóa ra “sành điệu” lo trước cho tôi cả hai thứ. Thật ra, không phải anh ít nói, càng không phải hiền lành, mà có lẽ cái tính cực đoan, đã yêu ai thì yêu chí chết, đố có ai chen ngang được. Anh cần mẫn làm thơ, suy đi tính lại sau những cơn ngẫu hứng. Và sau mỗi bài thơ là cả một chuỗi lặng im. Lặng im chiêm nghiệm. Lặng im vật vã. Lặng im cười cợt. Tự giễu mình. Phức tạp hóa mình. Lâu rồi cả thiên hạ lao vô kinh tế thị trường, riêng Lê Chí trước giờ như một. Không tháo vát thêm một tí nào. Thậm chí còn không rục rịch.

Tôi nhớ hồi nhà văn Nguyễn Linh còn sống, ở Cần Thơ, tôi và Nguyễn Trọng Tín ở trong nhà Lê Chí, nhưng suốt ngày đi nhậu với Nguyễn Linh. Tối tối ba thằng say ngất ngưởng về, anh chị lo cơm nước đậy lồng bàn. Tụi tôi toan ăn cơm nguội. Không anh thì chị lụi cụi hâm nóng đặt lên bàn. Nguyễn Linh vốn là anh cán bộ con nhà “quan to” nên dáng vẻ tự tin, ăn nhậu dông dài, thoải mái, chơi với bạn hết mình. Mỗi lần dẫn tôi vô vườn nhậu chơi với mấy bà chị ở giá, tính tình anh phóng khoáng nhẹ nhàng chu đáo và không chút giữ ý. Anh chị em nhậu với nhau vui “quắc cần câu”. Dường như nước sông là rượu mà cá tôm dưới đìa là cá tôm ao nhà. Chúng tôi chỉ việc ra “xổ” một cái, về giũ qua loa, luộc “tốc hành” đổ lên bàn là nhậu cả buổi. Lê Chí chiều Nguyễn Linh hết cỡ. Cái tật của ba anh nhậu xỉn đòi hỏi đủ chuyện. Khi thì kêu con lịch. Lúc ưa ăn thịt rắn. Khi muốn nhậu ba ba, lúc đòi ba cái trứng vịt ung thum thủm nhậu vô bắt nghiền. Lê Chí coi rù rờ vậy nhưng Nguyễn Linh đòi cái là “ba mươi giây” đáp ứng liền. Không cằn nhằn nói qua nói lại.

Từ hồi về Hà Nội, tôi làm xuất bản, thuận hơn trước nhiều. Tôi nhiều lần gọi Lê Chí, bảo anh lo bản thảo cho tôi làm bộ tuyển thơ Lê Chí làm kỷ niệm cho vui. Anh ậm à ậm ừ.  Mãi tới lần mới rồi, tôi nhắc lại ý muốn, anh mới bảo: Thôi, ông làm tuyển cho anh em khác đi. Mình khi khác. Mình phải thư thư cái đã. Quả tình, tôi hơi bị lúng túng rồi suy đi ngẫm lại, mới  nhận ra. Phải đến cái tuổi nào đó với những cuộc hành trình vào đời sống đầy éo le, trắc trở, mới có được cách từ chối “không phiền ai” giản đơn nhẹ nhàng như thế. Anh là bạn sàn sàn cùng lứa với Nguyễn Linh, Nguyễn Thanh. Mỗi anh đi “R” mỗi khác. Mỗi anh bước chân vào ngôi làng văn chương mỗi cách. Nhưng cả ba anh có chung một cách sống kỹ lưỡng, chỉn chu, sâu nặng và tỉnh bơ. Không náo nhiệt ồn ào, kể cả khi rượu vào lời ra. Cái sự “lời ra” của ba anh cũng cùng có chung một nhịp: chậm, rề rề, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng. Nguyễn Thanh, Nguyễn Linh viết văn xuôi, còn Lê Chí làm thơ. Thơ anh cũng chậm rãi, rề rề, thỉnh thoảng có những câu thơ bột phát, giản dị mà tinh tế giống như bè bạn trang lứa rì rầm tâm đắc trò chuyện “nghiêm trọng”cùng nhau lúc vui buồn.

“Nhớ là trăm sông đổ dồn biển cả, biển và sông triệu con sóng xôn xao vỗ đến vô cùng. Nhớ đến tự khi nào, ngày tháng ấy tôi thì vô phương nhớ…”.

Tôi nằm võng trên sân thượng nhà mình đung đưa, ngẫm nghĩ hoài về những vần thơ “Nhớ” vừa đọc lại của anh mà lòng rạo rực buồn, rạo rực nhớ thương những tháng ngày đã qua trong trăm nỗi vui buồn. Nhớ khuôn mặt khi tươi roi rói, lúc chùng xuống rầu rầu của Nguyễn Thanh. Nhớ cái dáng hào hoa phong trần của Nguyễn Linh. Ồ, thế mà đã mấy chục năm qua rồi nhỉ. Bây giờ Nguyễn Linh đã biến đi đâu mất ở nơi chốn xa xôi tít mù nào đó rồi. Rồi sẽ có ngày lần lượt cánh tôi cũng đến đó. Tôi lục trong mớ thư từ hồi trước Nguyễn Linh hay viết cho tôi. Nét chữ anh thật đẹp, thật dịu dàng, anh nhắc với tôi rằng, "tụi tao, tao và Lê Chí nhớ “mầy” dữ lắm. Mỗi lần nhậu đều nhắc hoài à". Lê  Chí  thì:  “Hạnh phúc gian nan nhưng trọn vẹn cả tấm lòng, trọn vẹn một đời đáng sống…”. Ấy vậy mà rồi hôm nay có lúc tôi chợt quên, chợt xao nhãng, để rồi có lúc vô tình “lẫn lộn những điều cần nhớ cần quên…”.

Lâu rồi cả thiên hạ lao vô kinh tế thị trường, riêng Lê Chí trước giờ như một. Không tháo vát thêm một tí nào. Thậm chí còn không rục rịch.

Trong sáng tác thi ca hay trong đời sống thực, cái mạnh nhất (và có khi cả là cái yếu nhất) của Lê Chí, có lẽ là đức tính chân thật quá. Thật quá đến căng thẳng. Anh có cái nhìn thẳng thấu vào tâm tư (hay nói đúng hơn, anh nhìn thẳng vào trái tim mình, trái tim người). Anh nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người, gợi cho tôi những cảm nhận những gì mà tôi chưa cảm nhận được:  

Lê Chí và thơ ảnh 1

“…nỗi nhớ đã tạc thành bia để ta đọc buổi mai này. Không ai được phép đọc nhanh như kẻ qua đường…”.

Anh nhẹ nhàng vỗ vai bạn khi bạn có ý định thanh minh: “Xin đừng đổ vì bận thương bận nhớ mà…”. Lê Chí là người từng trải, vừa hiền lành đôn hậu, vừa nghiêm túc đến quyết liệt, không du di. Anh giản dị và chất phác đến khó chịu. Anh xuề xoà đến dễ gần, khiến ta không bị mặc cảm, khó chịu trước những lời nhắc nhở khá là ráo riết của anh. Đọc anh, tiếp thu được ở anh cái tình nhiều hơn cái lý, cái sâu lắng hiu hiu buồn của cuộc sống đời thường lúc nào cũng thao thiết chộn rộn trong lòng. Đọc thơ anh ta nhận ra tâm tính anh, vừa thật khó chịu lại dễ ưa. Có thể nhận định anh là người dễ tính nhưng không buông thả, “chịu chơi” nhưng tự biết mình, biết bạn, không ồn ào nhưng cởi mở. Đọc anh khiến tôi cứ phải tự vấn, tự chiêm nghiệm lại mình và lòng tôi không nguôi ngoai khắc khoải, đúng hơn là  không yên.

Anh khẳng định: đã là nhà văn nhà thơ thì phải trong sáng thiệt thà, không ba hoa lắt léo. Với anh, người nghệ sĩ chân chính trước hết phải trung thực với mình, trung thực với lý tưởng của mình, không phải chỉ bằng những diễn văn khẩu hiệu, những lời hứa suông. Mà nghệ sĩ là phải “lấy trái tim mình làm nhiệt kế kiểm tra…”, không phải lúc nào cũng kiểm điểm, đổ lỗi cho nhau mà cần “Tự lòng ta ta phải trả lời…”, "Ở đây không ai được cải chính bằng lời, bởi lời lẽ quanh co đang từng ngày lạm phát…”.

Thực ra, nếu trong cuộc sống chưa từng có sự nói dối thì hà tất anh phải nói tới nó! Đọc tới đây tôi chợt mỉm cười, trộm nghĩ cùng tác giả. Và tôi chợt hình dung thấy có người nhăn trán, hỏi: Lê Chí làm gì mà căng thẳng vậy? Và tôi xin giơ tay trả lời dùm: “Anh là một công dân. Anh là một thi sĩ không hài lòng với chính mình”. Tuy nhiên, anh không chỉ có vậy. Anh còn  là nhà thơ yêu thích thiên nhiên, dễ rung cảm trước thiên nhiên. Và cái rung cảm ấy dội sâu vào tâm tưởng để rồi bật ra thành những liên tưởng tinh tế.

Bài thơ văn xuôi “Nhớ” của anh, trước hết đó là thơ - đồng thời đó là tiếng chuông thức tỉnh một tấm lòng thi sĩ luôn khắc khoải trước những biến động của đời sống nhân dân. Nhưng không vì thế mà anh hoang mang. Anh vững tin vào con người: “Bài hát con người xanh thắm tương lai”.

Tôi xin mượn lời một độc giả của anh, chị Út Loan, trong bữa tiệc trên tầng lầu mất điện giữa thị xã Cà Mau: “Tôi đã đọc tập thơ “trúc trắc” của ông Lê Chí rồi. Ông không nói về ai hết mà tự dằn vặt với mình. Thấy khổ quá, buồn quá và cay đắng quá. Nhưng càng đọc, càng nghĩ thì cũng nghe được”. Theo tôi, đó là lời bình luận chân thành và chính xác nhất. Bởi vì, ngay đề từ của tập thơ, Lê Chí viết: “Thơ là nói hết tấm lòng cho nhau”. Mà nói hết tấm lòng cho nhau cũng là nói hết tấm lòng với chính mình vậy.

Lê Chí là người đầy tự tin của một cá tính trầm ấm, không phô trương nhưng có phần khe khắt. Anh khe khắt quá đã hiện lên rất rõ bản tính nhân hậu, khiêm nhường của anh. Trong thơ, Lê Chí bộc lộ nét tinh tế mà sắc sảo: “có khi nói nhiều quá hóa thành câm” (Thao thức). Anh có tấm lòng trong trắng và thành thật, mộc mạc đơn sơ, nhưng không vì thế mà thô thiển: “nhờ đất và trời - để anh được thành bông hoa nở vào buổi tối” (Thao thức). Anh kể chuyện về một cô sinh viên học dở dang khoa luật, rồi theo học y khoa mới ra trường khi miền Nam giải phóng với một tình cảm vuốt ve, nương nhẹ, trân trọng đến nao lòng. Anh kể với người yêu tâm trạng của mình khi ở nơi xa. Tìm bưu điện gọi điện thoại đường dài. Quả là bây giờ chuyện ấy chỉ cần nháy máy di động một cái, là một chuyện bình thường. Nhưng ngày ấy lại không bình thường chút nào, nhất là  khi mà “nỗi thương nhớ có thể làm đường dây cháy” (Điện thoại đường dài). Bởi anh kể bình dị nên người nghe không chút nghi ngờ. Anh ngẫm về sự kiện hoa quỳnh nở với những liên tưởng thật bất ngờ: “hoa quỳnh nở chỉ vì phải nở - như trẻ sơ sinh chín tháng mười (Hoa quỳnh).

Tôi hình dung ra một Lê Chí cứ đi được một đoạn đường đời lại ngừng lại chiêm nghiệm và ta có cảm giác nhà thơ có một quan niệm quá khắc kỷ với mình, với tình yêu và những khao khát tình cảm… Anh chân thành bộc bạch những ý tưởng và những quan niệm của mình, không dè dặt, không né tránh. Và tôi luôn cảm động với tấm lòng thành thật ấy. Ở miền sông nước mênh mông như đồng bằng sông Cửu Long mới sản sinh ra được vẻ đẹp quyến rũ không cầu kỳ phô trương như vẻ đẹp thơ Lê Chí. Đọc anh sau khi chơi bời với anh, tôi bắt gặp một thi sĩ luôn luôn tự quan sát những ý tưởng, những suy tư và nhìn sâu vào chính bản thân mình.

Thơ mang theo cả mùi khét của khói lửa…

Sống cùng Lê Chí dù không nhiều nhưng tôi cũng tự nhận ra mình. Tôi gặp sự cay đắng của đời tôi, của bè bạn tôi. Tôi hiểu ra phần nào sự nghiệt ngã khôn lường của tình yêu cuộc sống và khát vọng, nhất là thời thế hệ chúng tôi, cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Chúng tôi vui, chúng tôi buồn, chúng tôi suy tư, chúng tôi tự nhận thức, để rồi chúng tôi cùng sống đẹp hơn với thực tại…

Tôi phải tự hạn chế mình để ngưng bút khi viết những lời nhận định về Lê Chí. Nhưng tôi muốn nhắc lại rằng, thơ anh là bản tình ca khắc nghiệt của thế hệ anh, những người vừa bước từ trong “R” ra, còn mang theo mình mùi thơm của  rừng  tràm rừng  đước, mang theo cả mùi khét của khói lửa của chết chóc đau thương ròng rã mấy chục năm chiến trận. Mang theo cả tiếng hát, tiếng khóc và tiếng nấc đau thương của quê hương xứ sở để sống cùng bà con nơi bến chợ, đường làng.    

T.T.Đ

MỚI - NÓNG