Lê Công Thành và những tuyên ngôn nghệ thuật khác người

Lê Công Thành và những tuyên ngôn nghệ thuật khác người
TP - “Làm nghệ thuật, tôi rất xúc động trước cái “Tuyệt đỉnh” và “Tuyệt mật” về vẻ đẹp thân xác của người đàn bà. Tôi cần cái vẻ đẹp mà trong tôi không có. Đó là một nửa của tôi..." (Lê Công Thành, Anne Dubosc ghi)
Lê Công Thành và những tuyên ngôn nghệ thuật khác người ảnh 1
Lê Công Thành 

Tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc (Hà Nội) vừa khai mạc triển lãm Tranh và Tượng của hai vợ chồng họa sĩ Lê Công Thành - Nguyễn Kim Thái (kéo dài từ 11/4 - 26/4/2008).

Triển lãm có vẻ hơi bé. Chỉ có khoảng hơn mười bức tượng và gần bốn chục bức tranh (khổ nhỏ và trung bình) trong hai căn phòng rộng chừng ba chục mét vuông. Nhưng theo Lê Công Thành thì đây là một “tuyên ngôn nghệ thuật” của ông trong lần xuất hiện sau hơn 20 năm im lặng.

Bày tượng trong nhà, với Lê Công Thành là việc bất đắc dĩ, bởi “tượng mà để trong phòng nghĩa là ta đang vô tình giam hãm cái đẹp”, “tác phẩm điêu khắc không phải để nhìn ngắm mà phải để người ta chung sống với nó giữa thiên nhiên rộng lớn”.

Tuy vậy, với ông bà thì việc “giam hãm cái đẹp” này cũng có ý nghĩa riêng không kém phần quan trọng. Nó nói lên sự gắn bó giữa Tranh và Tượng, sự không thể chia tách giữa hai lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, như nhiều người quan niệm. Điêu khắc và hội họa giống như một đôi nam nữ, một cặp vợ chồng vậy.

“…Chúng tôi cảm thấy may mắn vì trải qua hơn 40 năm chung sống, đã vượt qua được những cơn ác mộng của sự xung khắc trong quan hệ vợ chồng, trong quan hệ đồng nghiệp, và vượt qua được cả muôn ngàn điều hỗn loạn và giả tạo đang chất chứa trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Chúng tôi đã có thể trở về lại làm những con người bình thường để vẽ Tranh và nặn Tượng, và lấy đó làm hạnh phúc cho mình”…

Những người có mặt lúc cắt băng khai mạc chắc hẳn sẽ ít nhiều tò mò khi nghe lời phát biểu có phần khác thường của Lê Công Thành. Nhưng trong giới mỹ thuật, chẳng phải ông cũng nổi tiếng với những tuyên ngôn nghệ thuật khác người đấy thôi.

“Làm nghệ thuật, tôi rất xúc động trước cái “Tuyệt đỉnh” và “Tuyệt mật” về vẻ đẹp thân xác của người đàn bà. Tôi cần cái vẻ đẹp mà trong tôi không có. Đó là một nửa của tôi

Nếu tôi tạc tượng về một người đàn ông, trong người đàn ông ấy sẽ có cả vẻ đẹp của người phụ nữ. Tôi muốn đem đến cho thế giới vẻ đẹp của người đàn bà - một nửa hệ trọng của thế giới này”

(Lê Công Thành, Anne Dubosc ghi)

Trước đó một hôm, tôi ngẫu nhiên ngồi cùng ông vì được ông “nhờ” chọn danh sách khách mời đến xem tranh sớm. “Tiêu chuẩn” của ông đưa ra khá lạ lùng: những người ấy không phải là họa sĩ nhưng đã từng vẽ tranh; những người đàn bà đẹp và quan trọng hơn là tất cả họ chỉ “giỏi vừa vừa thôi”.

Bởi vì theo ông, những nghệ sĩ mà “giỏi quá” thì đa phần không mê cũng hâm! “Giá trị của lời nói còn tùy thuộc vào giá trị của những ai nghe những lời nói đó”. Ông muốn mời các vị khách này “xem bệnh cho tranh” của ông trước khi ra mắt công chúng.

Buổi thăm khám hôm ấy không được như ý vì lý do khá đời thường, ông phải làm việc với ông giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc về chương trình buổi lễ sẽ có ngài đại sứ đến dự. Hình như ông không quen với những hoạt động mang tính nghi thức, nên càng có vẻ bối rối khi để khách phải chờ.

Nhà văn Đỗ Chu sau khi dạo quanh một vòng, ngắm nghía khá lâu bức tranh trừu tượng của Lê Công Thành (ngoài tượng, Lê Công Thành bày 5 tranh sơn dầu, số tranh còn lại là của Nguyễn Kim Thái), chắp tay sau lưng, buông gọn lỏn: “Cái này rất đẹp”, rồi lỉnh ra quán nước 15 Hồ Xuân Hương, ăn điếu thuốc lào.

Nhiều năm trước đây tôi từng đến nhà họa sĩ - điêu khắc gia Lê Công Thành để chuyển thư hay đưa một quyển sách nào đó của cha tôi. Ông gày gò, bé nhỏ, nhưng đôi mắt sáng một cách không thường.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn giữ nguyên cảm giác e ngại vì ông quá kiệm lời, vì ông nói quá nhỏ, quá khép kín. Nó giống như cảm giác mình đang làm phiền một ẩn sĩ có những bận tâm lớn lao bằng những điều nhỏ nhặt.

Khi tôi nói ra những băn khoăn ấy thì cha tôi chép miệng: “Ông Thành bảo mình thiền rồi, không muốn gặp người ngoài nữa. Kể cũng lạ”.

Lê Công Thành chỉ chủ động gặp ai đó vì có điều gì đó cần nói, buộc phải nói với họ như một mệnh lệnh được mách bảo qua một kênh tâm linh nào đó.

Sau khi nói xong, ông lại chủ động biến mất, có muốn tìm để hỏi thêm cũng không được. Phải chăng ông chọn một cuộc sống ẩn dật để tự do với những bận tâm nghệ thuật hoặc suy ngẫm những điều mà lý giải thông thường không thể nói hết.

Có người bảo ông kiêu. Có người nói ông lập dị. Riêng điều này tôi biết chắc, những gì đang bày ở triển lãm chỉ là phần nhỏ trong những sáng tạo của ông hơn hai mươi năm qua.

“Nhặt một tảng đá. Đục đẽo cái vỏ ngoài vứt đi. Phần còn lại là điêu khắc. Cuộc đời rộng lớn. Xô bồ. Quên đi những gì không cần thiết. Cái còn lại là sự thật”.

Dẫu có lập dị hay kiêu kỳ thì trước hết ông vẫn là một người lao động bền bỉ với hiệu suất cao. Ông tạo một khoảng cách như vậy với cuộc đời để tự do làm việc, hay người ta vô tình dựng lên một bức tường để ông an toàn núp trong thế giới tranh, tượng lạ lùng của ông? Phải chăng ông là một người độc đoán với chính bản thân và nghệ thuật của mình?

Lê Công Thành sinh năm 1931 tại Đà Nẵng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Năm 1962 học tại trường Đại học Mỹ thuật (Hà Nội), sau đó làm giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội). Vẽ tranh và nặn tượng.

Triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1970.

Năm 1997 và 2004 tổ chức triển lãm tại Pháp.

Nguyễn Kim Thái sinh năm 1943 tại Bắc Ninh.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1972.

Sáng tác chủ yếu trên chất liệu sơn mài, sơn dầu và lụa. Bà từng được nhiều giải thưởng mỹ thuật trong nước.

Năm 1997 và 2004 tổ chức triển lãm tranh tại Pháp.

Tại phòng tranh, nhân lúc ông cao hứng, tôi đem những thắc mắc này hỏi lại. “Đã từ lâu Thành không quen phát biểu trước đám đông… Thành thấy mình chỉ có khả năng Làm, chứ không có khả năng Nói”.

“Những năm vừa qua Thành vẽ trong sự rối loạn và chán nản. Thành chán mình. Đã có lúc Thành muốn rời bỏ cuộc sống này. Nghệ thuật xung quanh mình là giả. Chính Thành cũng giả”.

“Tách điêu khắc và hội họa ra làm hai là một cơn mông muội. Nhưng 5 năm gần đây, Thành đã vượt qua được cơn mông muội ấy và không còn bi thảm như trước. Điêu khắc của Thành đã khớp với hội họa của Thái. Trong tượng của Thành có Thái, trong tranh của Thái đã có Thành”.

Ông bảo mình bây giờ không còn bận tâm tới việc nặn tượng nữa. Ông không còn muốn khám phá thêm điều gì mới mẻ. Giống như một cốc nước đã đầy, nếu đổ thêm vào thì nó sẽ bị tràn ra một cách vô ích. Từ nay ông sẽ chỉ vui chơi trong lĩnh vực nghệ thuật này mà thôi.

Người ta bắt đầu gặp Lê Công Thành ở đâu đó trong thành phố, khi thì trong một quán nước với các cô gái trẻ, khi thì ở triển lãm tranh của những họa sĩ mới xuất hiện. Có lẽ ông đã từ bỏ thế giới tu tại gia để nhập thế. Và triển lãm hôm nay chính là “một phút ngông nghệ thuật” của vợ chồng ông?

Là người ngoại đạo nhưng tôi vẫn cảm được những rạo rực đá trong cô gái, người đàn bà, người mẹ trào lên từ ngực, hông, đùi, vai, tay và những tư thế bản năng, tinh khôi, nguyên thủy qua tượng khỏa thân của Lê Công Thành.

Nó không có chỗ cho sự dung tục bởi vì “tôi không phải là một nghệ sĩ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi. Mà vì nhờ đàn bà mà tôi đã trở thành một con người nghệ sỹ theo nghĩa làm “Người”.

Đầu não đỡ mụ mê, thân xác lại thành người trai trẻ” và “người đàn bà Đẹp, không chỉ đẹp ở khỏa thân, mà còn đẹp ở trí tuệ khôn lường, mà những bậc cao nhân không thể nào có được...” “Khi tôi vẽ, tôi nặn tượng, hay tôi giao hòa với người đàn bà, tôi hiểu hơn những sự thật của cuộc sống”.

Tranh của Nguyễn Kim Thái có hoa, rượu, đàn… nhưng tất cả cũng xoay quanh chủ đề chính là những người phụ nữ, như một hòa hợp tổng thể với tượng. Bà dùng các gam màu không khoa trương mà nhuận sáng.

Những bức tranh mang một vẻ đẹp yên bình, lương thiện khiến lòng ta dịu lại. Nó đem lại cảm giác trú ngụ tin cậy cho những trái tim mệt mỏi, cần được che chở, yêu thương trong sự dâng hiến ấm áp, giản dị, lại không thiếu phần sang quý.

Có thể nói, tại triển lãm này Lê Công Thành và Nguyễn Kim Thái cùng song ca về vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ. Một sự phối hợp của tình nghệ thuật và tình nghệ sĩ không dễ có giữa Tượng và Tranh. 

4/2008

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.