Lê Đình Nguyên & hành trình trâu - rối

Lê Đình Nguyên & hành trình trâu - rối
TP - Trước Lê Đình Nguyên, nhiều họa sỹ đã bị hình ảnh con trâu hấp dẫn, nhưng ít người dám chỉ đi với trâu trong cả sự nghiệp. Lê Đình Nguyên thì khác, anh khai phá lối đi riêng, bằng con đường làm trâu - rối. Và trâu gắn với họa sĩ này đến mức, trong giới người ta gọi anh là Nguyên "Trâu”.

> Một mình một bể… rối nước

Gặp Lê Đình Nguyên, đúng lúc vừa có nhiều bài báo mô tả anh ham mê chơi chó, rồi bị ma ám rất lâm ly kỳ bí. Nào anh đi nhiều chuyến lên mạn ngược để săn lùng chó Mông màu đen huyền đề kép (khiến nhiều người đùa anh là “lái chó”, nào anh cùng gia đình đi nghỉ thì gặp ma giữa lúc tỉnh, về bị suy kiệt suýt chết (nhiều người đùa anh là “ma ám”)…

Anh hơi hoảng, từ chối luôn việc gặp gỡ nhà báo. Phải nói mãi, rằng quan tâm đến anh là vì anh là người làm điêu khắc động gần như duy nhất ở Việt Nam; và vì anh để gần như cả đời để quan tâm đến con trâu, anh mới nghe.

Lăn vào kiếm sống

Lê Đình Nguyên là người đam mê và lợi khẩu, nên nói chuyện với anh rất khó dứt ra, nhưng được cái thú vị, không bị chán. Anh luôn yêu ghét phân minh, thậm chí cực đoan.

Xuân Diệu từng ngậm ngùi “Cơm áo không đùa với khách thơ”, chọn đi trên con đường nghệ thuật nhưng Lê Đình Nguyên tỉnh táo với chuyện cơm áo ngay từ khi còn trẻ.

Anh sợ nghèo, sợ sống kham khổ nên ra trường đã lăn vào kiếm sống. Nguyên nhìn lại quá khứ bằng nụ cười hả hê: “Tôi nhớ, hồi đó chỉ 22 tuổi, sống xông xênh với nghề. Lúc đó tôi đã bán được tác phẩm qua gallery, đó là tranh lụa, mỗi bức tôi thu về chừng 15 ngàn đồng, ăn được khoảng 10 bát phở”.

Nhưng loanh quanh mãi với câu cơm, kiếm phở, chẳng đi đến đâu. Anh tính chuyện về Nhà hát Múa rối, vì “mê rối từ bé”. Một lần thâm nhập xưởng tạo hình, thấy con rối xấu quá, làm theo kiểu rối cạn châu Âu, thiếu bản sắc, mang bán chẳng ai mua.

Họa sỹ trẻ thách thức với đồng nghiệp: “Tôi sẽ làm con rối đẹp hơn”. Một hôm qua chợ, Lê Đình Nguyên trông thấy những trái dừa già, anh nảy ra ý nghĩ làm con rối dừa. Mua luôn ba trái, về nhà anh bắt tay vào công việc.

Ba ngày sau hoàn thành tác phẩm, những con rối đầu bằng sọ dừa, thân bằng ống tre, tay bằng dây thừng, con thổi khèn, con thổi sáo, con ngật ngưỡng cầm chai rượu. Lê Đình Nguyên mang cả ba con rối đi bán.

Vật liệu cho tác phẩm không đáng là bao nhưng mỗi con rối được chủ gallery đặt giá 300 ngàn đồng. Hai ngày sau, đã có người rước đi một tác phẩm, chẳng bao lâu, cả ba con rối đều ra khỏi gallery.

Thay vì vẽ tranh thị trường, Lê Đình Nguyên làm rối, hái tiền. Chưa bao giờ phải vật vã với đói nghèo nhưng có lẽ cái giá của nó là thành công đến với Lê Đình Nguyên khá muộn.

Mối duyên với con trâu

Lê Đình Nguyên & hành trình trâu - rối ảnh 1
 

Những con rối dừa cuối cùng lọt mắt Lê Thiết Cương. Anh làm quen với Lê Đình Nguyên qua mảnh giấy. Ngay hôm sau, Lê Đình Nguyên tới gặp Lê Thiết Cương, được đón tiếp nhiệt tình bằng chai rượu cất kỹ trong gầm giường. Mọi chuyện chỉ dừng ở đó.

Vài năm sau, Lê Thiết Cương đã nổi tiếng, Lê Đình Nguyên chủ động tìm đến nhà, Cương đi vắng, anh ghi lại vài chữ, đưa cho người nhà Cương. Nhưng chờ mãi không thấy Lê Thiết Cương hồi âm, Lê Đình Nguyên không tới nữa.

Quen với Lê Thiết Cương từ những năm 80, khi Cương chưa bán được tranh, mãi tới mười năm sau ngày Lê Thiết Cương nổi tiếng, họ mới gặp lại nhau vô tình trong quán cà phê. Cương bảo, không hề biết Nguyên để lại thư từ. Mối duyên tưởng đứt lại liền.

Ở tuổi không còn trẻ, Lê Đình Nguyên có khát vọng làm một triển lãm cá nhân, sau khi đã chán chê tham gia triển lãm toàn quốc kiểu “phong trào mậu dịch”: “Một họa sỹ không có được triển lãm cá nhân thì vứt, chỉ là vô danh tiểu tốt. Đã là họa sỹ muốn khẳng định mình phải có triển lãm cá nhân”.

Thế nhưng, triển lãm cá nhân cũng giống “dao hai lưỡi”: Nếu thành công sẽ giúp chủ nhân của nó đổi đời và ngược lại. Đã rất nhiều trường hợp xảy ra như thế.

Lê Đình Nguyên dự định làm một triển lãm sắp đặt ngay bên trong khuôn viên gallery 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội, nhà Lê Thiết Cương). Anh định truyền tải thông điệp về sự trống vắng ở nông thôn, khi lực lượng lao động chính đi ra phố, làng quê chỉ còn người già, trẻ con…

Để phục vụ cho ý tưởng ấy, Lê Đình Nguyên phải tạo những con trâu. Khi Cương xem bản vẽ phác thảo trâu của Nguyên đã góp ý: “Tôi ở ngoài nhìn tinh hơn bạn. Bỏ ý tưởng triển lãm đầu đi, làm hết trâu. Cái này hay hơn, phong cách hơn”. Và triển lãm điêu khắc mang tên "Trâu Nguyên" đã ra mắt khán giả vào tháng 1 năm 2010.

Trình làng điêu khắc động

Lê Đình Nguyên tìm được lối đi riêng bằng “Trâu Nguyên”. Nhưng con đường dẫn đến đâu? Trâu của Lê Đình Nguyên không phải dạng trâu chọi hùng dũng mà là con trâu của ruộng đồng. Miền quê khác nhau nhưng trâu nơi đâu chẳng thế, muôn đời vẫn thế.

Vẫn biết một Bùi Xuân Phái mải mê với phố, song phố biến thiên theo thời gian, không gian. Lê Đình Nguyên tự tin: “Tôi không làm con trâu tả thật, tôi làm con trâu theo cái nhìn của tôi”.

Nên mới có “Trâu cầu”, một con trâu dài với nhiều chân, trên lưng trâu là những tổ chim, gợi khát vọng hòa bình. Nguyên hay nói đùa với đồng nghiệp: “Tôi không đi theo đít con trâu”.

Theo anh, nếu cứ loay hoay làm con trâu tả thật sẽ kiệt sức sáng tạo. Vì thế, anh không nặn trâu bốn chân mà nặn trâu trong quan niệm nghệ thuật của anh về hình khối, về chuyển động…

Ở Việt Nam, có lẽ Lê Đình Nguyên là người đầu tiên làm điêu khắc động. Kiểu điêu khắc động của anh cũng lạ lẫm, áp dụng kỹ thuật cơ khí, đưa cả mô tơ điện vào tác phẩm.

Nên trâu của anh không đứng yên mà còn hoạt động rất thú vị, về việc này, tay nghề hàng chục năm làm con rối đã giúp ích Nguyên rất nhiều. Không phải bỗng dưng triển lãm “Trâu Nguyên” khiến nhà điêu khắc nổi tiếng bậc nhất Lê Công Thành phải tham quan tới ba lần.

“Móc trâu từ ký ức tuổi thơ”, là cách Lê Đình Nguyên nói về những tác phẩm điêu khắc của mình. Vẻ ngoài sặc mùi phố thị, ít ai nghĩ Nguyên gắn bó với làng quê.

Câu chuyện anh kể không có điểm dừng là chuyện về thời nhỏ sơ tán, lang bạt qua những vùng quê, sung sướng khi lần đầu trông thấy con trâu đen trũi, sừng vênh vang, niềm vui chăn trâu, cưỡi trâu…

Một trong những tác phẩm đắt khách nhất của Lê Đình Nguyên là Trâu cổng làng, được thai nghén từ ám ảnh tuổi thơ: “Làng bị ném bom, con trâu tên Cơm đêm đó không về, cả nhà ngược xuôi đi tìm, tôi cũng đi theo, mải miết gọi Cơm ơi .

Đến ba giờ sáng, tôi tưởng tìm được Cơm, nhưng chạy lại hóa ra lùm cây, nhìn xuyên qua cổng làng, dưới anh trăng trông giống con Cơm quá”. Nhưng Lê Đình Nguyên không nương tựa hoàn toàn vào cảm xúc khi sáng tác.

Anh cho rằng, chỉ có nghệ thuật nghiệp dư mới làm việc vô thức, phàm đã là giới chuyên nghiệp, việc đầu tiên để sáng tác là có cảm xúc, nhưng dùng lí trí để dẫn dắt cảm xúc đi tới bến.

Nguyên không mấy lăn tăn khi nổi tiếng gõ cửa muộn: “Làm nghệ thuật, không cần ham hố quá chuyện nổi tiếng. Quan trọng là mình có làm hết lòng với nó không, sống chết với nó không và quan trọng nữa là, nghiệp mà mình đang làm có nuôi được mình, nuôi được vợ con không?”.

Về khoản mưu sinh, Lê Đình Nguyên may hơn so với nhiều nghệ sĩ, anh tự tin sống ổn với nghề. Hiện nay, 10 con trâu thật chưa chắc đọ được với một “Trâu Nguyên” về giá trị tiền bạc. Thế nên, “Trâu Nguyên” không về làng quê mà thường theo chân khách ngoại quốc ngao du bốn bể.

Sợ thành thợ vẽ

Nam Cao từng có tuyên ngôn nghệ thuật: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo vài kiểu mẫu đưa cho…”. Trong hội họa, Nguyên cũng luôn nơm nớp nỗi lo thành “người thợ khéo tay”.

Cho nên thay vì vẽ bằng tay phải rất thuận, anh chuyển sang vẽ tay trái, có lúc vẽ bằng chân. Tác phẩm điêu khắc của anh cũng không có vẻ đèm đẹp, nuột nà, nó hút hồn người khác bằng sự hồn nhiên chẳng tốn công che đậy.

Lê Đình Nguyên & hành trình trâu - rối ảnh 2
 

Sẽ có triển lãm điêu khắc “Trâu Nguyên 2”, đề cập sự ảnh hưởng mang tính tích cực của văn minh phương Tây khi du nhập vào Việt Nam thời kỳ đầu. Tại triển lãm này Lê Đình Nguyên trổ tài hô biến nhiều đồ vật của văn minh phương Tây thành trâu.

Không biết phục ai, là kẻ ngu ngốc

Lê Đình Nguyên & hành trình trâu - rối ảnh 3
 

Lê Đình Nguyên đề cao phong cách. Trong âm nhạc anh thích phong cách nhạc sỹ Lê Minh Sơn: “Phong cách riêng phải lạ hoắc, cá tính rõ rệt”. Nguyên khoái quan niệm của họa sỹ Thành Chương: Chỉ đứng từ xa, chưa nhìn chữ ký đã biết tác giả bức tranh là ai. Ấy là phong cách. Anh tự tin, nhìn trâu là biết ngay Lê Đình Nguyên.

Hiếm nghệ sỹ nào nói về đồng nghiệp với lời lẽ trân trọng như Lê Đình Nguyên. Anh bày tỏ: “Tôi cho rằng đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, trí tuệ nữa, không biết phục ai là kẻ ngu ngốc. Đến danh họa số 1 thế giới Picasso còn biết phục đồng nghiệp, khi họ có bức tranh đẹp”.

Nguyên phản đối ý kiến cho rằng, văn học nghệ thuật không có đáp số nên phục nhau không dễ: “Nói thế chỉ là bao biện thôi. Đặt hai bức tranh của hai tác giả, đẹp, xấu phải biết chứ”. Trong nghề, Lê Đình Nguyên phục nhiều người: Lê Công Thành, Thành Chương, Lê Thiết Cương, Lê Quảng Hà...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.