Lê Hoàng và sức mạnh của sự im lặng

Lê Hoàng và sức mạnh của sự im lặng
Thời gian vừa qua, đạo diễn Lê Hoàng liên tục hứng những thông tin phê bình từ báo chí và đồng nghiệp. Trước những luồng dư luận đó, đạo diễn nổi tiếng "ghê gớm" này đã cho rằng: "Tôi nghĩ, hãy im lặng và làm việc, đó là câu trả lời tốt nhất".

Mấy năm gần đây, kể từ khi  phim "Gái nhảy" của Lê Hoàng được đặt làm cột mốc cho sự trở lại của dòng phim thương mại thì chả cái Tết nào anh được yên thân. Dư luận khen cũng nhiều mà chê cũng không ít.

Năm nay, các diễn đàn còn giật tít "Sự giãy giụa của dòng phim Lê Hoàng", nghe là đã thấy sự mỉa mai. Thế mà ông đạo diễn đanh đá vẫn cười rất tươi, tiếp tục viết kịch bản sân khấu, chuẩn bị làm tiếp một bộ phim nhựa và đứng ngoài những đàm tiếu. Bài học lớn mà anh học được sau nhiều năm… tranh cãi, ấy là sức mạnh của sự im lặng.

Nhìn lại thì Lê Hoàng vẫn là gương mặt nổi bật trong thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam, những người đang ở tuổi sung sức nhất, vừa tích đủ kinh nghiệm, vừa hiểu được thế nào là "liệu cơm gắp mắm" và không quá già nua để làm phim chỉ biết hướng đến đề tài chiến tranh.

Với cả chục bộ phim nhựa, từ những phim đầu tiên như "Vị đắng tình yêu 2", "Băng qua bóng tối", "Lương tâm bé bỏng"… cho đến những bộ phim thời kỳ đỉnh cao của Lê Hoàng theo nhận định của giới chuyên môn như "Lưỡi dao", "Chiếc chìa khóa vàng", "Ai xuôi vạn lý"… và thời kỳ sau này của dòng phim… nhảy với "Gái nhảy", "Lọ lem hè phố", "Nữ tướng cướp" và "Trai nhảy"… Lê Hoàng  dường như không tự phụ khi nói về"cuộc chơi quần quật" của mình trong suốt hơn 15 năm qua.

Ai cũng có quyền đưa tác phẩm điện ảnh ra để mổ xẻ, giới đạo diễn thì càng có lý do đem phim của bạn mình lên bàn nhậu, có quá nhiều thứ để nhận xét và chê trách, khi mà cả sức người và sức của đều phải chắp vá, tùng tiệm để cho phim được vuông tròn, chờ ngày cấp giấy khai sinh.

Làm phim ở Việt Nam như đi trên dây và không phải ai cũng có đủ niềm tin để được giao phim, có những đạo diễn cả đời vẫn chưa hoàn thành một bộ phim. Và có những bộ phim vĩnh viễn không bao giờ gặp mặt khán giả.

Số lượng không phải là thước đo tài năng của một đạo diễn, nhưng nó là một cách để nhìn xem một đạo diễn đã làm việc như thế nào và đã làm được điều gì cho điện ảnh. Vào thời điểm phim thương mại của dòng phim tư nhân trở lại như vài ba năm qua, số lượng phim còn thể hiện niềm tin của các ông chủ phim khi quyết định mở hầu bao mời gọi người tài năng để bán được một phim hấp dẫn cho khán giả.

Lê Hoàng có thể nói vừa là người may mắn nhưng cũng có thể là người phù hợp với thời cuộc. Hay nói cách khác, vị đạo diễn này đã biết mặc những cái áo vừa vặn với tạng người của mình.

Thế nhưng, người ta đã không tiếc lời để phê phán những bộ phim của Lê Hoàng. Vị đạo diễn này đã có lúc lên tiếng. Nhưng rồi hiểu mình sẽ không thể đối thoại với những người cố tình không chịu hiểu mình, anh lại tiếp tục làm việc, viết kịch bản và đạo diễn tác phẩm của mình, làm kịch bản sân khấu và viết báo. Viết báo vừa là công việc kiếm sống nhưng cũng là cách để Lê Hoàng bày tỏ quan điểm của mình.

Lê Hoàng đã từng viết trên báo rằng: "Tôi không phải anh hùng. Dù cái chết về tinh thần của mình làm cây đời nở hoa thì tôi vẫn sợ. Nếu được chọn giữa yêu và ghét, tôi vội vã chọn yêu. Nhưng khốn thay cho tôi và may cho nghệ thuật, tôi lấy đâu ra quyền lựa chọn. Vậy nên tôi quyết định: nếu không được yêu cho thắm thiết, hãy được ghét cho cẩn thận. Điện ảnh đã dạy tôi rằng mọi thứ nửa mùa đều nhàm chán".

Mới đây, lại có người công khai lên một tờ báo điện tử mỉa mai Lê Hoàng không tiếc lời. Ông đạo diễn này điềm nhiên: "Tôi đã quá nhàm chán với những gì người ta nói, tôi chỉ muốn xem người ta làm được những gì mà thôi. Người mỉa mai tôi là người chưa có nổi một tác phẩm sân khấu ra hồn, vậy thì lời nói đó có giá trị gì không?

Còn tôi, thử hỏi đã có mấy ai có vở diễn mà được dựng trong suốt 20 năm như "Ngụ ngôn năm 2000" của tôi không? Hãy thử xem một năm tôi làm bao nhiêu công việc và những công việc đó phục vụ được bao nhiêu con người? Tôi nghĩ, hãy im lặng và làm việc, đó là câu trả lời tốt nhất".

Thế nhưng, không phải ai cũng đủ bản lĩnh như Lê Hoàng để không ồn ào lên sau những lời phê bình. Ở Việt Nam, gan rất to mới dám mang cái nghiệp phê bình, vì chắc chắn sẽ chịu thiệt nhiều hơn được yêu. Nghệ sỹ tự ái cao và cũng mang nhiều ảo tưởng. Và hơn thế, cảm giác như làng văn nghệ một năm chỉ có vài sự kiện đáng chú ý.

Người ta lấy đó để làm nơi bàn tán nhiều hơn là để làm việc. Người làm thì ít, người bàn tán xung quanh nó thì nhiều. Người bàn ra, người tán vào, tất cả là một vòng xoáy những câu chuyện không có hồi kết.

Theo Thiên Lương
An Ninh Thế Giới

MỚI - NÓNG