Lễ hội Đền Hùng: Hấp dẫn từ chiều sâu văn hóa

Lễ hội Đền Hùng: Hấp dẫn từ chiều sâu văn hóa
Liên hoan múa rối khai cuộc giữa không gian mênh mông của một lễ hội lớn, nhưng hóa ra lại không bị chìm đi những trò chơi, trò diễn khác.

Người trung du xem di sản đồng bằng

Người trung du nô nức đứng quanh thuỷ đình theo dõi tích trò Vua Hùng kén rể của phường rối Nhân Hoà (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), cũng là cái cốt voi chín ngà, gà chính cựa, ngựa chín hồng mao… ngàn đời quen thuộc  đấy, nhưng được thể hiện bằng cả kịch bản hẳn hoi, qua làn điệu chèo và những con rối bằng gỗ.

Đem rối nước về một vùng quê không có rối nước liệu độ hấp dẫn đến   đâu? Ông Văn Sử - Nguyên là chuyên gia múa rối của Cục NTBD (Bộ VHTT) - nói: "Rất hợp, rất đắc địa. Bởi rối nước phù hợp với không khí hội hè, sinh ra từ hội hè. Đây là vinh dự cho các phường rối dân gian, và chúng ta có thêm cơ hội để quảng bá cho rối nước."

Bánh giầy - giã và diễn

Phải thừa nhận rằng trong hàng loạt hoạt động trình nghề thì giã bánh giầy, gói   bánh chưng đậm chất bản địa nhất tại Phú Thọ. Để hoàn thành mâm bánh giầy ngon và bắt mắt, lại gói gọn trong khoảng 25-30 phút, phải trải qua cả quy trình nghiêm ngặt: làm cối, ngâm gạo, thổi xôi, giã bánh, nặn bánh.

Cối giã làm bằng mo cau đan vào nhau và chày giã bánh cũng bịt bằng mo cau, sau đó người thợ lấy lòng đỏ trứng gà luộc chín trộn lẫn rượu và bôi vào chày để chống dính, cũng có vùng dùng dầu trẩu, nhưng không phổ biến như cách thức kia. Gạo nếp ngâm kỹ và đãi sạch, xôi vừa chín tới thì đổ vào cối. 2 thanh niên trong vai nghĩa sĩ tráng kiện dùng chày thúc vào khoảng 6 phút là đã được bánh giầy. Khi ra trận, nghĩa quân nhận bánh làm lương khô, bánh lại gói bằng mo cau, khỏi bận tâm sợ hỏng nếu phải xài trong một tuần.

Cổ vật Đền Hùng - sẽ sánh với Thăng Long và Thiên Trường?

Đó là cảm giác của chúng tôi khi vào thăm cuộc trưng bày Tinh hoa cổ vật diễn ra tại Bảo tàng Phú Thọ. Trong tổng số 700 hiện vật do Bảo tàng Phú Thọ, nhà sưu tập tư nhân và Bảo tàng Lịch sử VN góp sức thì lượng cổ vật mà 12 nhà sưu tập tư nhân mang đến cho cuộc này là rất đáng kể.

300 cổ vật của họ không gói gọn trong những niên đại hay địa điểm khai quật khảo cổ học thuộc tỉnh Phú Thọ mà không ngừng mở rộng ra. Những chiếc bình tỳ bà,  bát, chén thế kỷ 14-15 bằng gốm men trắng vẽ lam, những thạp, âu, bát bằng gốm men nâu, men ngọc, men xanh lục, hoa nâu có từ thế kỷ 11-14…

Đại diện Bảo tàng Phú Thọ cho biết: “Đây là lần đầu tiên họ tham gia một cuộc trưng bày. Người chơi cổ vật ở Phú Thọ, nhất là Việt Trì, ngày càng đông, lượng cổ vật lớn”. Thêm một điều đặc biệt ở đây: Hóa ra đồ đồng không phải là thế mạnh, mà chính là đồ gốm. 

MỚI - NÓNG