Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa quốc gia

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa quốc gia
TP - Sáng 21/2, UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, kỷ niệm 225 năm ngày mất đại danh y Lê Hữu Trác.

Dự lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và đông đảo bà con nhân dân huyện Hương Sơn. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm 1720, mất năm 1791.

Dù sinh ra tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông lại gắn bó ở quê mẹ là thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Là người có đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, ông còn là tấm gương sáng về y đức, y đạo, y thuật để người đời noi theo, hiện thân của một nhân cách lớn về lòng cương trực, chí khí thanh cao, được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Vào rằm tháng Giêng hàng năm, ngày mất của ông, nhân dân cùng những người công tác trong nghề y lại tề tựu về khu mộ và nhà thờ đại danh y (tại xã Sơn Quang và Sơn Trung - Hương Sơn) dự lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông. Đây là một hoạt động tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Cuối  năm 2015, Bộ VHTT&DL đã có quyết định công nhận Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.