Lê Hùng “lạ hóa” sân khấu bằng ngôn ngữ hình thể

Lê Hùng “lạ hóa” sân khấu bằng ngôn ngữ hình thể
TP - Lê Hùng "lạ hóa" sân khấu bằng cách làm cho diễn viên càng ít nói lời kịch càng tốt, để tập trung hầu như hoàn toàn vào việc biểu đạt nhân vật bằng ngôn ngữ hình thể...
Lê Hùng “lạ hóa” sân khấu bằng ngôn ngữ hình thể ảnh 1

Một cảnh trong “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử. Ảnh: N.Đ.Toán

1. Khi xem trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ một cảnh rất nóng trong vở “Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mạc Tử”, với ba nhân vật nàng trăng bỗng xé toạc vầng trăng (bằng giấy, tất nhiên), bước ra, thân thể che chắn hững hờ vài mảnh trăng xé vội, da thịt gần như để trần ngời ngợi nõn nường trong ánh sáng trắng, có người nghi ngại hỏi có phải Lê Hùng chịu ảnh hưởng Hàn Quốc trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế- Hà Nội 2002: vở “Nghiệp chướng” cảnh nóng “ngực trần”, được coi là bạo tay nhất trong giải nhất LH. “Đương sự” cao ngạo: “Tôi có thói xấu là chẳng xem ai đạo diễn”.

Khi Lê Hùng tuyên bố xanh rờn: “Một trăm phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử của tôi, giá vé 50 đôla Mỹ và không dành cho khán giả dưới 16 tuổi”, dường như chẳng mấy ai lấy thế làm điều, đồng thời cũng hiểu, đó là chiêu tiếp thị cũng rất Lê Hùng. Thực tế công diễn hàng chục buổi trong tháng 7-8/2006 ở Hà Nội, giá vé hạng nhất là 100.000 đồng...

2. Cái mới nhất của Lê Hùng trong vở diễn này là sự mới lạ về ngôn ngữ đạo diễn. Kịch nói - với mặc định của thể loại là nói, nên ngôn ngữ hình thể của diễn viên thường bị đẩy lùi xuống hàng thứ hai.

Trong thực tế, có nhiều kịch bản rậm lời đến mức, chỉ thấy diễn viên nói, còn động tác hình thể sân khấu có khi chỉ minh hoạ sống sít cho nói mà thôi.

Thay vì xử lý một văn bản kịch nói, vốn là văn bản đối thoại theo lối thông thường, đạo diễn muốn đổi cách: Làm cho diễn viên càng ít nói lời kịch càng tốt, để tập trung hầu như hoàn toàn vào việc biểu đạt nhân vật bằng ngôn ngữ hình thể.

Văn bản kịch của Phan Cao Toại vốn khá rậm lời. Và Hàn Mặc Tử, nhân vật chính của vở kịch lại là một trong những thi sĩ sáng giá nhất của Thơ Mới những năm 30 của thế kỉ XX, với một thế giới thơ lộng lẫy, kì ảo không dễ gì thâm nhập, thấu hiểu, lại chết trẻ năm 28 tuổi vì một căn bệnh khủng khiếp: bệnh phong.

Đạo diễn đã tìm ra đúng hình tượng của vở diễn, đã “lạ hóa” thật sự vở diễn trong ngôn ngữ hình thể của diễn viên, khiến cho “Một trăm phút...” đạt hiệu ứng cao.

3. Toàn bộ vở diễn được tắm trong thế giới trăng, hoa, nhạc, hương của thơ Hàn Mặc Tử. Trăng từ thơ Hàn Mặc Tử tràn ngập thế giới vở diễn của Lê Hùng, trở thành hình tượng muôn màu và không ngừng chuyển động trong các động tác hình thể được thăng hoa đẹp như múa của gần 30 diễn viên tham dự vở diễn, và được nhấn mạnh trong phần biểu diễn của Công Dũng, diễn vai chính với hai “phân thân” nhân vật của mình: Như Lai vai Hồn, Hoàng Tùng vai Xác của nhân vật Hàn Mặc Tử.

Chỉ có trong tay 100 phút sân khấu, Lê Hùng đã tìm cho vở diễn một cấu trúc vòng tròn, vừa ngụ ý trăng rằm, vừa hàm ý hai nửa vầng trăng khớp lại thành tròn, vừa là câu chuyện sinh tử vẫn thường mở ra và khép lại chu trình của một kiếp người.

Sân khấu mở màn bằng cuộc sinh nở của người mẹ Hàn Mặc Tử, sau cơn vượt cạn một mình lúc nửa đêm, ngước lên trời nhìn trăng vành vạnh, rồi sung sướng cúi xuống bế hài nhi Hàn Mặc Tử, từ giữa đám bọt trăng tinh khiết.

Bế đứa bé thiên tài trong tay, dưới ánh trăng trong, nhân vật bà mẹ chầm chậm lướt qua một dàn diễn viên nam khỏe mạnh, lưng để trần, và từ đó, bước ra một nhân vật, sau này sẽ thành Hàn Mặc Tử thi sĩ.

Cấu trúc vở diễn quả thật chặt chẽ, bởi đường dây dẫn chuyện và chuyển cảnh 4 phân đoạn, nối từ đầu đến cuối vở diễn, bằng một đôi diễn viên nam nữ im lặng tạo dáng, đỡ trên tay hai nửa mặt trăng, trên đó viết hai chữ cô đọng, giới thiệu chủ đề từng phần lần lượt: Định mệnh, Đau thương, Điên loạn, Vĩnh hằng...

Mỗi phần vừa độc lập lại vừa liên kết với nhau, tạo lập một thế giới mới đầy những cảnh trăng. Và trăng vừa đẹp huyền ảo vời xa, vừa thật trần thế trong khát vọng yêu đương của Hàn Mặc Tử.

Trên sân khấu, vì thế, Lê Hùng đã để trăng của Tử vừa là vầng trăng treo trên cao, vừa vỡ ra thành những mảnh trăng cong lưỡi liềm đầy biến hóa trong vũ điệu hình thể của diễn viên, lại có thể là một vườn-trăng-tiên-nữ, với ba cô Trăng, hiện hữu hình ảnh ba người con gái đẹp đã làm Hàn Mặc khổ vì yêu: Mộng Cầm, Mai Đình, Hoàng Cúc...

Trăng đã thành mã sân khấu trong xử lý tinh tế của Lê Hùng, đến mức đã thăng hoa được cảnh đám cưới và đêm tân hôn giữa một đôi vợ chồng bệnh phong trên sân khấu.

Với hai mảnh trăng trên tay, trên nền sân khấu dày đặc hoa cúc vàng, bằng những động tác hình thể được nâng cấp như múa (phảng phất vẻ đẹp của trích đoạn tuồng cổ Tiết Giao đoạt ngọc, cũng miêu tả cảnh ái ân trên nguyên tắc “tả thần”), Lê Hùng đã xử lý đoạn diễn này bằng một trực giác tuyệt vời, đem lại cho vở diễn một trường đoạn xuất sắc của một viên ngọc không tì vết...

Có điều, cả dàn diễn viên trẻ, dù có nhiều cố gắng, nhất là diễn viên chính Công Dũng và hai diễn viên Như Lai, Hoàng Tùng, nhưng vẫn chưa theo kịp và thể hiện đầy đủ ý đồ sâu xa của đạo diễn trong chính cái ngôn ngữ của mình: ngôn ngữ hình thể. Vì thế, vở diễn cần một đời sống công diễn sinh động và vận động trong một thời gian nữa, mới có thể nhịp nhàng hoàn hảo...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.