Lê Nguyên Vỹ và nghệ thuật "thạch ảnh"

Lê Nguyên Vỹ và nghệ thuật "thạch ảnh"
Khi các cơ sở chế biến đồ thủ công từ đá ở Đà Nẵng vẫn chỉ dừng lại ở việc dán ảnh hoặc khắc chữ lên đá thì từ năm 1995, anh Lê Nguyên Vỹ đã thành công trong việc phóng hình đen trắng lên đá, mà hiện nay được gọi là môn nghệ thuật “Thạch ảnh”.
Lê Nguyên Vỹ và nghệ thuật "thạch ảnh" ảnh 1
Nghệ thuật thạch ảnh của Lê Nguyên Vỹ

Vũ khúc thi, hoạ, vân đá

Một tác phẩm thạch ảnh ra đời phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng quan trọng hơn cả là ở đôi mắt tinh đời và sự chịu khó kiên nhẫn của người đi tìm đá.

Mỗi khi nhận những đơn đặt hàng trong tay, anh Lê Nguyên Vỹ lại lên đường lùng sục khắp các con sông bờ suối của tỉnh Quảng Nam để tìm cho ra được nhưng viên đá mang vẻ đẹp hoang dã tự nhiên với những đường vân và gam màu bí ẩn.

Tiêu chí đầu tiên để chọn được một viên đá nằm ở mục đích của bức ảnh. Nếu là một bức hoạ chân dung con người thì phải chọn loại đá mềm, có đường vân mờ và dễ mài.

Tranh cổ điển như le vieux guitarriste của Picasso, danh lam thắng cảnh Đà Nẵng như : Cổ Viện Chàm, cầu Quay Sông Hàn  thì lại đòi hỏi loại đá cứng, có vân nổi gồ ghề, màu nhạt.

Không chỉ có thế, tảng đá phải đảm bảo độ dẹp về chiều sâu và độ rộng về chiều ngang, sắc màu phải “ton sur ton” với ảnh, không quá trơn bóng mà cũng không quá sắc sảo, có vậy thì “phóng nó mới đã tay”.

Điểm đặc sắc hơn nữa của thạch ảnh là sự kết hợp đầy ngẫu hứng của thi, hoạ và những đường vân đá.

Bức chân dung của cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh trở nên thần thoại hơn bao giờ hết với những nết chân chim hằn lên từ những đường gân của đá, kết hợp với đôi ba dòng thơ Nhuận Quốc “Nghe xa một tiếng giữa lời/ Thanh âm còn đọng trong lời thiên thu” được khắc hoạ bằng những đường nét thi pháp tinh diệu của nghệ sĩ nối tiếng Hồ Công Khanh.

Hay hình ảnh biểu tượng của Đà Nẵng là chiếc cầu quay giữa muôn trùng sóng nước nên thơ hơn bao giờ hết với đôi ba lời dân ca “Đất Quảng Nam chưa mưa mà đã thấm/ Ấy chứ rượu hồng đào chưa nhắm mà đã say”.

Lê Nguyên Vỹ và nghệ thuật "thạch ảnh" ảnh 2
Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ

10 năm nên nghề

Gương mặt xương xương, đôi mắt sáng ẩn sau cặp kính dầy cộp to tròn đã lỗi mốt, mái tóc dài lất phất bờ vai, tưởng chừng như Lê Nguyên Vỹ sinh ra là để đến với môn nghệ thuật “thạch ảnh” này.

Nhưng ít ai ngờ, anh Vỹ đã có một thời gian dài làm nghề gõ đầu trẻ cực kì vất vả mà chẳng bao giờ mang về cho vợ con một bữa cơm ngon lành ngoài rau chấm muối.

Và ngay cả khi bắt đầu đến với thạch ảnh, cái nghèo vẫn bám riết lấy cuộc sống của gia đình anh. Phải đến hơn 10 năm tỉ mẩn kiên trì thức trắng đêm. Lần mò từng viên đá, hòn sỏi khắp dọc con sông khe suối Hoà Bắc, Hoà Phú của tỉnh Quảng Nam.

Thậm chí có những lúc để gia đình khánh kiệt đến nỗi phải bán xe, cầm cố nhà cửa, Lê Nguyên Vỹ mới tạo ra được bức thạch ảnh đầu tiên có sắc màu và độ đậm nét như thật.

Và thạch ảnh không chỉ giúp gia đình anh thoát khỏi cảnh bần hàn mà còn đánh một dấu mốc quan trọng trong làng nghề đá Đà Nẵng.

Dự án 1,6 tỷ

Lê Nguyên Vỹ và nghệ thuật "thạch ảnh" ảnh 3

Tùy theo kích cỡ của đá, công đoạn phóng ảnh kéo dài từ 3h đến 5h, sau đó được tráng một lớp hoá chất bảo vệ chuyên dụng. Mỗi 1cm2 sản phẩm có giá là 3500 đồng (không tính tiền đá).

Tiếng lành đồn xa, anh đã từng nhận được những đơn đặt hàng lên đến cả một container thạch ảnh ra nước ngoài. Nhưng hoàn cảnh hiện tại buộc lòng anh phải từ chối, bởi cơ sở của anh chưa đủ mạnh để nhận được những đơn hàng “khổng lồ” như thế.

“Hàng thủ công mỹ nghệ đẽo gọt bằng tay từng chi tiết, đâu thể làm qua quýt cho xong, như thế thì có tội với thần đá, với nghề đá”, anh tâm sự.

Trước mắt, anh đang bắt tay hợp tác với một doanh nghiệp trong Nam để thực hiện dự án xây dựng cơ sở sản xuất thạch ảnh lên đến 1,6 tỷ đồng bao gồm một xưởng sản xuất, một phòng trưng bày sản phẩm và đào tạo thêm nhân công để mở rộng dự án.

Các sản phẩm sẽ không dừng lại ở việc quảng bá hình ảnh Đà Nẵng mà sẽ được khắc hoạ theo hai chủ đề chính: doanh nhân văn hoá, danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới. Từ đây, hình ảnh Chùa Một Cột, Tháp Rùa (Hà Nội), Thác Cam Ly (Đà Lạt)… sẽ theo đá đi ra thế giới.

Theo Phương Liên
Thế giới Thương mại

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).