Lễ phục chưa thi đã tắc

Lễ phục chưa thi đã tắc
TP - Cuộc bình chọn quốc phục bất thành, nay hạ cấp xuống thành thi lễ phục, xem ra chưa thấy dấu hiệu khả quan.

> Quốc phục Việt: Ít hiểu biết thì mới thích thú áo dài
> Lỹ Nhã Kỳ làm Đại sứ áo dài

Lại trông chờ ở các nhà thiết kế

Hơn 20 năm tranh cãi, gần đây là 3 cuộc hội thảo lấy ý kiến ở 3 miền, Bộ VHTT&DL quyết tâm “chốt” phương án lễ phục cuối năm nay. Hội đồng nghệ thuật chấm chọn lễ phục, ban cố vấn, BTC triển khai đề án lễ phục nhà nước đã được thành lập. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được giao tổ chức cuộc thi thiết kế lễ phục, rục rịch phát động trong tháng này.

Áo dài có thể trở thành lễ phục cho nữ- Hầu hết ý kiến đồng thuận trong các cuộc trưng cầu ý kiến do Bộ VHTT&DL tổ chức. Lễ phục nam gây tranh cãi: 12% cho rằng nên chọn comple, 3% chọn khăn đóng áo dài, 24 % không ý kiến. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cũng thừa nhận, các ý kiến đều thống nhất lễ phục phải hiện đại, thể hiện bản sắc văn hóa, tự tôn dân tộc, nhưng đi vào những tiêu chí cụ thể hơn thì lại thiếu tập trung.

Thành viên BTC cũng chín người mười ý. Trong cuộc họp của BTC chuẩn bị cho lễ phát động sắp tới, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), đặc biệt chú ý tính khả thi của các mẫu lễ phục. Ông cho rằng, mẫu lễ phục nên “nhấn mạnh yếu tố mang tính đại diện xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế” hơn là tiêu chí “mang tính biểu tượng cao, là trang phục đại diện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Thành viên khác nêu ý kiến tiêu chí càng cụ thể càng tốt. Ví như chọn họa tiết tiêu biểu: hoa sen, trống đồng, bông lúa hay rồng thời Lý. Người thì cho rằng nên để ngỏ cho các nhà thiết kế tự do. Hy vọng ở sự sáng tạo bất ngờ, ưu việt hơn hẳn áo dài hay comple mà mọi người đang bàn luận.

Mọi chuyện còn khá mù mờ, BTC lại đặt gánh nặng lên vai các NTK. “Chúng tôi đặt tất cả hy vọng vào các nhà thiết kế. Thời gian qua, các nhà thiết kế thời trang đã ghi được dấu ấn sáng tạo trong nước và quốc tế”, Cục trưởng Vi Kiến Thành viết trong thư ngỏ gửi giới thiết kế.

Khó khả thi

Thư ngỏ của Cục trưởng Vi Kiến Thành xem ra chưa tạo hiệu ứng gì. Hỏi một số NTK, hầu hết chưa biết, hoặc không quan tâm. “Nếu đã đưa thành cuộc thi thì phải có tiêu chí, nội dung cụ thể, mới có cơ sở để bám sát, sáng tạo và thực hiện. Nếu không, ngay việc chấm cũng gây tranh cãi lớn”, NTK Quang Huy băn khoăn.

“Tôi nghĩ không nhiều người hưởng ứng cuộc thi này”, NTK Công Khanh nói. Anh cho rằng một số bạn trẻ có thể quan tâm, nhưng chất lượng sẽ không cao. “Bao nhiêu thí sinh hiểu biết văn hóa sâu sắc mà thi. Trong giới thiết kế những người làm tốt ít, mà đã làm tốt rồi thì họ không muốn đi thi”.

Nói về tranh cãi lễ phục nam là đồ comple hay áo the, khăn đóng, Quang Huy phân tích: Đồ comple không thể là lễ phục vì đó là âu phục, muốn truyền thống thì phải chọn áo dài. Nhưng thời đại năng động, thời trang cũng cần hội nhập. Bận áo dài khá vướng víu, không thuận tiện trong công việc.

“Tôi chắc chắn không hào hứng thi thố gì cả. Nhưng nếu BTC mời các NTK góp ý tìm đường nét, hoa văn, họa tiết thêu dệt trên nền lễ phục, hoặc tìm phom dáng phù hợp, tôi sẵn sàng. Như thế khả thi hơn là tổ chức cuộc thi cực kỳ khó này”, anh chia sẻ.

Trong buổi ra mắt sách Ngàn năm áo mũ về trang phục người Việt, tác giả Trần Quang Đức thẳng thắn: “54 dân tộc đều có quyền mặc lễ phục của họ trong các dịp lễ tết, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nếu xác định lễ phục là của người Kinh, lại tiếp tục mâu thuẫn về tiêu chí: hiện đại hay truyền thống. Mỗi thời đại có trang phục riêng biệt, lễ phục mang hơi thở thời đại. Âu phục không phải Việt Nam rồi, nhưng truyền thống phải chọn khăn xếp, áo the. Bây giờ khăn xếp áo the trông quá cổ, khó là lễ phục. Nhiều vị quan chức nói không muốn mình giống phường chèo”.

Theo thống kê, có 74/196 quốc gia và vùng lãnh thổ có lễ phục. Việt Nam từng khởi xướng thi lễ phục năm 1990 và nhiều lần sau đó nhưng bất thành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG