Lê Vân bình tĩnh đợi “sóng gió”

Lê Vân bình tĩnh đợi “sóng gió”
TP - Giản dị, rạng rỡ, NSƯT Lê Vân xuất hiện trong buổi tối 16/10/06 ở Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây (đường Cầu Giấy HN), để giới thiệu cuốn sách vừa ra lò đã chuẩn bị nối bản của mình: “Lê Vân yêu và sống”.

Sách in đẹp, đủ dày so với tầm vóc một cuốn tự truyện (hơn 350 trang), bìa của họa sĩ trẻ Trần Đại Thắng, NXB Hội nhà văn ấn hành. Một hàng dài độc giả chờ đến lượt được tác giả ký tặng, có người còn “xin hộ người khác” (chữ ký).

“Vì sao chị chọn thời điểm này để ra tự truyện?”- ngay từ đầu đã có người hỏi, và cuộc cởi lòng cởi dạ diễn ra tự nhiên. “Tôi viết như một sự sám hối. Viết như giãi bày chứ không phải thanh minh. Về gia đình tôi, 5 người là 5 thế giới không bao giờ chia sẻ cùng nhau. Bây giờ hối hận sao những năm tháng qua không tìm cách đối thoại trực tiếp với nhau nhỉ, mọi việc sẽ trở nên vô cùng đơn giản, đâu đến nỗi như bây giờ”.

Bao năm sống thu mình, “cứng lòng”, “sống với một khối độc tố trong người” (Tự truyện), Lê Vân thoắt như hôm nay là do cơ duyên gặp được người mà chị không ngại dùng từ “định mệnh”- Bùi Mai Hạnh, làm thơ, xuất thân học viên trường viết văn Nguyễn Du. Cuốn sách đứng tên chung bởi  Bùi Mai Hạnh chấp bút.

“Chị có nguyên tắc nào khi ra tự truyện?”- một độc giả đứng tuổi hỏi. “Mặc dù với văn chương tôi hoàn toàn ngu ngơ nhưng cũng đủ cũng kịp thông minh để vạch ra hướng đi cho mình. Và tôi hiểu chỉ có sự chân thành mới lay động truyền cảm được người đọc”.

Chờ giông gió đến

Lê Vân nói chị “không bao giờ có ý định mang chuyện gia đình ra để cho thiên hạ đàm tiếu, và cũng không có ý định nặng lời đối với bố hay ai khác. Nhưng có những câu chuyện của một thời nghèo quá, khổ quá nằm trong dòng hồi ức tuôn chảy, những hồi ức đó là từng giai đoạn trong cuộc đời tôi và tôi kể ra, không chủ đích làm ai đau lòng...”.

Thông tin từ những người bạn mới (giới viết) của Lê Vân:  thời điểm ra sách, in báo tự truyện hiện nay, chị đang phải chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình, trường múa, vân vân. Và chị dường như bình tĩnh đón đợi.

Trong gia đình NSƯT Lê Vân, tất cả đều nổi tiếng ở mức độ khác nhau: Trần Tiến, Lê Mai, Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi. Đó cũng là một lý do khiến sách của chị gợi được tò mò nhất định. 

Phim đầu tiên là Những con đường, phim ấn tượng đầu tiên - Tự thú trước bình minh, sau này khán giả điện ảnh thập kỉ 80, 90 chủ yếu biết Lê Vân qua những vai nữ dịu, thuần Việt. Nào Dậu nào Duyên đằm thắm thủy chung.

Ngày Lê Vân được mời vào vai Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì, chưa kể khán giả mà ngay giới điện ảnh nhiều người cho rằng không thể. Tôi còn nhớ, hồi đó có bài báo đã đưa ý kiến của nghệ sĩ Trần Tiến, khác hẳn: “Mọi người không biết chứ đó chính là con Vân nhà tôi. Đặng Thị Huệ mới là Lê Vân”.

Trong giới, Lê Vân nổi tiếng cá tính dù có một vẻ đẹp “nền” như đã tả. Nhưng không ai nghĩ chị sẽ viết tự truyện mà lại tự truyện “kiểu này”. Trong buổi ra mắt độc giả, có người thậm chí còn hỏi chị tổ chức cuộc này vậy chứ đã xin phép bố chưa! “Cuối tuần này tôi sẽ có một cuộc gặp cả hai bên gia đình nội ngoại, sẽ trình bày, đối thoại để mọi người hiểu tôi”.

Đọc sách thấy người

Lê Vân bình tĩnh đợi “sóng gió” ảnh 1

Có một thời xa vắng trong trang sách, mà độc giả thế hệ 7X, 8X trở đi có thể khó cảm nhận. Những bi kịch nhỏ phía sau màn bạc, sau ánh đèn sân khấu. Điện ảnh được coi là “hiện thực thứ hai”, thì giới làm điện ảnh nhiều người có “chân dung thứ hai” không như công chúng hình dung.

Những thói đời, chuyện làng văn nghệ đâu đó đã được nghe, cũng không có gì lạ cả, nhưng nay nó được một nghệ sĩ  kể lại như chứng nhân.

Nghe tin nghệ sĩ tài sắc trong gia đình danh giá - Trần Lê Vân viết tự truyện, có người đoán: Chắc lại “nửa non” sự thật mà thôi (“nửa bánh mì là bánh mì còn nửa sự thật là nói dối”); có dám viết về những bí mật gia đình không, về mối tình trong bóng tối (theo nghĩa đen, chỉ diễn ra ban đêm không có ban ngày) không... vân vân.

Có thể vẻ sám hối “tôi biết tôi có tội” nghe hơi nặng nề với những người có quan điểm “thoáng” về tình yêu và hôn nhân, nhưng Lê Vân- Bùi Mai Hạnh biết tìm giọng điệu thích hợp, chi tiết đáng tin cậy.

Có những bí mật thật sự đã phát lộ, và có những sự thật chỉ hé lộ phần nào. Những phương châm sống giản dị cho thấy độ chín của một người đàn bà trải đời, không kém sâu sắc.

Các mối tình mang màu tiểu thuyết nhưng cũng đời. Nhiều đoạn cảm động, nhiều đoạn có chất thơ. Nghe nói, Lê Vân cũng là người “chết vì chữ nghĩa”, bị chữ nghĩa lung lạc.

Viết hồi ký, tự truyện trong giới nghệ sĩ ở ta còn là chuyện mới mẻ. Vì chưa quen, dị ứng? Vì đời sống nghèo nàn? Vì không đủ dũng khí?... Tự truyện của Lê Vân không lạ lắm, số phận của chị không đặc biệt lắm mà hóa ra vẫn đặc biệt.

Đọc Lê Vân yêu và sống, liên tưởng Hồi ức của một geisha. Nếu có tài, có phẩm giá, ta chẳng sợ gì. Thuở nhở, chị dằn vặt tự hỏi mình là ai. Gần đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” đã ngộ ra, đơn giản: “Tôi là tôi, là đàn bà”. Và cảm thông sâu sắc với đàn bà: “Nhiều khi, tôi chỉ muốn kêu lên, gào lên: Người đàn bà ơi, hãy dũng cảm lên, hãy nhìn thẳng vào sự thật. Đừng chấp nhận cái gọi là số phận. Ta phải đủ mạnh để số phận phải theo ta. Ta phải đủ trí khôn để không bị số phận ru ngủ ta dẫn dắt ta vào bể đời trầm luân khổ ải. Ta phải đủ thiện tâm để làm mềm lòng cả những con người độc ác xấu xa...”.

“Nhìn những người có vẻ bề ngoài sang trọng, mặt hoa da phấn, trông nhàn nhã thảnh thơi, tôi lại thầm hỏi: “Có thật không vẻ nhàn nhã thảnh thơi kia? Có thật không vẻ sang trọng kia? Và có thật không cả cái sắc đẹp kia nữa? Ai mà biết được, khi bóng đêm phủ xuống vạn vật, cái xấu cái đẹp, cái sang cái hèn nhòa lẫn...

Trong đêm đen thăm thẳm, chỉ có giọt nước mắt và nỗi bất hạnh là có thật. Cứ thế, tôi đi từ ngộ nhận này sang ngộ nhận khác với con mắt ngày càng bi quan chán nản. Tôi biến cuộc đời tôi dưới bóng đêm thành cuộc đời có thực, biến cuộc đời thực của tôi trong mắt người đời thành cuộc đời giả, thành bến đời đỗ tạm.

Như con tàu không bến, sau mỗi lần tránh tàu, con tàu thật đi qua, con tàu tôi lao tới, không có đường ra, không có điểm dừng. Dừng là chết. Và tôi cứ lao đi, lao đi vô định...

... Từ một phụ nữ trở thành người mẹ, tôi như được sinh thêm một lần nữa. Gió không còn là gió hôm qua, và nắng cũng là nắng mới...”.

Trích Lê Vân yêu và sống

MỚI - NÓNG