Lên Tây Giang xem hội đâm trâu

Lên Tây Giang xem hội đâm trâu
TP - Khi trâu gục xuống, dân làng đưa những lễ vật như: vải thổ cẩm, lúa gạo, lợn, gà đến đặt lên mình trâu với ý nghĩa chia một phần cho trâu trước khi về với Giàng.

Các vị già làng đứng ra làm lễ tế linh hồn trâu, họ cắt một nhúm đuôi trâu cùng một con gà sống đã được nhúng vào máu từ thân trâu, sau lời khấn được ném vào chiếc phễu đan bằng tre đặt trên đỉnh X’nur...

Tín ngưỡng cổ xưa

Ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) nơi có 8/10 xã giáp ranh với nước bạn Lào, hơn 97% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Nơi đây còn lưu giữ được những lễ hội văn hóa đặc sắc cổ xưa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người Cơ Tu như: lễ mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu…

Trung tuần tháng 8 chúng tôi có dịp đến Tây Giang, chứng kiến tận mắt một lễ đâm trâu.

Người Cơ Tu ở Tây Giang sống giữa đại ngàn Trường Sơn, làm nương, phát rẫy săn bắt để sinh sống nên họ tin vào Giàng (trời) và các đấng thần linh. Con trâu với họ là một thứ của cải có giá trị lớn, là vật quan trọng được dùng để hiến tế thần linh, với quan niệm: khi Giàng và các vị thần linh nhận lễ vật nhất là trâu sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, dân làng không bị “chết xấu”, mùa màng sẽ bội thu, cuộc sống ấm no quanh năm…

Công việc chuẩn bị cho hội đâm trâu thường do các vị già làng lớn tuổi, uy tín chuẩn bị, bàn bạc và quyết định. Trước khi tiến hành lễ hội, các già làng ngồi lại với nhau để xem cùng xem “ý Giàng” rồi quyết định nên hay không nên tổ chức lễ hội. Sau đó bàn bạc với dân làng để cùng chuẩn bị góp thóc gạo, lễ vật.

“Trâu là con vật gần gũi, giúp sức cho dân làng nhiều nhất. Con trâu nó chết cũng có linh hồn của nó. Đâm trâu tế Giàng từ xa xưa được xem việc hệ trọng của người Cơ Tu, không phải ai cũng được bàn và quyết định. Chỉ có những người có kinh nghiệm, được dân làng tín nhiệm nhất mới được làm” - già làng Ama Briu Lâm (75 tuổi, thôn Pơrning xã Lăng) cho biết.

Lên Tây Giang xem hội đâm trâu ảnh 1
Nhảy múa trước lễ đâm trâu

Trâu cho lễ hội phải là con trâu đực, to khỏe của làng, có cặp sừng đẹp, bốn chân cứng cáp, không phá phách... Trâu được dẫn đến nhà Gươl - nơi sinh hoạt chung của thôn làng, có cột buộc trâu (tiếng địa phương gọi là X’nur) được dựng sẵn ở chính giữa sân phía trước nhà Gươl.

X’nur với các hoa văn chạm khắc không chỉ để buộc trâu mà còn là cột lễ của dân làng nơi giao tiếp với các đấng thần linh.

Đêm trước của lễ đâm trâu là lễ tế trâu. Trâu được buộc chặt vào X’nur, các già làng cúng Giàng bằng một gà và một lợn và rồi khóc tế trâu để nói hết nỗi lòng. Họ khóc rằng: T’rí ơi! Amay canh acon vêl bhướl, amay chết vêl bhướl k’ây lom k’ây luôl t’ri ơi… Amay chết đăng vêl bhướl gabhố, đăng Pleng năl luôi lom vêl bhươl... (Trâu ơi mày là đứa con cả dân làng, mày chết đi dân làng đau lòng lắm trâu ơi… mày chết đi để dân làng được no ấm, cho Giàng biết cái bụng của dân làng…)

Nghiêng ngả núi rừng

Sáng sớm hôm sau, khi trống chiêng từ nhà Gươl được đánh lên, tất cả dân làng cùng mặc trang phục lễ hội tập trung quanh cột buộc trâu. Khi mọi người đến đông đủ, một vị già làng có uy tín nhất lấy một chén máu từ mũi trâu để tế Giàng, sau đó lấy một chén rượu vẩy lên trâu làm lễ tế sống cho trâu. Già làng tế rằng: T’rí ơi amay chết amay zôi zúp đăng vêl bhươl. T’rí ơi, t’rí ơi amay canh acon liêm âng vêl bhướl … (Trâu ơi, mày chết rồi hãy giúp đỡ cho dân làng.

Trâu ơi, trâu ơi mày là đứa con tốt của dân làng…). Cồng chiêng liên hồi nổi lên, dân làng nhịp nhàng nhảy múa theo điệu múa Tân’ Tung - Da’dă. Dẫn đầu đoàn múa là các già làng thổi tù và bằng sừng trâu, đánh trống, cồng chiêng. Đàn ông hùng dũng cùng điệu Tân’Tung với gươm, giáo, khiêng mô phỏng những động tác chiến đấu, đi săn. Phụ nữ thì nhịp nhàng trong điệu Da’dă với đôi tay xòe rộng, đưa ngang đầu như khẩn cầu thần linh và tiếp nhận ân huệ từ Giàng.

Lên Tây Giang xem hội đâm trâu ảnh 2
Chia phần cho trâu

Khi làm xong lễ cúng tế, già làng hú lên một tiếng, mọi người cùng đồng thanh hú theo, tiếng trống, cồng chiêng lại hối hả hơn, âm thanh vang dội cả núi rừng. Người Cơ Tu tin rằng, tiếng hú, tiếng cồng chiêng càng to thì càng thể hiện lòng kính trọng và thấu tới Giàng nhanh hơn.

Mọi người cùng xoay tròn nhảy múa quanh trâu trong khi các già làng chuẩn bị dụng cụ để đâm Trâu. Không phải ai cũng được đâm trâu, chỉ có năm già làng mới được chọn.

Tiếng cồng chiêng nhanh dần, tiếng tù và liên hồi được thổi lên để báo hiệu lễ đâm trâu bắt đầu. Trâu được đuổi chạy vòng theo hướng ngược kim đồng hồ để hướng phần lưng nơi có trái tim ra phía ngoài. “Đâm trâu chỉ được đâm bên phải để giúp trâu sớm về với Giàng, con trâu không phải chịu đau đớn, nếu làm sai là có tội với Giàng đó”, già làng Bh’riu Đoop (70 tuổi) một trong năm vị già làng được cử ra đâm trâu cho hay.

Vị già làng lớn tuổi nhất đứng ra cầm đuôi trâu và khấn cầu lần cuối, xung quanh các vị già làng vẫn tiếp tục nhảy múa để ngợi ca trâu. Những nhát đâm đầu tiên được các già làng lần lượt thực hiện. Máu từ lưng trâu bắt đầu bắn ra. Tiếng hò hét bên ngoài dậy lên.

Càng về cuối, tiếng hò hét, những động tác đâm trâu càng nhanh, các già làng dày kinh nghiệm vừa đâm vừa tìm cách tránh né những cú lao thẳng của trâu. Trâu áp sát người, cây giáo dài được giơ lên để chống đỡ, chọn đúng vị trí để đâm. Sau những cú đâm chính xác các vị già làng lại nhảy múa trong tiếng hò hét của dân làng. Sau hơn nửa giờ đồng hồ, con trâu kiệt sức, gục ngã.

Tiếng cồng kiêng, tù và cùng tiếng hò hét lại vang dội khắp núi rừng. “Đã có lần con trâu giật bay cả cột X’nur rồi. Nó rượt đuổi, dân làng bỏ chạy toán loạn nhưng nó không làm hại được ai hết. Tụi tau có giáo đã ngăn được nó và bắt nó phải về để tế Giàng. Con voi con vooc trên rừng người tụi tau còn bắt về được nói gì đến trâu” - già làng Ama Briu Lâm kể.

Lên Tây Giang xem hội đâm trâu ảnh 3
Ném lễ vật lên cột X’nur

Khi trâu gục xuống, dân làng đưa những lễ vật như: vải thổ cẩm, lúa gạo, lợn, gà đến đặt lên mình trâu với ý nghĩa chia một phần cho trâu trước khi về với Giàng, các vị già làng đứng ra làm lễ tế linh hồn trâu.

Cắt một nhúm đuôi trâu cùng một con gà sống được nhúng vào máu từ thân trâu, sau đó được các già làng khấn cầu và ném vào chiếc phễu đan bằng tre đặt trên đỉnh X’nur. “Lúc nào những lễ vật này nằm gọn trong phễu tức Giàng đã chấp nhận những lời khẩn cầu của dân làng rồi, cuộc sống dân làng sẽ no đủ quanh năm”, già làng Đoop cho biết.

Trâu sau khi chết, được mổ thịt, chia phần mọi người trong thôn. Đầu trâu được treo ở vị trí chính giữa nhà Gươl để hồn trâu luôn ở lại và giúp dân làng no ấm. Xong xuôi, mọi người lại tiếp tục, ca hát nhảy múa trong tiếng  cồng chiêng để mừng xong lễ suốt ngày đêm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.