Lệnh cấm gây sốc... kiệt tác!

Lệnh cấm gây sốc... kiệt tác!
TP - Sinh năm 1936 ở Miyagi, phía bắc Tokyo (Nhật Bản), từ lâu Koji Wakamatsu đã nổi lên như một trong những bậc thầy của nghệ thuật thứ bảy không chỉ ở Xứ sở hoa anh đào.

Cha ông làm nghề nuôi ngựa, thầy thuốc thú y và trồng trọt. Mẹ, các anh ông và ông ngày nào cũng dậy từ ba giờ sáng, ra đồng làm việc. Khoảng năm rưỡi chiều, họ mới trở về. Sau đó, ông mới được đi học. Ông mang theo cơm, hay khoai lang để ăn qua loa tại lớp.

Đại chiến II kết thúc, khi ông đang ở bậc tiểu học. Ông từ trường về, thấy cả nhà đang khóc quanh chiếc radio, nghe Nhật hoàng đọc lời đầu hàng Đồng minh.

Ông thường ngầm chống lại cha, nên bị cha đánh đòn đau như cơm bữa. Tốt nghiệp phổ thông, ông không muốn vào đại học, vì thương cha mẹ đông con. Tuy nhiên, do cha quyết tâm, thầy giáo nhiệt tình, ông thi đỗ đại học nông nghiệp.

Có điều, dù học giỏi, ông vẫn bị đuổi sau một năm ở đây. Ấy là do ông ăn cắp hoa quả theo xúi giục của bạn bè, gọi một giáo sư là “đồ ngu” (vì nhầm tưởng thầy với bạn), nện nhừ tử một sinh viên cùng trường vì anh này luôn chế giễu ông.

Đương nhiên không thể ở lại nhà, ông “xoáy” tiền của mẹ, rồi cùng một nhóm bạn “chậm tiến” đến thẳng Tokyo kiếm sống. Ông vừa cưỡng lại vừa “hưởng ứng” các tiêu cực xã hội. Ông qua nhiều việc, từ làm bánh ngọt, đến giao thư báo tại nhà, rồi phụ nề, giúp việc quán bar…

Ông cứ đổi việc luôn vì hay bất hòa với chủ thuê mình. Sau rốt, ông phải chấp nhận gia nhập “đế chế” mafia vốn đầy quyền lực lúc ấy. Trong một cuộc ẩu đả với một “đồng nghiệp” thuộc băng địch thủ, ông bị nghi cướp đồng hồ đeo tay của tên kia, nên phải vào tù.

Thế giới khủng khiếp sau song sắt tổn thương ông ghê gớm, song khiến ông ngẫm nghĩ rất nhiều về xã hội và lẽ đời, trong mối hận thù chính giới và cảnh sát không bao giờ nguôi.

Được ra tù nhờ gia đình chạy chọt, ông dứt khoát rời bỏ cuộc sống bất hảo và trở lại nghiêm chỉnh đời thường. Ông muốn trả thù giới cảnh sát từng làm ông điêu đứng bao phen.

Lúc đầu, ông định viết tiểu thuyết dựa vào trải nghiệm đã qua. Song ông hiểu ngay mình không có tài năng viết lách. Ông bèn trù tính thu thật nhiều tiền để sản xuất phim, chứ không hề nghĩ có thể làm đạo diễn.

Tình cờ, ông được làm việc vặt cho một đoàn phim truyền hình. Một đạo diễn lớn khám phá ra năng khiếu và khích lệ ông. Ông mạnh dạn “thử” dàn dựng phim truyện và mau chóng thành công từ 1963.

Cốt lõi tác phẩm của ông là bao suy tư, trăn trở mà ông không ngớt đắm vào từ thời niên thiếu. Ông đề cập chủ yếu đến mâu thuẫn giữa pháp luật và nhân văn, giữa dân chúng và cường quyền.

Ông lừng danh là một đạo diễn dấn thân, một nhà ngoại giao nhân dân, đặc biệt được quý trọng ở Hoa Kỳ và Nga. Ông từng đến Palestine, cùng ăn ở với quân kháng chiến, làm phim khá hay về họ.

Phần lớn trong 98 phim truyện của Koji Wakamatsu được liệt vào hàng tác phẩm có giá trị hàng đầu. Nhiều kiệt tác của ông được ghi vào di sản điện ảnh nhân loại.

Khi bào thai đi câu trộm, 1966, là một bộ phim như vậy. Đáng kinh ngạc, ông thực hiện phim chỉ trong năm ngày. Phim quay tại nhà ông. Suốt thời gian đó, đoàn làm phim không được phép ra ngoài. Ông đích thân nấu nướng và phục vụ họ.

Chuyện phim đơn giản nhưng phải được thể hiện kỹ lưỡng và với nghệ thuật cao. Bối cảnh phim là một buồng ngủ. Ông chủ Sadao tán tỉnh cô nhân viên Yuka. Cô cũng thích phiêu lưu, nên đồng ý trèo lên buồng ông. Trò chuyện lửng lơ một lát, ông bí mật cho cô dùng ma túy, trói cô lại, rồi dùng roi đánh đập cô…

Đánh chán chê, ông cưỡng đoạt cô, tỏ thích thú tột cùng. Trong suốt cuộc chim chuột tàn bạo, ông khoái chí kể lại cho cô nghe về người vợ “láo xược” đã quá cố của ông, về những  lăng nhục mà ông phải chịu từ người đời và từ vợ.

Sáng mai tỉnh dậy, cô gái giận dữ và tìm cách bỏ đi. Do cô lần chần, ông chủ lại nổi cơn “dê” và các trò hành hạ tái diễn. Bị coi như một con vật, lại đói khát quá trời, Yuka chỉ cốt thoát thân và phản ứng mỗi lúc một dữ dội.

Cô vớ được một chén rượu sakê, liền hắt vào mắt chủ. Và cắm một con dao găm vào bụng ông. Ảo ảnh tươi đẹp ban đêm đã biến thành ác mộng rùng rợn ban ngày!

Dưới  vỏ bọc một “phim dục tình”, thể loại nở rộ từ Nhật Bản, nó nêu lên bi kịch đau lòng của trả thù luẩn quẩn, của áp bức và chống áp bức. “Chìa khóa giải tỏa bi kịch ấy nằm ở đâu?” thật là một câu hỏi thời sự.

Bộ phim được đón nhận liên tục ở nhiều quốc gia. Đầu tháng mười vừa qua, hãng phát hành phim Pháp Zootrope dự định cho chiếu lại Khi bào thai đi câu trộm ở đây.

Lịch chiếu vừa lên xong, Zootrope nhận được của Hội đồng quốc gia xếp loại tác phẩm điện ảnh yêu cầu cấm trẻ em dưới 18 tuổi. Zootrope không tán thành và đề nghị Bộ Văn hóa can thiệp. Song thật bất ngờ, ngày 3, Bộ Văn hóa chính thức ra thông báo đồng tình với Hội đồng quốc gia xếp loại tác phẩm điện ảnh. Tức khắc bùng lên một cuộc tranh luận gay gắt, trong đó phần lớn ý kiến chỉ trích quyết định của Bộ Văn hóa.

Về mặt thương mại, lệnh cấm trên hạn chế một lượng khán giả lớn vốn là bộ phận chủ lực tại mọi nơi trên toàn cầu. Lệnh ấy cũng gần như thủ tiêu việc phát hành bộ phim trên truyền hình và qua đĩa DVD.

Hội phê bình điện ảnh Pháp, hầu hết đạo diễn và diễn viên, rồi đông đảo trí thức và cơ quan truyền thông đã và đang lên tiếng đề nghị Bộ Văn hóa bãi bỏ lệnh cấm bất công. Tất cả nhằm vào giá trị nhân bản thuyết phục và giá trị nghệ thuật hút hồn của bộ phim Khi bào thai đi câu trộm.

Lý do cấm xem ra khó lòng đứng vững. Nói rằng phim quá bạo lực, thực tế, nó không có những cảnh đấm đá hay đầy đọa con người làm khán giả thót tim và quay mặt đi như trong nhiều phim hành động của Hoa Kỳ, thậm chí Hàn Quốc.

Nói “phim dâm ô” càng không phải. Nó không miêu tả trực diện bất kỳ cảnh làm tình nào. Nói nó “đưa ra hình ảnh xuống cấp của phụ nữ” cũng không có cơ sở. Đòn giáng trả của cô nhân viên Yuka là hợp tình hợp lý, và có thể đồng cảm.

Các vị ra lệnh cấm bỏ qua nhiều chi tiết tưởng chừng bâng quơ nhưng cứa vào trái tim người xem. Chả hạn, lúc bị ngược đãi sáng hôm sau, Yuka thầm nhủ: “Suy cho cùng, sao lại chạy trốn? Phận nô lệ tình dục của ta thực ra chẳng ê chề gì hơn phận nô lệ xã hội mà ta bị dồn tới với tư cách một con bán hàng”.

Chen vào cơn ầm ĩ dường như không ngừng tăng nhiệt là một nỗi buồn được một số nhà văn nhận diện. Năm năm nay, các cơ quan chức năng của Cộng hòa Pháp thường cấm những phim bị coi là có vấn đề về tình dục, song chỉ cấm trẻ em dưới 12 hay cùng lắm là dưới 16 tuổi.

Với Khi bào thai đi câu trộm , trẻ vị thành niên hay tuổi teen lần đầu tiên bị coi thường. Người ta không đủ tỉnh táo để tin vào sức cảm nhận thông minh và tinh tế của các em. Hơn mọi lớp khán giả khác, chính các em là đối tượng mà những nghệ sỹ tâm huyết như Koji Wakamatsu gửi trọn tấm lòng…

Khuất Lệ Lan
Tổng hợp

MỚI - NÓNG