LHP Cannes 59: Cuộc chơi ngày càng toàn cầu hóa

LHP Cannes 59: Cuộc chơi ngày càng toàn cầu hóa
TP - 28/5, LHP Cannes vào hồi kết. Cành cọ vàng về đâu? “Volver” của Pedro Almodóvar? “Babel” của đạo diễn Mexico Alejandro González Ináritu? Hay một tên tuổi khác?
LHP Cannes 59: Cuộc chơi ngày càng toàn cầu hóa ảnh 1
Oliver Stone (trái) tại LHP Cannes 59

Dù sao Cannes vẫn đọng lại như một cuộc chơi hào nhoáng và lãng mạn “a la France” để khán giả thoáng quên đi tính thương mại của Hollywood.

Nhiều người từng nản lòng vì Cannes 2006 bị cho là “Cuộc đấu của loại phim “nặng nề””, chính trị hóa phim trường như Southland Tales (Chuyện miền Nam), An Inconvenient Truth (Sự thật bất lợi)…

Vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt của các phóng viên, thành viên Ban giám khảo cũng như người hâm mộ sau hàng loạt các buổi công chiếu, họp báo, phỏng vấn và tiệc tùng suốt đêm. 

Giờ công chiếu “Babel” bắt đầu 

Một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại. Xuyên lục địa. Tưởng chừng khán giả lại mệt mỏi chuẩn bị tâm lý cho một cuộc tra tấn. Không. Inárritu đã làm được cái điều mà dường như các đồng nghiệp trước đó bó tay: cuốn hút khán giả cho đến phút chót với một câu chuyện đa sắc tộc, đa địa phương, đa ngôn ngữ và có thể nói là chẳng ăn nhập gì với nhau.

Tờ Stern (Đức) nhận xét: “ít khi thấy một câu chuyện được xây dựng theo kiểu này mà vẫn cuốn hút. Sự kiện đại đa số phóng viên và khách mời vỗ tay không ngớt, mặt mũi hân hoan tươi tỉnh rời phòng chiếu, là những dấu hiệu tốt đẹp”.

Theo đánh giá của các chuyên gia “cánh gà” thì sau “Volver” của Pedro Almodóvar, “Babel” đã xuất hiện như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong cuộc đua giành Cành cọ vàng 2006.

Inárittu tập trung được đội ngũ từng thành công với “Brokeback Mountain” như Rodrigo Prieto (Kamera) và Gustavo Santaolalla (âm nhạc). Sự đóng góp của hai ngôi sao hàng đầu Hollywood: Brad Pitt và Cate Blanchet.

Thông điệp của Inárittu là kể từ thời Babylon đến nay chúng ta (những kẻ sống ở Trái đất) chẳng phát triển được chút văn minh nào. Chúng ta vẫn không hiểu nhau như ngày khởi đầu cuộc sống và xem ra chỉ là câu hỏi thời gian, Chúa Trời sẽ giáng xuống chúng ta cơn thịnh nộ của người trong cuộc “vi hành toàn cầu tới đây”.

Tuy nhiên, “Babel” cũng phát đi một thông điệp hòa bình là nhân loại vẫn còn thời gian để xích lại gần nhau hơn. Phim nhận được những tràng pháo tay chân thành và nồng nhiệt nhất so với các phim được trình chiếu.

Càng gần kết thúc, dư luận càng xôn xao bàn tán về ứng cử viên Cành cọ vàng 2006 với một danh sách hòm hòm những tên tuổi xứng đáng. Tất nhiên “Volver” của Pedro Almodóvar, “Red Road” của Andrea Arnold chưa hẳn hết cơ hội.

Cho dù thế nào thì Cannes có thể hoàn toàn ngẩng cao đầu với các đối thủ cùng hạng như với Berlin, Venice và Toronto. Sự quan tâm của dư luận tốt hơn. Công tác PR hoàn hảo hơn. Và tất nhiên là lượng sao tấp nập đến nước Pháp cũng dày đặc hơn. Với Hollywood, mối quan hệ này khá phức tạp. 

Cannes và Hollywood không phải lúc nào cũng tình nghĩa vì đã có thời gian Hollywood muốn thôn tính Cannes với quy mô thương mại của mình. Sau đó là cuộc chống trả quyết liệt đến mức cự tuyệt của Cannes trước gã khổng lồ Hollywood khi chỉ ủng hộ các dòng phim châu Âu mang tính nghệ thuật.

Mấy năm gần đây, cuộc hợp tác đôi bên cùng có lợi diễn ra khá êm đẹp. Hollywood tận dụng Cannes như bệ phóng và giới thiệu các siêu phẩm của họ. Ví như: “Mật mã Da Vinci”, “X-Men III”, “20 min” cắt từ  “World Trade Center” của Oliver Stone. Đổi lại, Cannes tôn vinh giá trị hoài cổ và nghệ thuật của Hollywood với phim tài liệu về John Ford và John Wayne.

Một trong những cuộc thỏa thuận ngầm chính là sự góp mặt của những tên tuổi như Tom Hanks, Kirsten Dunst, Ethan Hawke, Bruce Willis, Nick Nolte, Willem Dafoe, Halle Berry, Kris Kristofferson và Samuel L. Jackson. Họ đều là những ngôi sao sáng giá của Hollywood, điều mà Berlinale hay Venice thiếu vắng.

Và dù được tổ chức với tính cách lãng mạn của người Pháp, Cannes vẫn là một cuộc chơi không còn mang tính địa phương kiểu châu Âu như trước mà toàn cầu hóa hơn với á, Mỹ, Âu đủ cả.

MỚI - NÓNG