Lịch sử Hà Nội qua cuộc đời một “cậu ấm”

Lịch sử Hà Nội qua cuộc đời một “cậu ấm”
TP - Văn hóa của một xã hội chủ yếu được tạo nên bởi tầng lớp trung lưu có học và thượng lưu. Hình ảnh giới thượng lưu Hà Nội khá nhạt nhòa trong văn chương, nay có một nét vẽ đậm trong tiểu thuyết Cậu ấm của Trần Chiến.

Chọn cách viết về cuộc đời của một con người để nói lên lịch sử của một vùng đất, điều đó không mới. Nhưng luôn là lựa chọn thú vị. Với Cậu ấm, Trần Chiến chọn góc độ văn hóa, lại là văn hóa ẩm thực - thứ văn hóa làm nên cái sang của con người, khi cái giàu chưa bao giờ là đủ.

Ngẫm về những “người tài nước Nam”

Trần Chiến hư cấu nên các nhân vật trong Cậu ấm từ các chi tiết về cuộc đời những nhân vật lịch sử có thật. Đỗ Như Thản, bố của nhân vật chính, có cuộc đời mà phần đầu lấy cảm hứng từ Nguyễn Văn Vĩnh, học giả lớn của Việt Nam đầu thế kỷ 20 và phần sau lấy cảm hứng từ Vũ Đình Long, ông chủ nhà xuất bản Tân Dân nổi tiếng trước 1945. Ông Thản xuất thân nghèo khó, đi làm thuê kéo quạt trong lớp học dành cho con em nhà giàu, rồi vì ham học và sáng dạ nên được các thầy cho vào lớp. Chi tiết này lấy từ thời thơ ấu của Nguyễn Văn Vĩnh.

Tác giả gián tiếp đưa hai học giả Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh vào tác phẩm, qua hai cái tên được nói trại đi: “Nước Nam có hai người tài, thứ nhất xừ Ĩnh thứ hai xừ Uỳnh. Một xừ béo núng nung ninh, một xừ lểu đểu như hình cò hương”. Số phận của họ còn sát thực hơn: Ông “Ĩnh” chết tha hương lúc đào vàng, còn ông “Uỳnh” bị cụ đầu xứ Tổ chửi thậm tệ.

Từ đó Đỗ Như Thản nghiệm ra rằng “Có theo nghiệp viết lách thì cũng thành miếng giẻ chùi chân”. Ông theo nghề buôn bán và trở thành ông chủ tư sản giàu có. Mua lại nhà in Dân Cường, nơi ông sử dụng để xuất bản hai tờ báo một chính luận một châm biếm nhưng chỉ bàn về đời sống, tuyệt đối tránh xa chính trị. Ông Thản xác định mình là người trung lập, chỉ muốn yên phận giàu có, phong lưu.

“Ai cũng đì đọp thì cơm chín ở đâu ra”

Nhưng cuộc đời cậu ấm Vận, con trai duy nhất của ông Thản, lại không đi theo con đường đó, vì cả lý do lịch sử lẫn bản tính. Vận sinh ra và trưởng thành trong thời buổi xã hội loạn lạc, lịch sử buộc con người không thể đứng ngoài chính trị và sống mãi trong cảnh giàu sang.

Chiến tranh đến, những người như ông Thản từng rất thức thời nay lạc thời. Cái chết của ông trong cuộc đụng độ với lính Pháp tại ngôi nhà ở xóm Hạ Hồi đã thay đổi cuộc đời con trai ông. Thành phố trở thành chiến lũy. Vận, lúc đầu có ý định cầm súng, sau hiểu ra rằng anh thích hợp với vị trí trong căn bếp tiếp tế.

“Mỗi người mỗi tạng, ai cũng đì đọp được thì cơm chín ở đâu ra” - câu nói đó của một người bạn như lời giải thích cho lựa chọn của Vận.

Văn hóa và tính cách con người, qua bao biến thiên của thời cuộc, là thứ vẫn còn lại để làm nên hình hài mỗi con người, mỗi thành phố, mỗi dân tộc. Ẩm thực trong lịch sử có những lúc thăng trầm, không phải lúc nào cũng được coi trọng, có lúc bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong thời hậu chiến kham khổ, nhưng niềm say mê của người đầu bếp thì không lúc nào phai nhạt.     

Văn hóa là một phần quan trọng của lịch sử Hà Nội, cũng là yếu tố quan trọng vẽ nên gương mặt, dáng vẻ của một vùng đất như Hà Nội mà lâu nay người ta vẫn hình dung. Nét văn hóa thượng lưu được nói đến trong Cậu ấm không dựa trên cái giàu, mà dựa vào mức độ tinh tế trong ẩm thực.

MỚI - NÓNG