Liên khúc biển đảo mở đầu Ngày thơ Văn Miếu

TP - Ngày hội của thơ ca diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương, riêng Hà Nội tổ chức đúng Tết Nguyên tiêu, sáng 22/2 khai mạc tại Văn Miếu với chủ đề “Đất nước-Cánh buồm xuân”.

Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh nói trong họp báo 19/2 rằng phát đi sáu nghìn giấy mời. “Ngày thơ Việt Nam năm nay không thực sự mới nhưng có đổi mới, vẫn đọc thơ, gặp gỡ phát hành quảng bá với phương thức mới”. Sân khấu hứa hẹn khác mọi năm, mang màu sắc dân tộc. Giải thích thêm về chủ đề năm nay, nhà thơ Hữu Thỉnh nói đây chính là hình tượng văn học “cánh buồm hướng đến biển đảo, tượng trưng động lực tiến lên của đất nước”.

Cảm hứng biển đảo đặt vào phần mở màn với thể hiện liên khúc thơ, trường ca do bốn nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý thể hiện. Một số ca khúc nổi tiếng về Trường Sa, Hoàng Sa tiếp nối mạch cảm xúc hướng về biển đảo, biên cương này. Sân khấu truyền thống còn có màn trình diễn liên khúc thơ Đất nước mùa xuân của các nhà thơ nữ, một nhóm các nhà thơ nam như Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Trung Lai, Trần Quang Quý tiếp mạch. 

Ngoài sân thơ truyền thống, phía sau có sân thơ trẻ, thơ thiếu nhi. Theo BTC, Ngày thơ rơi vào đầu tuần nhưng có liên hệ một số trường sắp xếp các em nhỏ yêu văn học tham gia, không khuyến khích phong trào. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, sân thơ trẻ có sự xuất hiện của những gương mặt mới, danh tính bí mật để đảm bảo tính hấp dẫn. BTC mời ít hơn và để mỗi tác giả được đọc nhiều sáng tác hơn mọi năm. Trong khi đó, Chủ tịch Hội nhấn mạnh phải cân đối giữa thơ và nghệ thuật, bởi xem Ngày thơ như hội thì phải có cái để xem, nhìn chứ không chỉ nghe thơ.

Năm ngoái Ngày thơ tạo dấu ấn với sự tham gia của 151 nhà thơ quốc tế, năm nay do kinh phí hạn hẹp nên chỉ có hai nhà thơ nổi tiếng André Velter và Jean-Pierre Orban của Pháp, Bỉ do Phái đoàn Liên minh châu Âu mời. Hai thi sĩ đọc thơ cả ở sân khấu truyền thống lẫn sân thơ trẻ. Ngày thơ tại Hà Nội có sự tham gia của 26 CLB thơ ở không gian Phố nghệ thuật, các nhà thơ địa phương cũng góp tiếng nói tại sân thơ Văn Miếu. Năm nay, BTC dành một phần hoạt động tôn vinh thơ ca thời kỳ chống Pháp.

* Lễ hội Thơ lần thứ 14 xuân Bính Thân tại TPHCM sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 20 đến 22/2 (ngày 13- 15 tháng Giêng Âm lịch) với nhiều hoạt động như: Hội thảo “Sức sống thi ca đô thị” chương trình Đêm thơ với sự trình diễn thơ của các nhà thơ trẻ đã từng đoạt giải thơ trong thời gian vừa qua; chương trình giao lưu thơ giữa những nhà thơ đã thành danh cùng các cây bút trẻ.

Đặc biệt tại khuôn viên Hội VHNT TPHCM, sân chơi thơ sẽ diễn ra trong ngày 21/2 với các Lều thơ của các CLB quận- huyện cùng với những chương trình diễn thơ, triển lãm và giao lưu thơ.

MỚI - NÓNG