Ling Lei - xin chớ hiểu lầm

Ling Lei - xin chớ hiểu lầm
"Trần trụi, xác thịt, chán chường, điên rồ, tệ nạn xã hội...", đó là những từ ngữ mà người ta thường dùng khi nhắc đến Ling Lei (một dòng văn học mới của Trung Quốc). Đó là những nhận xét khá định kiến và sai lầm.
Ling Lei - xin chớ hiểu lầm ảnh 1
Ling Lei - xin chớ hiểu lầm ảnh 2

Một số nhà văn tiêu biểu của dòng Ling Lei: Quách Kính Minh,Trương Duyệt Nhiên, Miên Miên (ảnh tư liệu)

Sex không phải là đại diện

Số sách thuộc dòng văn học Ling Lei ít, thậm chí chỉ đếm được trên đầu ngón tay, lại chủ yếu của nhóm “người đẹp viết văn” như Điên cuồng như Vệ Tuệ (Vệ Tuệ), Quạ đen (Cửu Đan), Búp bê Bắc Kinh (Xuân Thụ), Người đàn bà quậy (Trương Kháng Kháng)...

Do vậy khó có thể đem lại một cái nhìn toàn diện về cả một dòng văn học. Vậy phải hiểu Ling Lei thế nào cho đúng?

“Ling Lei” theo phiên âm tiếng Trung có nghĩa là “một loại khác, một dạng khác”. Văn học Ling Lei là dòng văn học khác biệt và ngược dòng so với dòng văn học chính thống trước đây.

Cái khác biệt này được thể hiện rõ nét ở cách đặt vấn đề cũng như phong cách viết và lối hành văn. Vấn đề được đề cập trong dòng văn học này rất đa dạng, mới mẻ, hiện đại và nhạy cảm.

Nó có thể là khát khao tình dục, ma túy, nhạc rock, lầm lạc, lối sống buông thả của một số thanh niên như Kẹo (Miên Miên), Điên cuồng như Vệ Tuệ (Vệ Tuệ).

Cũng có thể là bất hạnh cuộc đời, vị đắng tình yêu, sự dằn vặt nội tâm, những khó khăn và nỗi trống trải trong cuộc sống của phụ nữ độc thân như Hoa bên bờ, Đảo Tường Vy (An Ni Bảo Bối); hoặc phê phán những tiêu cực trong chế độ giáo dục nhà trường, những bất bình và phản kháng của lớp trẻ trước những thứ giả tạo, đạo đức giả như Ba tầng cửa (Hàn Hàn); là thế giới hư cấu về tội ác và tình yêu bất bình thường trong Thủy tiên cưỡi cá chép vàng đi, Mười yêu... (Trương Duyệt Nhiên)... 

Dám xộc thẳng vào những vấn đề gai góc nhất trong xã hội, những mảng tối khuất nẻo của cuộc sống, bút pháp quyết liệt, táo bạo, đầy hơi thở hiện đại là những đặc trưng dễ thấy ở Ling Lei.

Phá cách nhưng không thác loạn

Một loạt tác phẩm về dòng văn học này được Công ty văn hóa Phương Nam mua bản quyền, đã, đang và sẽ phát hành liên tiếp trong năm 2006 như Kẹo, Vương quốc ảo (Quách Kính Minh), Đảo Tường Vy, Hoa bên bờ (An Ni Bảo Bối),Thiền của tôi (Vệ Tuệ), Tình xưa mộng cũ, Ôi, đàn ông, Dấu chấm tình yêu (Bì Bì)...

Tôi đã từng may mắn được tiếp xúc với một số nhà văn trẻ tiêu biểu của dòng văn học Ling Lei như Quách Kính Minh, Miên Miên, An Ni Bảo Bối, Trương Duyệt Nhiên...

Họ đều rất trẻ, hiện đại, có cá tính, thông minh, ham học hỏi và làm việc với cường độ khủng khiếp.

Phá cách trong văn phong nhưng không thác loạn trong cuộc sống, thậm chí còn cực kỳ nghiêm túc trong lối suy nghĩ và cách sống, chín chắn và nội tâm sâu sắc, họ thật sự khiến tôi phải kinh ngạc bởi hai mặt trái ngược nhau trong tác phẩm và con người thật ở ngoài đời.

Ốm nhom trong bộ trang phục trắng, Quách Kính Minh nom rất thư sinh, thậm chí còn trẻ hơn tuổi 23 rất nhiều. Hiếm ai biết được rằng trong vóc người yếu ớt kia chứa đựng một trái tim sục sôi và sức làm việc mãnh liệt. Buổi sáng, anh đến Đại học Thượng Hải, tham gia đầy đủ và cần mẫn tất cả môn học. Buổi chiều, anh trở về công ty riêng mang tên Đảo, sửa đống bản thảo của một nhóm nhà văn trẻ do anh tập hợp và tự tổ chức xuất bản.

Chỉ có các buổi tối anh mới tranh thủ được thời gian viết lách cho riêng mình. Thức đêm rất khuya, uống cà phê như nước lọc, Quách Kính Minh cho biết anh rất thích sáng tác trong ánh đèn dịu và tiếng nhạc êm đềm trong căn phòng trọ tại Thượng Hải. “Quả thật tôi rất bận rộn, quay như chong chóng suốt ngày. Thậm chí không có nhiều bạn bè vì không có thời gian giao tiếp và vẫn chưa có bạn gái” - nhà văn triệu phú trẻ tuổi này thú nhận.

Mới bước sang tuổi “băm”, nhà văn nữ An Ni Bảo Bối là người rất dịu dàng, sâu sắc và dễ mến. Chúng tôi đã nhiều lần chuyện trò tại một quán cà phê “ruột” của cô trong không khí ấm cúng ở Bắc Kinh. Tuy rất nổi tiếng nhưng cô ăn mặc giản dị, quần jean, áo vải, màu sắc trang nhã, không chút son phấn và không đồ trang sức.

Đã từng sang Việt Nam du lịch và thai nghén nên cuốn Đảo Tường Vy, cô đặc biệt yêu quí mảnh đất Hà Nội và thú nhận thấy lưu luyến nó như có “duyên nợ từ kiếp trước”. Trong mắt cô, Hà Nội nhỏ xinh và thanh bình, trầm lắng và đầy câu chuyện. “Tôi rất muốn sang sống ở Hà Nội ít nhất nửa năm để sáng tác” - cô tâm sự. Mặc dù là nhà văn tự do nhưng lịch làm việc của cô cũng kín mít. Bên cạnh công việc viết văn độc lập, cô còn nhận viết chuyên mục cho một vài tờ báo và tạp chí với nhiều đề tài hiện đại như nghệ thuật, giải trí, cuộc sống thành phố...

“Xin đừng hiểu lầm về Ling Lei - nhà văn nữ Miên Miên nói - Các nhà văn Ling Lei chúng tôi chỉ là những người chịu khó đi lại nhiều vùng đất khác nhau để tìm hiểu cuộc sống, chịu khó khám phá và dám thể hiện nhiều mặt trái hoặc góc khuất trong cuộc sống nhằm giúp độc giả tránh né hoặc dũng cảm đối mặt với mọi cạm bẫy đời thường. Và đó là phương châm sáng tác chung rất tích cực chứ không phải nổi loạn như một số người vẫn hiểu lầm”.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG