Linh vật Việt chật vật tìm chỗ đứng

Các nghệ nhân Ninh Bình phục dựng, sáng tạo linh vật Việt ứng dụng trong đời sống. Ảnh: Kỳ Sơn.
Các nghệ nhân Ninh Bình phục dựng, sáng tạo linh vật Việt ứng dụng trong đời sống. Ảnh: Kỳ Sơn.
TP - Ba năm sau công văn “dẹp” linh vật ngoại lai tại các di tích, hàng loạt sư tử đá và đồ thờ tự không rõ nguồn gốc bị “trục xuất”. Tuy nhiên nhận thức để sử dụng đúng và hành trình nhân rộng linh vật Việt trong đời sống vẫn còn gian nan.

“Cuộc chiến” với sư tử đá

Công văn 2662 của Bộ VHTT&DL năm 2014 mở màn cho “làn sóng” bứng hàng loạt sư tử đá Trung Quốc, cây đèn đá và đồ trang trí nguồn gốc ngoại lai không phù hợp ra khỏi di tích và nơi thờ tự. Làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) và làng nghề Non Nước (Đà Nẵng) thời ấy đứng trước cơn lao đao, bởi nguồn sống bao năm của làng nghề là sản xuất sư tử đá Trung Quốc theo nhu cầu thị trường. Các nhà quản lý từng tổ chức nhiều cuộc bàn thảo với chính các nghệ nhân này để tìm hướng đi cho làng nghề. 

Từ một trong những lò sản xuất sư tử đá Trung Quốc lớn nhất cả nước, làng đá Ninh Vân dần chuyển sang hướng sản xuất mẫu linh vật Việt. Nhà điêu khắc Lương Trịnh, giám đốc một công ty mỹ thuật ở làng Ninh Vân cho biết khách hàng tìm về làng hiện nay hầu như không có nhu cầu mua sư tử Tàu nữa. Một thợ tạo tác chó đá ở làng Ninh Vân xác nhận, khách hàng chủ yếu tìm mua linh vật Việt do các di tích, cơ sở thờ tự từ chối tiếp nhận cung tiến sư tử đá và những đồ ngoại lai. Ngay khu đền thờ vua Đinh, vua Lê trước đây từng hiện diện đôi sư tử đá, sau bị đánh bật ra khỏi di tích, thay vào đó là đôi nghê chầu.

“Phục dựng nhiều mẫu nghê Việt, sản xuất các mẫu linh vật Việt là hướng đi của các nghệ nhân làng nghề đá Ninh Vân”, nhà điêu khắc Lương Trịnh cho hay. Anh nói thêm, các nghệ nhân dựa vào mẫu nghê gốc để sáng tạo nên nhiều phiên bản nghê khác nhau để ứng dụng trong đời sống. Thực tế công việc này nhiều cảm hứng hơn việc “đổ khuôn” sư tử đá Trung Quốc trước kia. Dẫu vậy anh thừa nhận, đôi khi nghệ nhân có thể phân biệt linh vật Việt với ngoại lai nhưng chưa thực sự hiểu sâu sắc và tư vấn đúng cho khách hàng. 

Hồi sinh linh vật

TS. Trần Hậu Yên Thế- nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ chuẩn bị ra mắt sách về nghê Việt- nhắc lại hiện tượng xem nhẹ linh vật trong đời sống văn hóa Việt trong suốt thời gian dài. “Việc này dẫn tới sự khủng hoảng nhận diện văn hóa của người Việt hiện nay”, TS Yên Thế nói. Anh nhắc lại, chính người Pháp chọn rồng là linh vật của Hà Nội và đưa vào thành huy (Huy hiệu TP Hà Nội thời Pháp): Hai con rồng chầu gươm báu - lấy cảm hứng từ lịch sử - văn hóa Thăng Long và truyền thuyết rùa vàng hiện lên đòi gươm thần từ đức vua Lê Thái Tổ. Bức phù điêu thành huy Hà Nội được đắp nổi tại trường Trưng Vương hiện vẫn được chỉnh trang cẩn thận.

“Để linh vật Việt đến với cộng đồng cần phải có nhiều hơn các sản phẩm thiết kế đồ gia dụng, hàng lưu niệm lấy cảm hứng từ linh vật và nhất là các công trình điêu khắc công cộng sử dụng linh vật Việt”, TS Trần Hậu Yên Thế nói. Anh khẳng định hệ thống linh vật Việt thừa sức đáp ứng đời sống văn hóa tâm linh của người dân, chẳng hạn cầu tự có con nghê, cầu tài lộc cũng có thể dùng nghê ngậm tiền. Nhà điêu khắc Lương Trịnh cho biết vừa hoàn thiện việc phục chế mẫu nghê Việt từ phiên bản gốc ở đền vua Đinh. Anh hào hứng với ý tưởng mở triển lãm chuyên đề giới thiệu nghê Việt. Trước đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số nơi trưng bày hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, được dư luận hưởng ứng.

Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc, Giám đốc một công ty mỹ nghệ ở Ninh Bình cũng khoe sắp ra mắt bộ sưu tập hơn 100 sản phẩm linh vật Việt chủ đạo là nghê và rồng. “Cái khó nhất là làm ra sản phẩm mọi người có thể mua được, sử dụng được lại hợp túi tiền và có dấu ấn văn hóa”, anh Ngọc nói. Những linh vật này được đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đưa vào các vật dụng nhỏ xinh như kẹp tóc, chiếc bút, hộp đựng danh thiếp, móc chìa khóa, nghê để trên bàn làm việc, khắc trên khánh cầu may treo trong ô tô. “Chúng ta không nên nghĩ rồng chỉ xuất hiện trong đình chùa, nghê cũng như vậy”, nhà điêu khắc Bá Ngọc nói. Anh cho rằng điều quan trọng là cần sự thống nhất trong nhận dạng linh vật Việt để các nghệ nhân có cơ sở sáng tạo trong “khuôn khổ văn hóa cho phép và giữ được dấu ấn riêng”. Chẳng hạn nghê trong đền vua Đinh dáng ngồi chầu, khi đưa vào vật dụng không cần tính linh thiêng lắm nên phải gần gũi, tự nhiên hơn.

Cơ hội công nhận bảo vật quốc gia

TS. Trần Hậu Yên Thế đánh giá hệ thống linh vật Việt như rồng, nghê, chó ở đền vua Đinh vua Lê (Ninh Bình) có giá trị độc nhất vô nhị về điêu khắc mỹ thuật tạo hình cổ. Một số nghệ nhân ở Ninh Vân cũng cho rằng nếu đôi nghê ở đền vua Đinh được công nhận bảo vật quốc gia sẽ thuận lợi hơn cho các cơ sở sản xuất mẫu quà tặng linh vật Việt. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, Ninh Bình đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt bảo vật văn hóa quốc gia trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG