Liveshow ca nhạc về đâu?

Liveshow ca nhạc về đâu?
TP - Tổ chức liveshow bây giờ xem ra không quá khó với các ngôi sao, nhưng liveshow lớn lại là chuyện khác.
Liveshow ca nhạc về đâu? ảnh 1

Cao Thái Sơn làm show miễn phí cho SV tại Hà Nội (20/10)

Dường như có một hội chứng lười xem liveshow khi chương trình riêng của các ca sĩ hàng đầu liên tục bị rơi vào tình trạng bể sô. Nhiều ca sĩ hạng trung sợ không dám làm show riêng ngay như dự định.

Thoạt đầu, thấy logo tài trợ chễm chệ trên sân khấu, dân tình còn phản đối. Bây giờ chuyện đã quá thường. Hậu quả là khán giả ngồi nhà xem tivi tha hồ thưởng thức những chương trình tầm tầm.

Mùa nào thức ấy, chẳng hạn mùa thu sẽ được xem các nhịp cầu âm nhạc, quà tặng âm nhạc, lá thư âm nhạc... về mùa thu. Nói chung với khung tài trợ ấy và cách tổ chức ấy, khán giả sẽ mãi mãi hài lòng với một nền “ca nhạc mậu dịch” có bằng ấy món thay đi đổi lại.

Các nghệ sĩ cũng không phải đầu tư gì nhiều. Các bài hát “vượt thời gian” ai cũng thuộc rồi chỉ phối khí lại cho đúng giọng ca sĩ mới là xong. Rút cuộc đỉnh cao của ca nhạc truyền hình vẫn chỉ là một vài cuộc thi hát dàn dựng công phu hơn, âm nhạc cũng chia ra được dòng này dòng kia...

Bên cạnh đó, liveshow ở rạp còn phải cạnh tranh khốc liệt với “liveshow” phòng trà, cà phê. Nhất là tại TP.HCM- địa bàn sôi động của các loại tụ điểm ca nhạc tối nào cũng thừa thãi món... ca nhạc.

Những địa chỉ quen thuộc như Trống Đồng, 126... giá vé chỉ có 30-50 ngàn đồng mà cả chục ngôi sao hải ngoại đến hát. Ở đây, những chương trình lớn có Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng giá vé cao nhất cũng chỉ đến trăm rưỡi.

Nếu đi xem ca nhạc chỉ để ngó mặt sao thì khán giả như thế là đã thỏa thuê. Người bây giờ dám một mình một chương trình lại đòi bán vé giá cao phải là người ít xuất hiện hoặc có sức hút đặc biệt.

Người được công nhận đang có sức hút là Đàm Vĩnh Hưng. Tuy vậy, anh vẫn khá cẩn trọng trong chương trình riêng tháng 7 vừa rồi.

Làm ở địa điểm có lượng ghế vừa phải (khoảng 800 chỗ) và giá vé cũng không quá ngất ngưởng (cao nhất 800 ngàn). Và chương trình tập trung vào nhạc tiền chiến được coi là hướng đi mới của họ Đàm cũng là một yếu tố khiến khán giả tò mò.

Còn một “chiêu” nữa có thể kéo khán giả đến xem mình là làm chương trình miễn phí như Vũ điệu sôi động của Thanh Thảo (30/9) tại sân Lan Anh. Và phải công nhận rằng Thanh Thảo vẫn còn sức hút mạnh với đối tượng khán giả không tiền (mua vé).

Trong khi các đàn anh, đàn chị như Lam Trường, Phương Thanh đã phải nếm mùi... sức hút không còn như trước. Đầu năm nay, Lam Trường chỉ kéo nổi chừng 1.000 người đến xem anh hát trong khi nhà thi đấu Quân khu VII chứa được gấp 5 lần như thế.

Trong cuộc tranh chấp với một nhà báo kiêm blogger gần đây, điều chủ yếu làm Phương Thanh bức xúc là liveshow của cô diễn ra tối 29/9 tại sân Phan Đình Phùng được miêu tả là “mở cửa trống rỗng cho khán giả vào xem” ý nói ít khách quá nên tháo khoán.

Trên thực tế, chỉ vì khán giả hơi vắng nên BTC có kêu gọi khán giả xích lại gần sân khấu cho kín chỗ. 

Điều tương tự cũng xảy ra tại một trong những chương trình quy mô lớn thời gian gần đây là liveshow Khánh Hà - Tuấn Ngọc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với khoảng 3.500 ghế.

Rất nhiều khán giả hỉ hả vì mua vé tầng 2 rút cuộc được ngồi ngang hàng với giá vé cả triệu đồng. Hà Nội vốn là nơi được tiếng là thiếu thốn các chương trình ca nhạc nhưng vẫn thờ ơ với hai giọng ca hàng đầu hải ngoại.

Lệ Thu có lẽ là người biết lượng sức mình. Chị chọn khán phòng 350 chỗ tại Nhạc viện TP.HCM để thực hiện liveshow đầu tiên đánh dấu sự trở lại với khán giả trong nước.

Lượng vé VIP giá 1 triệu không nhiều (50 chiếc) bán hết, vẫn còn khán giả đòi mua. Bên cạnh đó, giá vé hạng thấp được chủ động giảm để chào đón giới SV nên đảm bảo được khán phòng đầy ắp.

Thanh Lam 2 năm rồi chỉ “dám” làm 2 liveshow quy mô khiêm tốn với giá vé phải chăng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nhạc mục chắc ăn phối hợp bài cũ với bài mới... Cung Hữu Nghị hay kể cả Nhà hát Hòa Bình nhiều ghế để mặc cho những chương trình đến hẹn lại lên và quan trọng là có tài trợ như Bài hát Việt, Con đường Âm nhạc...

Cách đây 5 năm có lẻ, Ánh Tuyết và nhóm ATB đã 2 năm liền “tấn công” khán giả Hà Nội, và “chiến thắng” vẻ vang, không tài trợ vẫn có lãi. Chị là ca sĩ TP.HCM hiếm hoi có chỗ đứng đặc biệt trong lòng khán giả Hà Nội.

Dự tính sau khi hoàn thành một cơ số album trong đó có nhạc Trịnh và nhạc Phạm Duy, Ánh Tuyết sẽ cùng bầu đoàn ra thăm lại khán giả Thủ đô - vẫn không có ý định xin tài trợ.

Ánh Tuyết tiêu biểu cho cách làm show đơn giản, hiệu quả. Thời điểm chị Bắc tiến, nhạc tiền chiến còn là món ăn lạ bây giờ đã tương đối bão hòa. Không biết thành công có được lặp lại?

Khán giả bây giờ không còn ngạc nhiên trước giá vé xung quanh 1 triệu đồng nhưng xét cho cùng liveshow bây giờ đã thực sự tương xứng với mức giá?

Khi yếu tố thu hút khán giả vẫn là ngôi sao chứ không phải âm nhạc! Điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng đúng là khán giả vẫn mang tâm lý xem mặt ngôi sao đi xem ca nhạc.

Bài cũ, nhạc xưa vẫn có khách là vì vậy. Một trong những điều phân biệt giữa ngôi sao và các diva có lẽ là ý thức đem lại cái mới trong mỗi liveshow.

Nói gì thì nói, yếu tố đảm bảo cho đẳng cấp liveshow vẫn là âm nhạc. Nhưng một ca sĩ có khả năng đột phá như Tùng Dương bao giờ mới có được chương trình riêng?

Ca nhạc truyền hình vẫn đều đều nhận tiền tài trợ nhưng chắc chắn không ở vị trí hàng đầu trong lịch giải trí của người dân thành phố. Điều quan trọng với một ca sĩ khi làm chương trình riêng là xác định đối tượng khách và chỗ đứng của bản thân.

Nếu đủ sức hút thì các nhà tài trợ đương nhiên sẽ cảm thấy hân hạnh khi dính liền với sao.

Năm nay chưa hứa hẹn sẽ có một chương trình cá nhân nào lặp lại được thành công của chương trình Mỹ Linh 06. Có chăng là Đàm Vĩnh Hưng - về mặt thị trường - với liveshow nhạc trẻ dự định diễn ra vào tháng 12.

MỚI - NÓNG