Lỗ Đất

Lỗ Đất
TP - Tổ tiên người Êđê, người M’nông ở Tây Nguyên kể lại rằng, họ chui lên trần gian qua Lỗ Đất…

Chúng tôi ngủ vùi trong sương trắng. Cả cánh rừng đầy sương. Mẹ đã chọn con đường này để đi về vùng Lỗ Đất. Tôi đã lớn lên trên lưng mẹ, ngủ vùi trên lưng mẹ. Vùng Lỗ Đất là quê hương mình, mẹ bảo thế trong khi chân vẫn bước. Rừng đầy chông gai. Bên cạnh rừng là những vạt đồi đất đỏ màu mỡ. Chị tôi bảo: “Mẹ ơi, dừng lại thôi!” Mẹ bảo, không được, chưa về đến nhà mà. Tôi ngây thơ nghĩ, có khi, về đến nhà thì mẹ trẻ ra, chúng tôi thì lập tức lớn lên.

Nhưng quê nhà xa quá. Mẹ dường như kiệt sức. Bước chân bị gai rừng đâm, chảy máu. Bàn tay bị lá rừng xát, chảy máu. Máu của mẹ vương vãi đâu đó dọc suốt đường về. Chị níu váy mẹ, bước theo sau. Bao nhiêu mùa trăng đã đi qua trên cánh rừng này, chúng tôi không nhớ. Chị vẫn lớn lên dọc đường đi. Mỗi lần từ trên lưng mẹ ngoái lại phía sau, tôi lại thấy chị cao hơn một chút, tóc dài hơn một chút.

Mỗi lần dừng nghỉ chân trên một vạt đất trống nào đó cạnh đường đi để nghỉ ngơi hoặc tìm kiếm củ rừng, rau rừng lót dạ, mẹ lại dặn chị: Phải đi sát lưng mẹ kẻo lạc, nghe chưa! Chị ngồi nhóm lửa bằng bùi nhùi, không trả lời. Còn tôi, khi chập chững, có lúc chạy lăng xăng quanh chị. Mẹ đào củ, kiếm rau. Rừng nuôi chúng tôi lớn lên. Khi tôi biết chạy bằng hai chân, tôi nói với mẹ: Cho con xuống đi với chị! Mẹ đồng ý. Hai chị em như hai con chó vững tin, nhanh nhẹn bước sau mẹ, đi tìm quê nhà: Lỗ Đất.

Một bữa, khi ngồi nghỉ ở bãi đất trống cạnh đường, chị nói nhỏ với mẹ: Mẹ ơi, chân con cũng có máu. Rồi chị vén váy chỉ dấu máu khô giữa hai đùi, nâu màu thổ cẩm. Mẹ nói: Con gái ta lớn rồi. Chúng tôi không có bạn mặc dù chúng tôi từng đi qua những vùng đất có rất nhiều người, họ chơi với nhau rất vui. Những đứa con trai nghịch ngợm, những đứa con gái dễ thương.

Còn chúng tôi thì trơ trọi. Tất cả mọi thắc mắc đều hỏi mẹ. Mẹ ơi, sao chúng ta phải đi tìm Lỗ Đất? Mẹ ơi, sao chúng ta không sống bình thường như mọi người? Mẹ ơi, bao giờ thì về được tới quê cũ?... Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nêu những thắc mắc ấy với mẹ. Lúc đầu mẹ còn giảng giải, càng về sau, lời giải thích càng thưa dần. Sau nữa, mẹ im lặng. Những câu hỏi của chúng tôi không có câu trả lời.

Một bữa, khi ngồi nghỉ bên cạnh một con sông. Tôi nói với mẹ: Mẹ ơi, nước đái của con khác hôm qua, nó không trong nữa mà trắng đục. Mẹ không thèm quay mặt nhìn, nói: Con ta đã lớn! Mẹ nhìn dòng nước sông hung hãn, thở dài: Các con tôi đã lớn, vậy mà vẫn chưa về đến quê nhà… Tôi cáu lên: Làm sao mà cứ phải quê nhà, quê nhà! Sao không tìm một bãi đất nào đó dựng nhà trồng cây để ở, làm sao cứ phải đi mãi thế? Mẹ không giận, chỉ nói: Chúng ta thuộc về Lỗ Đất, đó là nơi tổ tiên ta khởi phát.

Tôi không nói thêm, trong ruột gan thấy hơi giận ngùn ngụt. Tôi giận tổ tiên tôi. Tôi giận luôn cả cái Lỗ Đất xa xôi chưa hề biết mặt mũi thế nào đã đày đọa chúng tôi trên con đường hành hương hun hút. Tôi nhìn chị, chị đang thổi phù phù vào bếp lửa. Có lẽ tâm trạng chị cũng giống tôi. Mắt chị màu đen, rất đẹp, giống mẹ. Hình như tôi cũng giống mẹ. Chúng tôi không có cha, mẹ từng giải thích như vậy khi tôi thắc mắc.

Một buổi chiều núi dày đặc sương, mẹ chỉ tay về bên kia núi: Bên kia là vùng Lỗ Đất, là quê nhà. Tôi nhìn theo tay mẹ chỉ, qua một dòng suối, qua một vạt rừng là mỏm núi cao mờ mịt sương chiều. Chúng tôi lội qua suối, đi về Lỗ Đất. Càng đi, chúng tôi càng chìm khuất trong thăm thẳm. Mẹ đi trước, chị nhìn lưng áo mẹ để theo, tôi níu lấy tay chị. Không còn thấy mặt nhau nữa, vẫn đi.

Cho đến lúc mẹ dừng lại, nói: Thôi, mẹ không thể bước nổi nữa rồi, Lỗ Đất ở trước mặt không bao xa nhưng mẹ đã mệt quá. Chúng tôi dừng lại bên đường. Chị lấy bùi nhùi đánh lửa. Sương ướt tay, ướt bùi nhùi, đánh mãi không cháy. Bàn tay tôi cầm tay mẹ, lạnh cóng, nhăn nheo.

Rồi lửa cũng bùng lên, chúng tôi chụm lại sưởi ấm. Tôi nhặt những nhành cây bên cạnh bỏ vào bếp nuôi lửa. Nhưng lửa chỉ đủ soi sáng một vạt đất nhỏ. Chúng tôi đã lạc vào vùng sương mù. Mẹ nói: Sương dày quá, không làm sao kiếm thức ăn được. Lúc này, bụng tôi đã sôi lên vì đói. Bụng chị cũng sôi lên vì đói.

Chị đứng dậy, bước vào màn sương, mất hút, chỉ còn văng vẳng câu nói: Không lẽ chịu chết ở đây, phải tìm xem có cái gì ăn không đã. Tôi và mẹ ngồi đợi, đợi mãi đến tàn đống củi, vẫn không thấy chị trở lại. Mẹ vừa gọi chị, vừa khóc. Tiếng khóc của mẹ khiến tôi quên mình đang đói. Tôi đứng dậy, bước đi tìm chị. Mắt tôi căng lên tìm kiếm. Sương càng lúc càng trắng hơn, dày hơn. Có lúc, tôi đã nghĩ đến cái chết.

Nhưng chúng tôi không chết, chỉ có một thay đổi: thân thể chúng tôi trở nên trong suốt, không màu, nhìn xa có thể nhầm với một đụn khói hay một đám sương. Tôi nói với mẹ điều kỳ lạ ấy, mẹ bảo, thế là mẹ con mình đã về đến quê hương! Giọng mừng rỡ, mẹ thốt lên: Cuối cùng, chúng ta cũng đã quay về!

Từ phút ấy, tôi không nhìn thấy mẹ nữa, chị thì đã biến mất từ lâu. Bây giờ chỉ còn lại tôi trong sương khói cố hương. Tôi không còn thấy đói, người nhẹ lâng lâng. Những gian khổ trên đường về phút chốc tan vèo trong trí nhớ.

Quanh tôi, những làn khói trắng khói xanh uốn lượn nhẹ nhàng. Tôi nghĩ, chị sẽ là làn khói xanh, mẹ sẽ là làn sương trắng, những họ hàng thân thích của tôi là những ngọn khói màu lam tuyệt đẹp. Trong thoang thoảng mùi hương thảo nguyên mùa gieo hạt, tôi nghe tiếng ai đó đang cất lên điệu ayray quen thuộc và tiếng đàn đingnăm réo rắt…

Tôi bay theo câu hát, lang thang đi tìm chị, tìm mẹ.

Nguyễn Văn Thiện
Nguyễn Văn Thiện.
 

Những con mắt trôi trong dòng suối, đoàn người đi vô định, ngựa hoang, người mẹ dẫn con đi tìm quê hương… tất cả những hình ảnh ấy đan xen, mờ tỏ trong những truyện rất ngắn này của Nguyễn Văn Thiện. Theo một phong cách ít gặp ở Việt Nam, và đặc biệt là khác hẳn kiểu truyện mini Trung Quốc mà ta hay gặp - những truyện ngắn này không kể chuyện, chúng gần với thơ. Đặc biệt giống, ở tính đa thanh, đa nghĩa.

Nguyễn Văn Thiện hành nghề dạy học ở Tây Nguyên. Hình như tâm hồn anh không bị khuôn định bởi nghề nghiệp và nhiều yếu tố khác nữa.

Truyện ngắn của
Nguyễn Văn Thiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.