Loay hoay biểu trưng du lịch

Loay hoay biểu trưng du lịch
TP - Sau nhiều lần thăm dò ý kiến, bộ biểu trưng Việt Nam- Sự khác biệt Á Đông vẫn chưa chính thức được chọn. Có ý kiến cho rằng nên quay lại Vẻ đẹp tiềm ẩn, và thực tế nó vẫn chưa bị thay thế.

> Sự khác biệt…Việt Nam 

Thờ ơ

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh Sự khác biệt Á Đông- tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tác tiêu đề- biểu tượng cho chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2015. Điều này không lạ. Lạ là trong hội nghị tổng kết năm 2010 của Bộ VHTTDL cuối tháng hai vừa qua, Tổng cục Du lịch tung ra hơn 400 phiếu thăm dò về 10 logo và slogan vào chung kết thì chỉ thu về được 46 phiếu.

Hội nghị này có sự tham gia của tất cả lãnh đạo Sở VHTTDL; các đơn vị trực thuộc Bộ; các doanh nghiệp văn hóa, du lịch, báo chí... Đủ thấy lời chào mời và biểu tượng mang đi quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam được người trong ngành quan tâm đến mức nào.

Trong cuộc thăm dò nói trên, có 20 ý kiến đồng ý đưa bộ biểu trưng giải Nhất vào sử dụng. Ở các cuộc thăm dò khác, tỉ lệ phiếu bỏ cho giải Nhất chiếm từ 43- 56%.

Ban tổ chức cuộc thi có lý của mình khi so bó đũa, chọn cột cờ trong cuộc thi công khai, kéo dài hơn bốn tháng. Đề bài ra rõ ràng: Logo và slogan phải dễ nhớ, dễ nhìn, ấn tượng, màu sắc hài hòa và không trùng với các tiêu đề, biểu tượng trong nước và thế giới. Thể hiện được thế mạnh du lịch biển đảo, sức hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh cao của du lịch Việt Nam, thu hút du khách quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, logo hình ngôi sao quá nhiều màu và nhiều đường kẻ, như thể biểu tượng của một nước châu Phi nào đó; nên thay bằng hoa sen hoặc nón lá thì thân thuộc và thể hiện bản sắc hơn. Một số ý kiến còn đi xa hơn, cho rằng đứng tách biệt khỏi châu Á theo như nội dung khẩu hiệu- có thể gây bất lợi trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Ông Nguyễn Mạnh Cường- phó Tổng cục Du lịch- phản bác: “Sản phẩm du lịch cần khác biệt, độc đáo mới cạnh tranh được, giống nhau thì người ta đến làm gì!”

Cần đồng bộ, chuyên nghiệp

Bộ biểu trưng cũ đã có dấu ấn mạnh mẽ trong lòng du khách và khá chuyên nghiệp, góp phần đón 5 triệu lượt khách quốc tế và hàng chục triệu lượt khách nội địa năm 2010.

“Xây dựng được một thương hiệu không phải dễ dàng. Tôi vẫn nghiêng về sử dụng logo búp sen và slogan Việt Nam- vẻ đẹp tiềm ẩn. Có chăng chúng ta sửa và sáng tạo thêm để phù hợp hơn trong chiến lược phát triển giai đoạn mới mà thôi” - ông Hà Văn Siêu- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nói.

Ông Nguyễn Mạnh Cường lại cho rằng: “Vẻ đẹp tiềm ẩn không còn phù hợp với xu thế hội nhập, đặc biệt chủ động thể hiện mình trong cạnh tranh nữa.” Được biết, Thái Lan từng thí điểm khẩu hiệu Happiness on Earth (Hạnh phúc trên trái đất) vào 2004, nhưng sau đó lại quay về Amazing Thailand (Sửng sốt Thái Lan).

Hội An- một trong những điểm du lịch hút khách nhất
Hội An- một trong những điểm du lịch hút khách nhất.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh: “Kế thừa cũng là ý kiến hay. Mặc dù mục tiêu thời gian tới của du lịch Việt Nam là thu hút khách quốc tế nhưng logo và slogan phải quan tâm đến sự cảm nhận và đồng cảm của người dân Việt Nam. Chỉ khi thấu hiểu được vẻ đẹp, sự độc đáo, khác biệt và tự hào với thương hiệu của quốc gia mình, người dân mới có thể giới thiệu, quảng bá cho du lịch Việt Nam”.

Bộ cũng đề ra 4 phương án lựa chọn bộ biểu trưng mới: Giữ nguyên bộ biểu trưng được giải Nhất; không có ngôi sao, chỉ còn tiêu đề; hoa sen và tiêu đề khác; nón lá và tiêu đề khác. Sau đó, TCDL chọn ra hai phương án để Bộ quyết định.

Tuy nhiên, không có một thời hạn rõ ràng cho việc tìm ra bộ biểu trưng mới. Dù sao biểu trưng cũng là một trong nhiều công đoạn của quá trình xúc tiến thương hiệu quốc gia. Việc tắc nghẽn ở một công đoạn sẽ dẫn tới trì trệ cả quá trình.

Bộ biểu trưng vẫn đang sử dụng cũng từng được chọn qua một cuộc thi hoành tráng, do một công ty quảng cáo chuyên nghiệp xây dựng, nhưng khi đưa vào sử dụng lại không triển khai chiến lược tiếp thị đi kèm. Chính vì thế mà tính bền vững, thuyết phục của nó không cao?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG