Lội đồng mà bắt được... thơ

Lội đồng mà bắt được... thơ
TP - Thơ là cái gì nhỉ? Tôi cảm giác, thơ cũng giống những con cá dưới kênh rạch Đồng Tháp hay đồng bằng Nam Bộ mà tôi học cách để bắt được chúng bằng tay không.
Lội đồng mà bắt được... thơ ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Thời ấy, trong chiến tranh, gian khổ đấy nhưng cũng có những lúc thật sảng khoái, thật trữ tình.

Năm 1972, tôi được tham gia đội công tác của Ban Binh vận R (Trung ương Cục) đi chiến trường Mỹ Tho. Chúng tôi xuất phát từ đất Campuchia, được xe honda 90 chở thẳng xuống biên giới Campuchia - Việt Nam và từ đó, bắt đầu đi bộ xuyên Đồng Tháp Mười.

Đang mùa nước nổi, chúng tôi đi qua Đồng Tháp Mười chủ yếu bằng xuồng ba lá. Nhưng cũng có nhiều đoạn phải lội bộ, nhiều đoạn vừa đi xuồng vừa đi bộ. Tính chung, khi tới được vùng Cai Lậy nam lộ 4 thuộc Mỹ Tho, đoàn chúng tôi phải đi mất…một tháng rưỡi.

Đúng là tốc độ của…rùa Đồng Tháp. Vì, rất nhiều đêm khi chèo xuồng hay lội nước tới điểm bàn giao của trạm giao liên, lúc ấy khoảng 12 giờ đêm, thì được tin báo đường tắc, lại phải hì hụi quay trở lại điểm xuất phát khoảng 5 giờ sáng, vừa kịp chui vào lùm vào bụi trú núp thì đã nghe tiếng trực thăng vè vè trên đầu.

Cứ đi theo kiểu “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” như thế, trách gì tốc độ chẳng hơn rùa? Mà đúng là đi như thế vừa mệt vừa nản, nhưng không có lựa chọn nào khác.

Tôi còn nhớ, khi sắp tới điểm tập kết sau cùng, cả đoàn bị kẹt ba ngày liền trên con lộ mang tên Trần Lệ Xuân (còn gọi là lộ đất Mỹ Long) giáp bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp. Ba ngày giữa Đồng Tháp, ban ngày phải chui vào các cụm bàng (một loài cây cùng họ với cây cói cây lác) để trốn trực thăng, đêm xuống mới tụ tập tán chuyện được với nhau.

Đói. Ba ngày liền, chẳng có gì ăn, chẳng biết kiếm cái gì có thể cho vào miệng, đói rã người. May mà cuối ngày thứ ba thì đường thông, vượt qua kênh Nguyễn Văn Tiếp sang Ấp Bắc, cả đoàn mới có bữa cơm ngon nhất trong đời, có cả rượu uống, đã đời !

Trong ba ngày nhịn đói trên lộ đất Mỹ Long ấy, đoàn Binh vận chúng tôi được giao lưu với nhiều đoàn công tác khác của Cục R, trong đó có đoàn tuyên huấn mà tôi có người bạn. Đó là anh bạn Phạm Quang Nghị - tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội - vốn là thành viên trong đoàn nhà văn trẻ do Hội Nhà văn “huấn luyện” và gửi vào chiến trường.

Giao lưu suông, chuyện gẫu cho đỡ đói là chính, chứ không hề có chút gì lót dạ hoặc miếng “cay” nào cho nó sảng khoái tinh thần. Vậy mà sau này khi về lại chiến khu, tôi đã viết được bài thơ khá dài “Một người lính nói về thế hệ mình”, trong đó có một đoạn đầy cảm hứng và khá lâm li về “hoàn cảnh…nhịn đói” trên lộ đất Mỹ Long với “thằng bạn thân”:

...“Tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ
Đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất
Trải dưới trời một tấm ni-lông
Nơi khi chiều B52 bừa ba đợt
Nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết
Nơi tôi chợt thốt niềm mơ giản dị của mình
“Chừng nào thật hoà bình
Ra lộ Bốn trải ni-lông
Nằm một đêm cho thỏa thích”
Thằng bạn tôi đăm đăm
Nhìn một ngôi sao mọc
Trong hố bom nhoè nước
Đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được
Chứa đầy một hố bom
Và một ngôi sao”…

Nếu có ai hỏi: “Anh thu hoạch được gì sau chuyến đi qua Đồng Tháp ấy ?” Tôi sẽ trả lời: “Tôi đã biết chèo xuồng. Biết bắt cá bằng tay không. Biết sống được giữa mênh mang đồng nước. Biết nhịn đói khi cần”.

Có thể còn thêm một số cái “biết” nữa, nhưng tôi bảo đảm, các bạn trẻ bây giờ không thể có điều kiện để làm một tour du lịch “bụi”, du lịch về thiên nhiên hoang dã như tôi hồi đó, đơn giản, vì Đồng Tháp Mười bây giờ đâu còn là Đồng Tháp Mười hồi xưa.

Tôi nhớ, có những đêm chúng tôi bơi xuồng giữa những cánh đồng sen bất tận. Trăng sáng. Và sen nở hoa. Hương sen miên man đầy xuồng. Có cảm giác xuồng chúng tôi được ướp trong hương sen. Cứ như đi trong mơ. Nếu gọi là “chơi” thì chơi như kiểu chúng tôi hồi ấy vua chúa cũng phải chào bằng cụ!

Nhưng đã gọi là “du lịch bụi” thì không phải lúc nào cũng sướng như vua. Nhiều đêm phải lội trong nước sình lầy Đồng Tháp, đi bộ suốt đêm, mệt tới mức nhiều người…bật khóc. Mà giữa đồng nước thì không có chỗ dừng chỗ nghỉ.

Cứ phải lếch thếch đi, mỗi lần rút chân khỏi nước bùn là mỗi lần mê man... mỏi. Với những người béo phì hay mỡ máu cao bây giờ mà đi bộ kiểu đó tôi bảo đảm sẽ “bách bệnh tiêu trừ” chả cần uống thuốc gì thêm.

Nhưng cũng nhờ những đêm lội nước Tháp Mười như thế mà tôi đâm…nghiện lội nước. Nên khi ở chiến trường nam lộ Bốn, cứ đêm đêm là mấy anh em chúng tôi lại lội nước bì bõm tìm... rượu uống.

Nghe nói bây giờ các bạn Hàn Quốc mỗi đêm nhậu phải đi tới ba địa điểm khác nhau, uống ba loại đồ uống có cồn khác nhau mới…khoái. Còn chúng tôi hồi đó do vùng nam lộ Bốn khá “xôi đậu”, ban ngày lính Sài Gòn khống chế, ban đêm tới lượt Việt Cộng lội nước đi khắp nơi khắp chốn.

Cũng xin nói thật, có những đêm chúng tôi lội nước tới một, hai giờ sáng, tới được khoảng 5 điểm, là 5 nhà dân. Không phải để tuyên truyền cách mạng gì, mà để…nhậu chơi với bà con. Hết ghé nhà mấy bác lão nông, chúng tôi lại tới thăm các chị em…goá chồng.

Lội đồng mà bắt được... thơ ảnh 2
Nhà thơ Thanh Thảo thời áo lính.

Ở đâu chúng tôi cũng được đón tiếp niềm nở ân cần. Và ở đâu cũng…nhậu. Nhiều khi chỉ uống rượu đế với…lục bình chấm mắm kho, vậy mà ngon đáo để ! Các bác già thì càng uống càng nói chữ, nửa ta nửa tàu, còn các chị em goá chồng thì càng uống má càng…hồng. Nhưng bảo đảm trong sáng nhé, không có chuyện gì xảy ra nhé !

Chỉ uống rượu cho vui. Người ta cứ ca ngợi nhân dân thế này thế khác, nhưng với tôi, nhân dân chỉ là vậy thôi, hồn nhiên, tình cảm, dễ dàng. Ngày ở nhà, tôi chẳng biết mình cũng có “thứ”, nhưng vào đây, ở với dân Nam Bộ, tôi được dân âu yếm gọi là “thằng út”.

Thực ra, tôi là con một, nên có thể thứ hai mà cũng có thể thứ…út. Nhưng làm em út thích hơn, có vẻ được chiều chuộng hơn một tí, ưu tiên hơn một tí. Đó cũng là một kinh nghiệm nhỏ của tôi.

Cứ “đi lang thang lang thang” như thế nhiều ngày nhiều đêm, có lúc cũng hơi nguy hiểm, như cái lần tôi một mình ra cù lao Ngũ Hiệp giữa sông Tiền, đúng là “du lịch nguy hiểm”. Trong đêm tối, mặt sông im lìm, nhưng tàu giặc lại tắt máy thả trôi rình mò, nó mà vớ được mình thì chỉ có…

Thơ là cái gì nhỉ ? Tôi cảm giác, thơ cũng giống những con cá dưới kênh rạch Đồng Tháp hay đồng bằng Nam Bộ mà tôi học cách để bắt được chúng bằng tay không. Khi chưa biết, thì chuyện bắt cá bằng tay là chuyện không bao giờ tôi dám nghĩ tới. Nhưng khi học và hành được rồi, thì có lần tôi bắt được cả một con…lươn bự, ngay giữa Đồng Tháp. Con lươn khó bắt hơn con cá, vì nó trơn. Thơ cũng vậy thôi.

Nhờ những tháng ngày “cơm chui rượu chịu” như thế giữa chiến trường, mà tôi tự nhiên có được cái gì đó, ở đâu đó trong mình. Tới khi tôi về lại chiến khu, thì “cái gì đó” hoá ra là những bài thơ ngắn. Còn sau hoà bình, khi có thời giờ nghĩ và nhớ lại, thì nó thành những trường ca, những bài thơ dài. Đúng là tôi đã bắt được thơ ngắn như bắt được cá, còn bắt được trường ca như bắt được…lươn. 

Cái gì rồi cũng phải trải qua mới quen, trải qua mới có, trải qua mới thành.

Nhà thơ Thanh Thảo

MỚI - NÓNG